
“ƯỚC MƠ CỦA BẠN NHẤT ĐỊNH SẼ THÀNH HIỆN THỰC”.
Inamori Kazuo
Về tác giả
Inamori
Kazuo sinh năm 1932 tại Kagoshima, Nhật Bản, một trong những doanh
nhân nổi tiếng nhất của Nhật Bản hiện đại, người được xem là “Honda”
sống của Nhật với cuộc đời là câu chuyện về sự nỗ lực vượt qua số phận
và các hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Sự
nghiệp và tư tưởng của ông được đánh giá cao không chỉ tại Nhật mà cả
bình diện quốc tế. Trong cuốn Tư duy lại tương lai, John Kotter đã nói
về ông như sau: “Kazuo Inamori…là một (trong những) nhà lãnh đạo tài ba.
Trong khi thế giới còn đang bị các nhà quản trị thống trị thì họ đã
biết lãnh đạo. Họ thách thức hiện trạng… biết phát triển một viễn cảnh
đầy ý nghĩa cho đời sống kinh tế và biết vạch ra chiến lược để đạt nó.
Họ là những nhà giáo dục. Họ biết cách dẫn dắt mọi người trong và ngoài
tổ chức cùng hiểu và tin tưởng vào viễn cảnh tương lai. Họ còn biết tạo
điều kiện… cho mọi người tiến lên, hăng hái tạo dựng và thực hiện cảnh
đó.
Rèn tâm, luyện tài & kiên trì = thành công
Bằng
cuộc đời thật của chính mình, Inamori muốn chia sẻ nhân sinh quan và
những kinh nghiệm sống, những phương thức để thành công để mỗi người có
thể đánh thức tiềm năng vô hạn của mình. Inamori đã chia sẻ với bạn đọc
những niềm tin cháy bỏng tự đấy lòng mình về con đường của thành công đó
là rèn tâm, luyện tài và kiên trì ước mơ của cuộc đời mình. Cuộc đời
con người dù vượt qua bao thăng trầm, nhưng không chỉ toàn vận đen, luôn
luôn có sự xen kẽ điều tốt và cái xấu, nhưng dù gặp bất cứ cảnh ngộ nào
cũng đừng nản chí. Những nỗ lực trong khó khăn gian khổ của bạn sau này
sẽ đơm hoa kết trái. Những nỗ lực đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn ngập
tràn hạnh phúc. Và nhất là chúng sẽ nâng cao phẩm chất con người trong
bản thân bạn.
Không chỉ vậy, chính cái tĩnh tâm
tìm ra lẽ sống cho mình và sự kiên trì dấn thân, kể cả trong những điều
kiện khắc nghiệt gần như tuyệt vọng, khi mà “người giỏi bỏ đi, người
kém còn lại” đã giúp Inamori hiểu hơn cuộc sống, hiểu hơn chính mình, tự
rèn luyện năng lực và ý chí liên tục hoàn thiện cá nhân, nhưng cũng
thông cảm đến thương yêu và kính phục những người khác mình. Đó phải
chăng là cái gốc để đạt đến tầm nhận thức tự cảm nhận sự cân bằng và
hạnh phúc.
Phương trình Inamori:
ĐÁP SỐ CUỘC ĐỜI = NĂNG LỰC x LÒNG NHIỆT TÌNH x CÁCH TƯ DUY!
Xuyên
qua cuộc đời mình, Inamori đã tự thuật là thi trượt cấp II, thi vào đại
học quốc gia cũng trượt, khi đi làm lại không được vào công ty tốt vậy
mà cả nước Nhật biết ông vẫn không chỉ thành công, giàu có mà còn là
người được ngưỡng mộ, kính trọng về nhân cách của mình. Ông đã lý giải
điều này qua phương trình nêu trên, không phải để thần thánh hoá thành
công của mình mà là để mọi người bình thường có thể tự tin hơn để rèn
luyện và thành công trong cuộc sống.
Vậy còn
đối với trí thông minh thì sao nhỉ? Vì đa số mọi người lại tin rằng chỉ
có người thông minh mới thành công trong cuộc sống.
