Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Nhóm ngành nào triển vọng nổi bật trong năm 2016?

Theo đại diện VCBS, năm 2016 chưa có nhóm ngành nào triển vọng nổi bật. Tuy nhiên, ngành ngân hàng và bất động sản sẽ tác động lớn tới thị trường; ngành dầu khí kém khả quan. 

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa tổ chức hội thảo Nhận diện doanh nghiệp năm 2016.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA - Giám đốc Phân tích VCBS cho biết năm 2016 là năm khó khăn nhất cho TTCK trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn tồn tại với các "điểm sáng" hỗ trợ từ chính sách điều hành của Chính phủ, Hiệp định TPP được ký kết và nhất là động thái nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá chung về ngành năm 2016, ông Trần Anh Tuấn cho rằng chưa có nhóm ngành nào có triển vọng nổi bật. Tuy nhiên, ngành ngân hàng và bất động sản sẽ có tác động lớn tới thị trường năm 2016; ngành Logistics, Xây dựng và Dệt may cũng sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, hưởng lợi từ các Hiệp định về tự do thương mại. Đặc biệt, nhóm ngành kém khả quan trong năm này được nhắc tới gồm Dầu khí, Thủy sản, Cao su tự nhiên và Thép.

Nhắc tới ngành dầu khí, ông Tuấn nói giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục trong năm 2016 do dư cung, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp khai thác dầu khí cũng chưa phản ánh hết giá dầu thấp. Đặc biệt, ông Tuấn còn đưa ra dự đoán giá dầu thế giới vượt 50 USD/thùng trong năm 2016 là rất khó, đâu là đáy lại càng khó đoán hơn.

Đối với ngành dệt may, ông Tuấn dự đoán bức tranh toàn ngành năm 2016 có lẽ "không đẹp" như năm 2015, mặc dù đây là ngành sẽ có mức tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ TPP và giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm.

Nguyên nhân được ông Tuấn chỉ ra rằng định giá tiền VND đang cao so với khu vực dẫn đến xuất khẩu gặp khó, ngành giảm tính cạnh tranh. Ngoài ra, chính sách lương thay đổi và các ràng buộc kèm theo khi gia nhập FTA cũng khiến lợi thế cạnh tranh của ngành bị ảnh hưởng.

Đối với ngành Logistics, đây là nhóm ngành mà nước ngoài có có lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Các cảng hoạt động tốt như Cảng Cát Lái, nhóm cảng ở bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng) với ưu thế lượng hàng hóa tốt, hoạt động hết công suất. Logistics cũng là ngành sẽ hưởng lợi dài hạn từ TPP do ghi nhận lợi nhuận từ phí dịch vụ.

Phân tích chiến lược đầu tư theo phương thức Bottom - up, ông Tuấn nói nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có những điểm mạnh: (1) Dòng tiền tốt; (2) Giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá kim loại, giá dầu, giá cao su) ; (3) Ít vay nợ và không có dư nợ ngoại tệ; (4) Kín room cho nhà đầu tư nước ngoài và (5) Có kế hoạch thoái vốn của Nhà nước.
Khổng Chiêm - NDH

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?