Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Ben Bernanke: Tại sao thị trường hay phớt lờ các rủi ro chính trị?

Việc các thị trường tài chính liên tục phớt lờ những xung đột chính trị sâu sắc ở Washington và các nơi khác đã khiến cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là ông Ben Bernanke vô cùng ngạc nhiên.

Ông cũng cho rằng ông Trump sẽ chỉ có lợi nếu tái bổ nhiệm bà Janet Yellen làm chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ

>> 500 tỷ phú giàu nhất thế giới mất 35 tỷ USD trong 1 ngày 

Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và đồng USD đã đồng loạt suy yếu vào hôm thứ Tư, khi các nhà đầu tư cuối cùng cũng thấy lo ngại về việc tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, cộng thêm những cáo buộc về việc Trump tiết lộ thông tin mật cho các quan chức Nga. Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn không rời quá xa mức cao nhất mọi thời đại, và giới đầu tư đã cho thấy họ có khả năng phớt lờ một loạt các tin tức tiêu cực trong vài tuần qua.

Đó không phải là một hiện tượng mới mẻ.

Ông Bernanke nói trong một cuộc phỏng vấn tại Las Vegas rằng: “Điều này luôn làm tôi thấy khó hiểu”. Các thị trường tài chính từ lâu đã cho thấy xu hướng "thờ ơ" với rủi ro chính trị cho đến "giây phút cuối cùng".
Chỉ số biến động VIX tăng mạnh sau các tin tức xoay quanh vụ Trump sa thải Comey. Ảnh: Bloomberg


Ông Bernanke cho biết ông đã từng nghi ngờ liệu Trump có thể nhanh chóng thuyết phục Quốc hội thông qua các chính sách ưu tiên của mình, với lập luận rằng việc đảng Cộng hòa nắm đa số tại lưỡng viện Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2016 đã che lấp đi những chia rẽ trong nội bộ đảng này.

Sự chia rẽ giữa các đảng viên Cộng hoà có xu hướng dân túy và các thành viên theo khuynh hướng chính thống (mainstream) đã bị phơi bày, khi phiên bản đầu tiên của dự luật bảo hiểm y tế AHCA bị rút lại vào phút chót, và sự chia rẽ này sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên những nỗ lực cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng của ông Trump.

 
Các tin tức từ Washington đã khiến đồng yen lẫn đồng euro đều lên giá. Ảnh: Bloomberg


Ông Bernanke cũng nhắc lại rằng các thị trường tài chính đã từng bỏ qua sự kiện tranh cãi về “bờ vực tài chính” (fiscal cliff) cách đây vài năm, khi Quốc hội Mỹ gặp khó khăn trong việc thông qua một dự luật ngân sách quan trọng cho đến giờ chót. Các thị trường cũng bỏ qua các rủi ro của sự kiện Brexit (Anh rời EU) hồi năm ngoái cho đến khi nó thực sự xảy ra.

Theo Bernanke, nguyên nhân có thể là do thị trường phản ánh quan điểm toàn cầu rằng Tổng thống chỉ là một phần của chính phủ Mỹ, và chỉ có một tác động vừa phải đối với tăng trưởng, trong khi tình hình kinh tế toàn cầu nói chung đang trở nên tốt hơn.

Khi được hỏi về sự biến động của thị trường liên tục ở mức thấp như hiện nay, ông Bernanke cho biết hiện tượng này gây cho ông "một chút khó hiểu" vì có rất nhiều rủi ro trên thế giới.

Ông Bernanke cho biết, các công trình nghiên cứu của Robert Shiller và John Campbell trong quá khứ đã cho rằng thị trường chứng khoán có xu hướng phản ứng thái quá với tin tức chính trị, và hay biến động nhiều hơn mức hợp lý khi xét về lợi nhuận. Ông cho biết thêm có một khả năng là các thị trường đã thích nghi với điều này, nhưng nói thêm rằng các yếu tố kỹ thuật, bao gồm các chiến lược phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư, cũng có thể đóng một vai trò trong việc giảm biến động thị trường.

Tuy nhiên, Bernanke vẫn giữ quan điểm tương đối lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Ông dự đoán rằng khả năng nền kinh tế để tiếp tục duy trì đà phục hồi là 50/50, và sẽ tồn tại đủ lên để trở thành chu kỳ phục hồi dài nhất lịch sử.

Ông cũng cho rằng không nên quá lo ngại về việc liệu Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối khoảng 4,5 nghìn tỉ USD có gây ra một "cơn cuồng nộ thu hẹp" (taper tantrum) làm lợi suất tăng lên và khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, vốn đã từng xảy ra vào năm 2013.

Ông Bernanke cũng nêu ra những gì ông cho là những điểm khác biệt quan trọng giữa 2 sự kiện này. Khi Bernanke làm lãnh đạo Fed hồi năm 2013, ông từng đưa ra tín hiệu sẽ ngưng lại việc thu mua tài sản, vốn đã được tiến hành từ sau đợt khủng hoảng 2008-2009. Khả năng Fed ngừng mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp vào thời điểm đó cũng làm tăng kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất, cộng thêm các ngân hàng trung ương khác thắt chặt tiền tệ. 

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong đợt "cuồng nộ" năm 2013. Ảnh: Business Insider

Điều này đã dẫn tới cơn "cuồng nộ thu hẹp", khiến các nhà đầu tư bán tháo hàng loạt trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng đến 140 điểm cơ bản trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 9/2013.

Khác biệt của kỳ này là Fed đã ra tín hiệu rằng họ có thể hãm lại tốc độ tăng lãi suất khi bắt đầu thu hẹp bảng cân đối, ông Bernanke nói. Fed đã cố gắng để tách biệt việc thu hẹp bảng cân đối với những kỳ vọng về lãi suất, điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư trên thị trường yên tâm.

Bernanke cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ được được lợi nếu ông tái bổ nhiệm bà Janet Yellen vào vị trí chủ tịch Fed.



NCĐT/ Market Watch
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?