Nếu
thế thì sự thành công có thể đến từ đâu? Chính lòng nhiệt tình! Bởi đó
là ý chỉ của bản thân, mỗi người tự quyết định được. Bằng điều đó
Inamori giải thích con đường của người bình thường có thể làm cho cuộc
sống của mình tốt đẹp hơn.
Ngoài ra điều nữa
cũng rất quan trọng đó là cách tư duy, luôn suy nghĩ lạc quan. Điều quan
trọng nhất là làm sao để liên tục suy nghĩ lạc quan trong suốt cuộc
đời.
Thay lời kết, xin mượn lời GS.TS giáo dục
học Kanda Yoshinobu nói về cuốn sách: đây là cuốn sách nói về lẽ sống
của con người mà tác già của nó đã viết bằng cả tấm lòng… Tác giả mong
muốn lớp trẻ, nhất là những người đang lưỡng lự, phân vân trước ngưỡng
cửa cuộc đời sẽ đọc cuốn sách này. Cuốn sách đề cập việc con người có
khả năng phát triển tuyệt vời nếu có ước mơ, hoài bão và nỗ lực để thực
hiện những gì mình ấp ủ”.
Xem Inamori, hiểu
được sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản là do kết quả tích hợp từ những
co người bình thường và có ý chí, ước mơ, dám dấn thân và kiên trì thực
hiện ước mơ. Không chỉ dừng lại việc cải thiện đáp số cuộc đời và những
điều hay cho mỗi cá nhân chúng ta, đã đến lúc đặt câu hỏi: „tại sao
không, Việt Nam ta sẽ có những “Inamori Việt Nam”?
LỜI NÓI ĐẦU
Các
bạn đang cầm trên tay cuốn sách của Kazuo Inamori, một trong những
doanh nhân nổi tiếng nhất của nước Nhật hiện đại. Người Nhật gọi ông là “
Honda sống”, một cái tên vừa nói lên tài năng kinh doanh vừa là sự tôn
vinh những đóng góp to lớn của ông cho kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến
Thứ hai. Tập đoàn Kyocera do ông sáng lập và phát triển chính là hiện
thân của sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản. Từ một công ty nhỏ vốn liếng ít ỏi
thành lập vào năm 1959, Kyocera Corporation ngày nay xếp thứ 254 trong
số 500 công ty lớn nhất thế giới, và là công ty hàng đầu trong lĩnh vực
gốm công nghệ cao.
Cuộc đời của Inamori là câu
chuyện về nỗ lực vượt qua số phận để vươn lên. Xuất thân từ tầng lớp
thường dân, chỉ tốt nghiệp đại học hàng tỉnh, nhưng Inamori lại có óc
sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm và một nghị lực sắt đá giúp ông
vượt qua mọi nghịch cảnh. Nhưng sâu xa hơn, thành công của Inamori bắt
nguồn từ triết lý mà ngày nay được gọi là triết lý của Kyocera. Nó dựa
trên tư tưởng “làm việc thiện”, nói rộng ra là làm những gì mang lại
hạnh phúc cho con người, cho xã hội và cho nhân loại nói chung. Cũng như
Andrew Carnegie, Inamori cho rằng “nếu may mắn có được tài năng (lãnh
đạo), bạn nên dành nó cho thế giới, cho nhân loại, cho xã hội, chứ đừng
bao giờ chỉ dành cho bản thân mình”.
