Nếu như trước đây dê được nuôi theo kiểu
chăn dắt hoặc cột buộc ở khu vực quanh nhà, đồi gò hoặc nuôi nhốt kết
hợp với chăn thả thì nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Tiến (huyện
Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng phương thức nuôi nhốt cố định tại
chuồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trước đây thuộc diện
nghèo của xã nay đã trở nên khấm khá nhờ áp dụng mô hình này.
Nuôi dê nhốt chuồng cho thu nhập ổn định.
Ông Lê Đình Khương, ở thôn 1B, cho
biết: “Năm 2004, sau khi được tham quan mô hình nuôi dê, tôi quyết định
phá bỏ gần 1 sào cà phê già cỗi để làm chuồng và mua 7 con dê giống về
nuôi. Đến nay, đã có 25 con dê mẹ và đàn dê thịt hơn 70 con. Bình quân
mỗi năm tôi xuất bán 100 con dê giống, giá bán 100.000 - 130.000
đồng/kg, thu khoảng 200 triệu đồng/năm”.
Theo ông Khương, để nuôi dê nhốt
chuồng đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm thì việc áp dụng kỹ thuật
vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật
từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là
loại động vật không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cho dê cần phải đảm
bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng,
tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng
chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu
tố bất lợi của thời tiết đối với dê.
Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân
rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối
giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê
giao phối cận huyết để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống.
Theo (Theo Tin tức)