Khu vườn có diện tích hơn 2 mẫu được anh Trịnh Văn Hội quy hoạch trồng hòe lấy hoa. Sự khác biệt ở đây là cùng diện tích, ngoài trồng hòe lấy hoa, anh còn ươm hòe con để bán giống ở dưới tán những cây hòe đã trưởng thành. Với cách làm này, mỗi năm, anh Hội vừa thu hoạch hơn 800kg hoa hòe vừa sản xuất và cung cấp hơn 10.000 cây giống cho bà con nông dân. Tổng giá trị thu về gần 600 triệu đồng.
Anh Hội hướng dẫn kỹ thuật chọn mắt ghép và ghép mắt nhân giống hòe. Ảnh: Khắc Duẩn
Ở xã Bách Thuận huyện Vũ Thư có rất nhiều hộ dân cũng ươm bán cây hòe giống nhưng cây giống của anh Hội vẫn được bà con nông dân ưa chuộng hơn. Bởi, trồng cây hòe giống của anh Hội chỉ sau 1 năm đã cho hoa, cây thấp, tán rộng, bông to cho năng suất cao. Từ cây hòe ở Bách Thuận, hiện loài cây này đã có mặt ở các địa phương như: Xã Hồng Quỳnh, Thụy Quỳnh huyện Thái Thụy, huyện Hưng Hà và các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Gia Lai, Buôn Ma Thuột. Anh Hội chia sẻ kinh nghiệm: "Cũng là cây hòe ghép nhưng để cây hòe nhanh ra hoa và năng suất cao thì khi ghép phải chọn cành mắt ghép đang ra hoa và chùm hoa to. Muốn cây hòe thấp, tán rộng, ngay khi cây cao 1m phải cắt ngọn và tách bỏ 3-4 lá để cây phát chồi".
Để tăng mức doanh thu và phát huy hết tiềm năng đất đai, hiện nay anh Trịnh Văn Hội thuê mượn thêm đất của người thân và đưa cây hòe ra ngoài bãi đê sông Hồng làm giàu với tổng diện tích gần 6 mẫu. Mỗi năm gia đình anh Hội thu hoạch được 1,5 tấn hoa hòe và bán trên 1 vạn cây giống. Với giá thị trường hiện nay khoảng 130.000đồng/kg hoa hòe và 50.000 đồng/cây giống, anh hội thu về gần 700 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình kinh tế của anh Hội, anh Nguyễn Thanh Nghĩa – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bách Thuận khẳng định: "Mô hình làm giàu từ cây hòe của anh Hội rất có hiệu quả và nổi bật nhất ở Bách Thuận. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham quan, học tập ở anh Hội sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế để lập nghiệp ngay tại địa phương".
(Dân Việt)