Trong suốt hơn 30 năm làm việc cho những tờ báo lớn,
John Wasik đã may mắn được tiếp xúc với rất nhiều nhà kinh tế, nhà đầu
tư vĩ đại nhất trên hành tinh. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã đúc kết
ra 6 bài học xương máu dành cho tất cả những ai đang tham gia vào thị
trường tài chính.
Giống như những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số khác, tôi vừa mới bước sang tuổi 60, đã từng chứng kiến bốn lần suy thoái kinh tế, một vài lần thị trường bán tháo và một lần suýt khủng hoảng kinh tế. Tôi cũng đang tiết kiệm cho tuổi già trong khi cố gắng trang trải tiền học phí đại học cho 2 đứa con gái.
Trong suốt nhiều năm với vai trò là phóng viên cho những tờ báo lớn, tôi đã may mắn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những nhà kinh tế, nhà đầu tư vĩ đại nhất trên hành tinh này. Sau đây là 6 lời khuyên mà tôi đã đúc rút được từ họ.
Hãy cẩn trọng tâm lý bầy đàn
Thị trường thường trở nên nhộn nhịp do tâm lý bầy đàn nhiều hơn là lợi nhuận và cổ tức. Tôi đã học được điều này, từ tất cả mọi người và đặc biệt là nhà kinh tế học vĩ đại John Maynard Keynes - người có danh mục đầu tư mà tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu tại thư viện trường ĐH Cambridge trong khi viết cuốn "Cách làm giàu của Keynes".
Keynes là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã kiếm được hàng triệu USD từ giữa thế chiến thứ I cho đến cuối thế chiến thứ 2.
Ông là người đi tiên phong trong việc lựa chọn cổ phiếu và tài chính hành vi. Ông nhận ra rằng kỳ vọng và cảm xúc là hai động lực mạnh mẽ tạo nên bong bóng và bùng nổ. Nếu ghi nhớ điều này, bạn có thể tránh được việc ôm nhầm cổ phiếu.
Tránh xa những thời điểm cám dỗ
Sau bài học từ bong bóng dot-com giai đoạn 1997-1999, tôi nhận ra rằng chúng ta không thể biết chính xác mình đang ở đâu trên thị trường nếu chỉ nhìn vào động lực tăng trưởng lợi nhuận, các phân tích kỹ thuật và giá cổ phiếu.
Joseph Stiglitz - người đoạt giải Nobel kinh tế đã từng rất nhiều lần cảnh báo về thông tin bất cân xứng. Ở bất kỳ thị trường nào cũng có một vài nhà đầu tư biết nhiều hơn người khác và đó thường là những thông tin nội bộ. Họ có thể giao dịch với tốc độ sét đánh bằng thuật toán dự đoán và lướt sóng được trên thị trường. Bạn không thể nào đấu lại với robot. Gần như không thể biết được đâu là thời điểm tốt nhất để mua và bán. Thường là như vậy, bạn sẽ bị cháy tài khoản.
Tôi đã phỏng vấn nhà vô địch giải Nobel Robert Shiller một vài lần. Ông là tác giả của cuốn sách kinh điển "Irrational Exuberance". Tôi cũng phát hiện ra rằng "kinh tế học thuyết minh" (narrative economics) - niềm tin phổ biến hiện nay về hành vi thị trường - có thể khiến chúng ta hiểu lầm. Vì vậy, hãy quên đi "truyện cổ tích" về thị trường chứng khoán hay lý do tại sao thị trường tăng hoặc giảm. Hãy đầu tư dài hạn và bỏ qua những câu chuyện tầm phào.
Thị trường gần như là bất tử
Sau khi nghe Eugene Fama - cha đẻ của lý thuyết Thị trường hiệu quả - thuyết giảng một vài lần, tôi tự thừa nhận rằng mình sẽ không bao giờ biết nhiều hơn toàn bộ thị trường. Và nếu tôi đầu tư vào một nhà quản lý quỹ thành công, cũng chẳng thể chắc chắn rằng anh ta sẽ giữ vững được phong độ ấy. Hay nói cách khác, theo quan điểm của Fama, hiệu quả đầu tư đến từ những nghiên cứu có chiều dài vài thập kỷ.