Sự nghiệp
và tư tưởng của Kazuo Inamori được đánh giá rất cao không chỉ ở Nhật Bản
mà cả trên bình diện quốc tế. Năm 1991, ông được mời tham gia Uỷ ban
xúc tiến cải cách Chính quyền, một cơ quan tư vấn cấp cao cho chính phủ
Nhật, là chủ tịch tiểu ban “Nhật Bản và Thế giới”. Với vai trò này, ông
góp phần quan trọng hình thành nên “Những nguyên tắc về Chính sách Đối
ngoại của Nhật Bản”, thể hiện những quan niệm về vai trò và hình ảnh của
toàn nước Nhật trong thế giới toàn cầu ở thiên niên kỷ thứ ba. Còn các
nhà tương lai học uy tín trên thế giới đánh giá rất cao triết lý của
Kyocera, coi đó như một hình mẫu của công ty ở thế kỷ 21. Tháng 10 năm
2002, tổ chức Case tại Hoa kỳ mời ông diễn thuyết về đề tài “Đạo đức và
Lãnh đạo trong Viễn cảnh Toàn cầu” cho các chủ tịch công ty và hiệu
trưởng các trường đại học Mỹ. Bài diễn thuyết này sau đó được biên soạn
thành một cuốn sách thuộc diện bestseller ở Mỹ, đó là cuốn “ A Passion
for Success” (tạm dịch là Khát vọng Thành công) mà Nhà xuất bản Trẻ hy
vọng sẽ giới thiệu với bạn đọc trong thời gian tới.
VỀ TÁC GIẢ
INAMORI KAZUO
Sinh năm 1932 tại thành phố Kagoshima.
Năm 1955, tốt nghiệp Khoa Công nghiệp đại học Kagoshima.
Năm
1959, lập công ty Kyoto Ceramics, tiền thân của Tập đoàn Kyocera hiện
nay. Ông trải qua các chức vụ Giám đốc công ty, Chủ tịch tập đoàn và từ
năm 1997 giữ chức Chủ tịch danh dự Tập đoàn Kyocera.
Năm
1984, trước làn sóng tự do hoá thị trường viễn thông, ông lập ra công
ty điện thoại DDI, giá cước điện thoại đường dài ở Nhật Bản rẻ hẳn đi.
Sau đó, ông lập tám công ty điện thoại di động và hình thành mạng lưới
điện thoại di động trên khắp đất nước Nhật với thương hiệu au.
Năm 2000, ông lập ra Tập đoàn viễn thông KDDI trên cơ sở hợp nhất DDI với KDD và IDO, đồng thời giữ chức Chủ tịch danh dự.
CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
Năm
1984, ông trích 2 tỷ yên (khoảng 200 triệu USD ) từ tài sản riêng, lập
Quỹ Inamori và Giải thưởng Quốc tế Kyoto. Giải thưởng Quốc tế Kyoto được
đánh giá không thua kém Giải thưởng Nobel, hàng năm được trao cho các
nhà khoa học và hoạt động văn hoá nghệ thuật xuất sắc trên thế giới trên
ba lĩnh vực: Kỹ thuật; Khoa học cơ bản và Tư tưởng Nghệ thuật. Trị giá
giải thưởng gồm khoản tiền mặt 50 triệu yên và một Huy chương vàng gắn
hồng ngọc và ngọc bích.
Năm 1989, lập trường tư
thục Seiwa để đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giữ
chức hiệu trưởng. Trường chính ở Kyoto. Ngoài 55 phân hiệu trên khắp
Nhật Bản, còn năm phân hiệu ở Mỹ, Brazil, Nga, Trung Quốc và Đài Loan.
Học viên của trường là giám đốc của các công ty vừa và nhỏ. Tổng số học
viên của toàn trường: 3.150 người (số liệu tháng 2- 2004).
CÁC CHỨC VỤ
* Hiện nay là Chủ tịch danh dự Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Kyoto.
* Hội viên Hải ngoại đặc biệt Viện hàn lâm Khoa học Vương quốc Thụy Điển.
* Hội viên Hải ngoại Viện hàn lâm Công nghiệp Hoa kỳ.
* Tổng thư ký Hiệp hội Carnegie Washington.
CÁC TÁC PHẨM ĐÃ VIẾT
o Nước Nhật mới: Phương pháp kinh doanh mới (1994)
o Tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1995)
o PASSIONS – Con đường dẫn đến thành công (1996) o Kính thiên ái nhân (1997)
o Hướng tới xã hội ước mơ (1998) o Cuộc đời và kinh doanh (1998)
o Thực học: Kinh doanh – Tài chính ( 1998 ) o Triết lý Inamori (2001)
o Tư chất người lãnh đạo (2002) o Đức và Chính nghĩa (2002)
o Cách sống của tôi (2004)
o Phương pháp kinh doanh đạt lợi nhuận cao (2004) o Nâng cao nhân cách. Phát triển kinh doanh (2004)
LỜI MỞ ĐẦU
Có một điều tôi muốn tâm sự với các bạn trẻ.
