Trong quá khứ, phụ nữ là những người khó có thể giàu có. Tất cả mọi luật lệ trong xã hội, vốn do đàn ông kiểm soát, đều ngăn cấm phụ nữ nắm giữ tài sản. Tuy nhiên, lịch sử cũng ghi nhận những người phụ nữ nắm giữ số tài sản lớn ngoài sức tưởng tượng và bản thân họ cũng là những người kiệt xuất.
Charlene de Carvalho-Heineken sinh năm
1954 tại Hà Lan. Là người con duy nhất của Freddy Heineken, người đảm
trách vai trò CEO của Heineken từ năm 1971-1989, bà Carvalho được thừa
kế khoản tiền khổng lồ từ cha khi ông qua đời năm 2002. Với tài sản 12,7
tỷ USD, số tiền Carvalho sở hữu tương đương 0,017% GDP toàn cầu.
Anne Cox Chambers sinh năm 1919 tại Mỹ,
người từng có thời gian làm Đại sứ tại Bỉ. Tuy nhiên, việc sở hữu số
tiền khổng lồ từ cha tại Cox Enterprises giúp Chambers trở thành một
trùm truyền thông danh tiếng. Ở độ tuổi 98, bà Chambers đã rời vị trí
lãnh đạo đế chế truyền thông của mình và chia 15,3 tỷ USD cho ba người
thừa kế. Tài sản của Chambers tương đương 0,021% GDP toàn cầu.
Susanne Klatten sinh năm 1962 và mang quốc
tịch Đức. Người phụ nữ giàu nhất nước Đức sở hữu tài sản 17,4 tỷ USD
trong cổ phần BMW từ người cha quá cố. Ngoài ra, bà còn sở hữu nhiều
thương hiệu danh tiếng khác ở Đức. Tài sản của Klatten tương đương
0,024% GDP toàn cầu.
Yang Huiyan sinh năm 1981 tại Trung Quốc.
Cô lọt vào danh sách người giàu thông qua việc thừa kế 16,2 tỷ USD từ
cha, nhà sáng lập công ty County Garden Yang Guoqiang. Sau khủng hoảng
tài chính, tài sản ròng của Huiyan giảm mạnh xuống mức 5,2 tỷ USD. Tuy
nhiên, tài sản của Huiyan vẫn chiếm 0,025% GDP toàn cầu.
Liliane Bettencourt sinh năm 1922 và mang
quốc tịch Pháp. Nếu bạn từng mua kem dưỡng da tại Body Shop hay sử dụng
son môi Maybelline trước khi rời nhà, bạn đã đóng góp cho tài sản của
người thừa kế L’Oreal này. Theo thống kê năm 2015, tài sản của
Bettencourt đạt tới 40,7 tỷ USD. Nó tương đương 0,055% GDP toàn cầu.
Nữ hoàng Isabella I của Castilla và León
sinh năm 1451, mất năm 1504. Sau khi kết hôn với người anh em họ
Ferdinand của Aragon, Isabella I trở thành người kiểm soát toàn bộ Tây
Ban Nha. Vào thời điểm bà qua đời, tài sản của bà tương đương 1% GDP
toàn cầu.
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra sinh năm 69, mất
năm 30 trước Công nguyên. Bà là một trong những người nổi danh nhất thế
giới bởi sự giàu có cũng như vai trò trên chính trường Ai Cập cổ đại.
Cleopatra kiểm soát những ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước chẳng
hạn như làm giấy, lúa mì…. Nếu tính theo USD, tài sản của Cleopatra có
thể lên tới 95,8 tỷ USD, tương đương 2,6% GDP toàn cầu.
Catherine Đại Đế sinh năm 1729, mất năm
1796 tại Nga. Bà nổi danh không chỉ vì quyền lực trên chính trường mà
còn về tài sản khổng lồ, có thể tương đương 1,5 nghìn tỷ USD. Thời điểm
đó, cách Catherine Đại Đế điều hành nước Nga giúp bà kiểm soát khoảng 5%
GDP toàn cầu. Bà cũng là Nữ hoàng nắm quyền lâu nhất ở Nga. Tài sản của
bà tương đương 5,6% GDP toàn cầu.
Nữ hoàng Hatshepsut sống năm
1597, mất năm 1458 trước Công nguyên. Bà được coi là nữ Pharaoh đầu tiên
của Ai Cập và khiến cả quốc gia tin rằng bà là người mang ý nguyện của
các vị thần. Việc kiểm soát các mỏ vàng, đồng, đá quý cũng như cai trị
đế chế lớn nhất thế giới cổ đại giúp tài sản của bà chiếm tới 20% GDP
toàn cầu.
Người phụ nữ giàu nhất lịch sử
nhân loại là Hoàng đế Võ Tắc Thiên của Trung Quốc. Giành ngôi báu sau
khi chồng, một vị hoàng đế nhà Đường, băng hà, Võ Tắc Thiên mạnh tay
loại bỏ các đối thủ để giữ quyền lực. Trong khi đó, quân đội nhà Đường
không ngừng mở rộng lãnh thổ, biến quốc gia này trở thành cường quốc
hàng đầu thế giới. Tài sản của Võ Tắc Thiên chiếm 22,7% GDP toàn cầu.
Theo Trí thức trẻ/Time