Vậy làm sao tôi có thể chiến đấu với Warren Buffett, những tổ chức tín dụng hay quỹ đầu tư được hỗ trợ bởi một đội ngũ những nhà tiến sĩ toán học chuyên viết phần mềm giao dịch và cả những nhà cái mua bán cổ phiếu với tần suất cao?
Không. Tôi không thể và vì vậy tôi nắm một danh mục được phân bổ đa dạng và được điều chỉnh theo rủi ro. Như vậy rất nhẹ đầu, mỗi năm tôi chỉ rà soát lại một lần.
Cân nhắc chi phí
Tôi học được điều này từ Jack Bogle - chủ tịch HĐQT kiêm sáng lập viên quỹ Vanguard - người mà tôi đã phỏng vấn và trích lời không biết bao nhiêu lần trong suốt thời gian tôi làm báo. Câu thần chú của cha đẻ quỹ đầu tư chỉ số luôn là "cân nhắc chi phí". Mức phí quản lý quỹ càng thấp - số tiền bạn trả cho trung gian càng ít - lợi nhuận bạn nhận được càng nhiều.
Tại sao phải trả phí quản lý quỹ 1% mỗi năm trong khi bạn có thể thuê được một người khác với mức phí 0,1% (thậm chí ít hơn) cho một quỹ đầu tư nắm chủ yếu là những cổ phiếu lớn trên thế giới. Đó là lý do tại sao tôi đầu tư vào một quỹ chỉ số có mức phí cực thấp chứ không phải là Fidelity, iShares (Blackrock), SPDRs (State Street), Schwab hay Vanguard.
Hoảng loạn không phải là bảo vệ
Danh mục của chúng tôi lỗ thảm hại sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008. Ban đầu, chúng tôi bị lỗ 40% trên giấy, nhưng không rút ra. Vợ của tôi nói rằng phân bổ 80% vào cổ phiếu là quá rủi ro, vì vậy sau đó chúng tôi đã cân bằng lại cho một nửa cổ phiếu và một nửa trái phiếu.
Đó là một quyết định đúng đắn cho phép chúng tôi chịu ít rủi ro hơn. Kể từ đó, chúng tôi đã không làm gì khác ngoài giữ và tái đầu tư bằng tiền cổ tức và lợi nhuận từ cổ phiếu mới.
Kết quả là, chúng tôi đã tăng gấp 3 lần vốn ban đầu sau 3 thập kỷ qua, trong đó 1/3 lợi nhuận đến từ đầu tư. Lãi gộp cũng đem lại một món lời lớn.
Tập trung vào tiết kiệm, không phải lợi nhuận
Sau khi đọc thuộc lòng cuốn "A Random Walk Down Wall Street" của Burton Malkiel, tôi nhận ra mình thật điên rồ khi cố gắng đánh bại thị trường. Vì vậy tôi đã quyết định dừng lại và chỉ hy vọng đánh bại lạm phát (cao hơn khoảng 2%). Mà sự thật là tôi thường thành công khi làm như vậy.
Hãy tiết kiệm nhiều hơn và bớt lo lắng đi. Hãy tối đa hóa các khoản tiết kiệm của bạn. Hiện nay, các ngân hàng đang đưa ra rất nhiều chương trình tiết kiệm hay ho mà bạn có thể tham gia.
Mục tiêu đầu tư của tôi vô cùng đơn giản: Bớt lo lắng về tiền bạc và tập trung vào khoản đầu tư tuyệt vời nhất. Rồi bạn sẽ hiểu, trong tất cả các khoản đầu tư, thứ tuyệt vời nhất vẫn là cuộc sống cá nhân, thời gian bên cạnh những người thân yêu và những việc khiến bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Đối với tôi, đó là mục tiêu cơ bản của tiết kiệm và đầu tư.
>> “Mua những cổ phiếu đang tăng, và bán những gì đang giảm” - Những phát ngôn kinh điển của Paul Tudor Jones dạy cho chúng ta điều gì?
Theo Trí thức trẻ/CNBC