Đó là tương lai của bạn tuỳ thuộc vào hoài bão và nỗ lực của chính bạn.
Càng
những lúc băn khoăn, trăn trở về lẽ sống, về cách sống, càng những lúc
gặp nghịch cảnh thì bạn càng phải dồn sức, nỗ lực vào công việc bạn đang
thực hiện. Chính điều đó sẽ mở ra đường đi cho mình.
Tôi
sinh ở Kagoshima, trên đảo Kyushu. Năm 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp
trường đại học Kagoshima, tôi rời quê lên thành phố Kyoto đi làm. Năm 27
tuổi, cùng với bảy người đồng chí hướng, tôi thành lập công ty Kyoto
Ceramics - tiền thân của tập đoàn Kyocera ngày nay. Tập đoàn Kyocera là
một tập đoàn kinh tế lớn, tổng số nhân viên lên tới 50 ngàn người, trong
đó 14 ngàn người làm việc ở Nhật Bản.
Nhưng, để có được như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua biết bao thất bại và nản chí.
Thất
bại đầu đời của tôi là việc thi trượt trung học cơ sở. Năm sau, thi lại
cũng rớt. Tôi phải học ở trường dự bị. Đến khi thi đại học, tôi trượt
Đại học quốc gia Osaka và phải thi vào trường đại học hàng tỉnh. Ra
trường, tôi cũng trượt trong cuộc thi tuyển nhân viên của các công ty.
Vất vả mãi, được giáo sư hướng dẫn giới thiệu, tôi mới xin được vào làm
việc ở một công ty đang thua lỗ, chỉ chờ phá sản.
Hơn
nữa, tôi còn mắc bệnh lao trong thời gian chuẩn bị thi lại vào trung
học. Tôi sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì hai người chú và một
người cô, em ruột của bố tôi, đã chết vì bệnh lao, cho nên có lẽ tôi
cũng chịu chung số phận.
Sau này, tôi quan tâm
sâu sắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về “cái tâm” của con người, cũng bởi vì
ngay từ nhỏ tôi đã ý thức về sự mong manh của kiếp người.
Có thể nói, cuộc sống thời trẻ của tôi là chuỗi những thất bại và chán nản.
May
thay, sau mỗi lần tôi vấp ngã thì “thần hộ mệnh” lại hiện lên, nâng đỡ
tôi. Nhờ thế mà tôi mới có thể tiếp tục nỗ lực, con người tôi không bị
méo mó, lệch lạc.
Tôi có duyên gặp được những
người mà tôi luôn coi họ là thần hộ mệnh. Những người có tấm lòng cảm
thông với tôi đến mức có thể sánh với tình cha con ruột thịt.
Đó
là người thầy dạy tiểu học, người đã nộp đơn thi chuyển cấp hộ tôi và
còn đưa tôi đến tận phòng thi vì thấy tôi bệnh tật, ốm yếu. Đó là người
thầy dạy cấp ba, người đã có công thuyết phục cha mẹ tôi, lúc ấy chỉ
mong con cái thôi học đi làm, và nhờ thế mà tôi thực hiện giấc mơ đại
học. Đó là một nhân viên của một công ty ở Kyoto, người đã đem căn nhà
đang trú ngụ thế chấp ngân hàng để vay tiền thành lập công ty cho tôi
tiếp tục công việc nghiên cứu. Và nhờ thế mà cả thế giới biết tới và ứng
dụng kỹ thuật do tôi phát minh. Ở từng giai đoạn của đời tôi, tôi luôn
được ân nghĩa của biết bao người, mà suốt đời tôi cũng không thể đền đáp
được. Chỉ cần thiếu bất cứ người nào trong số họ thì có lẽ sẽ không có
tập đoàn Kyocera cũng như tập đoàn KDDI như ngày nay.
Có
thể nói tôi được như ngày nay là nhờ những tấm lòng tận tụy đó. Để đáp
lại những tấm thịnh tình ấy, tôi đã nỗ lực xây dựng công ty lớn mạnh, nỗ
lực quên mình cống hiến cho con người, cống hiến cho xã hội.
Tôi
luôn tâm niệm rằng dù bản thân hơi thiếu năng lực nhưng bù lại, nếu có
nhiệt huyết và ý chí thì nhất định không thể thua kém người khác. Tuy
vậy, đối với tôi, có một thứ còn quan trọng hơn. Đó là “cái tâm”, là
“tấm lòng”. Ước mơ nhất định trở thành hiện thực nếu ta có tư duy đúng
đắn của một con người có nhân cách và biết nỗ lực hết mình cho một mục
đích rõ rệt. Nói cách khác, tôi được như ngày nay cũng bởi vì tôi nghĩ
như vậy và làm đúng như vậy. Cuộc đời tôi đúng như những gì mà tôi đã vẽ
lên trong tâm cảm.
Cuốn sách này tôi viết
trong dòng hồi tưởng về một thời tuổi trẻ băn khoăn, trăn trở, là những
suy nghĩ của tôi về cuộc đời.Và tôi muốn được tâm sự cùng các bạn.
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Cuộc đời sẽ như những gì bạn ấp ủ trong lòng NGHĨ ĐIỀU THIỆN
Trong
đời người, không có gì quan trọng hơn câu hỏi: “Ta ấp ủ điều gì trong
lòng?” Cuộc đời của một người được quyết định bởi những suy nghĩ, ước
mơ, hy vọng, lý tưởng, hoặc quan niệm, tư tưởng mà người đó theo đuổi.
Một
người Trung Quốc là Viên Liễu Phàm có để lại cho đời một cuốn sách tựa
đề là Âm chất lục. Điểm cốt yếu được nêu trong cuốn sách này là người ta
ai cũng có một số phận. Nhưng số phận vẫn có thể thay đổi được tuỳ theo
suy nghĩ và tư tưởng của bản thân người đó. Cuốn sách ra đời dưới thời
nhà Minh, cách đây hơn 400 năm – tương ứng với thời Tể tướng Toyotomi
Hideyoshi (1) cai trị Nhật Bản.
1.: Toyotomi
Hideyoshi (1536 – 1598) là người đã dựng nên một chính quyền thống
nhất trên toàn cõi Nhật Bản năm từ 1590. Sau khi nắm quyền binh ông tự
xưng là Kampaku đại khái như tể tướng.
Tôi xin kể qua một chút về nội dung của cuốn sách.
Hồi
nhỏ, Viên Liễu Phàm có tên là Học Hải. Một hôm, có ông lão đầu tóc đến
tìm nhà Học Hải. Ông lão nói: “Ta vốn là người nước Nam, rất tinh thông
Dịch lý. Hôm nay ta tìm tới đây để thực hiện một Thiên mệnh trời trao.
Đó là truyền lại tinh yếu của “Dịch” cho một cậu bé tên là Học Hải sống ở
xứ này.”
Ở Trung Quốc, “Dịch” là một môn học từ rất xa xưa, có thể dùng để đoán trước số phận con người.
Ông
lão ở nhà Học Hải. Cha Học Hải mất sớm. Gia đình chỉ có hai mẹ con tần
tảo kiếm sống. Ông lão gọi hai mẹ con Học Hải đến ngồi trước mặt và nói
về tương lai của cậu bé.
“Bà muốn con bà sau này trở thành thầy thuốc phải không?”.
“Vâng.
Cụ nói chẳng sai, tôi muốn cho cháu nối nghiệp nhà làm thầy thuốc. Ông
nội nó là lương y, cha nó trước khi mất cũng là thầy lang đấy ạ. Vì thế
tôi mong cho nó sau này cũng trở thành thầy lang như ông cha…”.
“Không.
Thằng bé này không trở thành thầy thuốc như bà mong mỏi đâu. Nó sẽ theo
nghiệp khoa cử, sẽ vượt qua tất cả các ký thi và trở thành một vị quan
lớn được người đời trọng vọng.”
Khoa cử là một cách thức để
tuyển quan lại ở Trung Hoa ngày xưa. Khoa cử gồm nhiều vòng thi như thi
hương, thi hội, thi đình… Sau mỗi vòng, thí sinh lại tiếp tục trải qua
một cuộc sát hạch khác cao hơn và khó hơn.
Ông lão nói tiếp:
“Thằng bé này sẽ thi hương vào lúc chừng này tuổi. Nó sẽ đỗ kỳ thi hương
trong số hàng trăm ngàn cống sinh khác. Nó sẽ dự tiếp kỳ thi hội vào
lúc chừng này tuổi và cũng sẽ đỗ. Sau đó ít năm, nó đi thi đình, nhưng
lần này thì trượt. Song chỉ năm sau nó sẽ thi lại và sẽ đỗ. Đến cuối
đời, nó sẽ trở thành một vị quan nhất phẩm trong triều. Và ngoài ra, nó
sẽ được bổ làm tri phủ khi còn rất trẻ.”
Ngừng một lát, ông
lão nói tiếp: “Thằng bé này sẽ thành gia thất, nhưng đường con cái thì
không được may mắn lắm. Và điều cuối cùng, nó sẽ thọ 53 tuổi. Số mệnh
của nó là thế đấy.”
Cậu thiếu niên ngồi lắng nghe, trong lòng thầm nghĩ: “Cái ông lão này nói ra toàn những điều huyễn hoặc.”
Nhưng
về sau, cuộc đời Học Hải diễn ra quả đúng như những gì ông lão đã nói.
Từ việc vượt qua hàng trăm ngàn thí sinh thi đỗ trong các kỳ thi, cho
tới việc trở thành quan nhất phẩm trong triều, kể cả chuyện được bổ làm
quan phủ từ khi còn rất trẻ, tất cả điều đúng như lời ông lão.
Ngay
sau khi nhận chức quan phủ, Học Hải tới viếng ngôi chùa trong vùng.
Trong chùa có một nhà sư nổi tiếng, pháp danh là Vân Cốc thiền sư. Đã từ
lâu, Học Hải muốn được yết kiến vị thiền sư này. Thiền sư cũng nghe
tiếng tăm của vị quan trẻ tuổi, nên ra tận cổng đón rước. Sau khi vào
chùa, thiền sư mời Học Hải toạ thiền. Rồi cả hai cùng ngồi thiền. Thiền
sư rất đỗi khâm phục tư thế tọa thiền của Học Hải. Vì Học Hải tọa thiền
thật đĩnh đạc, khoan thai và không mảy may phân tâm. Thiền sư cất tiếng
ngợi khen: “Ngài còn trẻ mà đã có thể tọa thiền đĩnh đạc như thế, hẳn đã
tu luyện từ lâu rồi. Xin mạn phép hỏi ngài tu ở chùa nào vậy?” Học Hải
đáp: “Bạch thiền sư, tôi chưa từng tu ở đâu cả. Nhưng thiền sư đã có lời
khen thì tôi cũng xin được kể câu chuyện xảy ra từ thời niên thiếu, khi
được ông lão đoán vận hạn của mình. Và giãi bày nỗi lòng: “Bạch thiền
sư, sự thực mọi việc đều xảy ra đúng như lời ông lão: tôi làm quan từ
khi còn trẻ; thành gia thất rồi nhưng mãi vẫn chưa có mụn con nào; và
lời đoán còn nói rằng tới năm 53 tuổi tôi sẽ chết, số mệnh Trời đã định
sẵn vậy rồi, nên tôi cứ thế mà sống, trong lòng chẳng còn chút mảy may
ham muốn trở nên thế này hay thế kia. Cũng vì vậy mà tôi không một chút
phân tâm mỗi khi tọa thiền”.
Nghe xong lời bộc
bạch của Học Hải, sắc mặt hiền từ của vị thiền sư bỗng đanh lại. Và rồi
thiền sư nổi trận lôi đình mắng Học Hải: “Ta cứ ngỡ ngươi là một người
trẻ tuổi thông tuệ, một hiền nhân đã chứng ngộ. Hoá ra ngươi cũng chỉ là
hạng tầm thường ngu dốt mà thôi.”
Rồi thiền sư
dịu giọng nói tiếp: “Thật ra, ông lão nói đúng. Mỗi người đều có số
phận trời định. Nhưng chẳng có ai cam chịu số phận như thế đâu. Vẫn có
câu đức năng thắng số. Nếu luôn nghĩ điều thiện, nếu luôn làm việc thiện
thì cuộc đời sẽ tốt đẹp. Nếu chỉ nghĩ điều ác và làm điều ác thì cuộc
đời rồi sẽ chẳng ra gì. Luật nhân quả đó có ở muôn vật. Biết luật nhân
quả thì con người sẽ thay đổi được số phận.”
Phải
là người thông minh thì Học Hải mới được bổ làm quan khi tuổi đời còn
rất trẻ. Nhưng không chỉ vậy, Học Hải còn là người biết lắng nghe ý kiến
người khác.
Học Hải cảm kích ghi nhận lời dạy
của vị thiền sư, đứng dậy lễ tạ và rời khỏi chùa. Về đến nhà, Học Hải
đem toàn bộ câu chuyện xảy ra trong chùa kể lại cho vợ nghe.
“Hôm
nay ta tới thăm chùa. Sau khi yết kiến thiền sư thì được dạy bảo như
thế… như thế… Kể từ hôm nay, ta sẽ chỉ nghĩ điều thiện và sẽ chỉ làm
việc thiện.”
Người vợ vui vẻ đáp: “nếu chàng đã
suy nghĩ như vậy thì thiếp cũng sẽ theo chàng. Vợ chồng ta sẽ cố gắng
chỉ nghĩ và làm điều thiện, kể từ những việc nhỏ nhặt nhất trở đi.”
Đến
đoạn này thì cuốn Âm chất lục kể sang chuyện khác, không ăn nhập gì với
phần đầu. Đó là đoạn Học Hải đổi tên thành Liễu Phàm và ghi lại những
lời tâm sự với con trai mình.
“Này con trai của
cha. Cuộc đời cha có nhiều điều kỳ lạ như cha đã kể cho con nghe. Kể từ
khi cha tới chùa, được thiền sư tiếp đón và chỉ dạy cho luật nhân quả,
cha và mẹ con luôn tự nhủ lòng lúc nào cũng phải nghĩ điều thiện, phải
làm việc thiện. Nhờ thế mà những điều ông lão đã đoán khi cha còn nhỏ,
nào là “sẽ không có con” thì nay cha đã có con, nào là “thọ 53 tuổi” thì
nay cha đã ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn sống khỏe mạnh.”
Cuốn
Âm chất lục là một cuốn sách tôi rất thích đọc và thường hay giới thiệu
cho mọi người cùng đọc. Tôi cũng nghĩ rằng: Con người có số mệnh. Thế
nhưng số mệnh không phải là thứ không thể thay đổi được. Như câu chuyện
đã chỉ ra: Nếu ta nghĩ điều thiện, nếu ta làm việc thiện thì ta sẽ có
thể thay đổi được số mệnh và biến cuộc đời ta thành một thứ còn quý giá
hơn cả sự sống nữa.
Những lúc như thế, quan
trọng nhất là ta phải luôn hiểu rằng: “Tất cả mọi việc xảy ra trong cuộc
đời, khi hạnh phúc, lúc bất hạnh…ều là những thử thách”. Thử thách nếu
là vận may, là phúc lộc thì cứ tự nhiên mà tiếp nhận, và hãy cảm tạ, chớ
có tự mãn, đừng đánh mất lòng kiêm cung mà cứ tiếp tục cố gắng. Ngược
lại, nếu thử thách chẳng may lại là hoạn nạn thì cũng đừng có kêu than,
oán hận, mà phải nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và hướng về phía trước.
Trong
mọi hoàn cảnh, lúc thuận, lúc nghịch, lòng ta vẫn phải luôn nghĩ tới
điều thiện, vẫn phải luôn nỗ lực làm viện thiện. Đó là những gì quan
trọng nhất trong cuộc đời.
Tải sách, đọc sách tại đây