Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Dấu chấm hết cho thời của những nhà kỹ trị?

Ngày 6/9 vừa qua, Fischer – người được coi là có thể kế tục phần nào sự nghiệp của Keynes – vừa thông báo ông sẽ rời khỏi chiếc ghế Phó Chủ tịch Fed. The Economist cho rằng đây có thể là sự kiện đặt dấu chấm hết cho thời kỳ của những nhà kỹ trị. 

 
Năm 2004, Stanley Fischer đã nhớ lại và miêu tả “phép màu” mà ông cảm nhận được khi là 1 sinh viên chuyên ngành kinh tế trong những năm 1960. “Bạn có một loạt các phương trình và điều đó đồng nghĩa bạn có thể kiểm soát cả nền kinh tế”. Chính phủ kỹ trị - ước mơ về 1 Chính phủ được điều hành bởi một nhóm các chuyên gia uyên bác – bắt đầu nổi lên kể từ thế kỷ 20, trong bối cảnh những thay đổi chóng mặt trên mọi phương diện khiến thế giới trở nên phức tạp một cách khó hiểu. Trong kinh tế, làn sóng này mạnh mẽ nhất trong những năm 1930, với cuộc cách mạng trong điều hành chính sách kinh tế mà Keynes tạo ra.

Tuy nhiên, ngày 6/9 vừa qua, sau khi đã có 1 sự nghiệp xuất sắc, Fischer – người được coi là có thể kế tục phần nào sự nghiệp của Keynes – vừa thông báo ông sẽ rời khỏi chiếc ghế Phó Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). The Economist cho rằng đây có thể là sự kiện đặt dấu chấm hết cho thời kỳ của những nhà kỹ trị.

Cách đây 1 thế kỷ, khi mà các nhà vật lý khám phá ra những bí mật của nguyên tử và các nhà hóa sinh tìm hiểu về yếu tố cơ bản của sự sống, các nhà kinh tế học đang bận rộn sắp xếp lại lĩnh vực của mình. Nhưng sự phức tạp ngày càng tăng lên trong công việc của họ gây ra 1 rắc rối: những người không chuyên sẽ không thể hiểu hết. Nhóm chuyên gia tư vấn có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nền kinh tế. Tầm ảnh hưởng của họ càng tăng lên trong thời kỳ chiến tranh.

Trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi Fischer mới chỉ là 1 cậu bé sống ở vùng đất mà ngày nay là Zambia, quyền lực của các nhà kỹ trị được tăng cường bằng những định chế siêu chính phủ như World Bank và IMF hay những hội đồng cố vấn kinh tế sử dụng những phương trình của Keynes để đưa ra dự báo và chính sách điều hành nền kinh tế.

Nhưng những hệ thống này lại có lỗ hổng và rắc rối bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970. Tăng trưởng giảm tốc, các đồng tiền chao đảo và lạm phát tăng cao khiến những ý tưởng của Keynes bị hoài nghi. Robet Lucas là người tiên phong thách thức các cơ sở của lý thuyết kinh tế vĩ mô vốn trước đó bị chi phối bởi các phương pháp tiếp cận theo kinh tế học Keynes. Theo ông, một loạt các chính sách kích thích kinh tế có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn so với thực tế nhưng kỳ thực là lạm phát tăng chứ không phải tăng trưởng được tạo ra.

Fischer chính là người “hồi sinh” phong trào giao nhiệm vụ quản lý cho các nhà kỹ trị. Trung tâm của làn sóng này là Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), cái nôi của nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng như Paul Samuelson, Rudiger Dornbusch và những học thuyết Keynes mới. Fischer cùng với những người khác đã phát hiện ra những thời điểm mà 1 sự can thiệp khéo léo có thể đem lại nhiều tác động tích cực. ví dụ, năm 1977, ông cho rằng các hợp đồng dài hạn sẽ ngăn cản giá cả và tiền lương nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong nền kinh tế. Những biến động này có thể dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trừ khi các nhà kinh tế học được trao quyền điều hành chính sách. Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes mới đã trở thành Thống đốc NHTW và bộ trưởng Tài chính ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Có thể kể đến những cái tên như Ben Bernanke, người đã điều hành Fed trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính và tung ra 3 gói nới lỏng định lượng; Mario Draghi, người hiện vẫn là Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB), Olivier Blanchard, chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF vừa nghỉ hưu và người kế nhiệm Maurice Obstfeld. Đây là những người đàn ông đặt nền móng cho kinh tế vĩ mô hiện đại, sau đó áp dụng chúng trong thế giới thực.

Đó chính là con đường mà Fischer đã đi. Cuối những năm 1980, ông gia nhập World Bank với chức vụ chuyên gia kinh tế trưởng, nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và những sai lầm trong chính sách có thể ngăn cản đà tăng trưởng. Sau đó ông trở thành phó giám đốc IMF, đứng ở trung tâm các trận chiến chống lại khủng hoảng tài chính trong những năm 1990. Sau 1 thời gian làm ở Citigroup, ông lại về điều hành NHTW Israel và chèo lái nền kinh tế này đi qua suy thoái. Năm 2014, cựu Tổng thống Obama bổ nhiệm ông vào vị trí Phó Chủ tịch Fed.

Fischer thường xuyên phải đối mặt với những áp lực khủng khiếp. Trong những năm 1990, IMF bị chỉ trích nặng nề về những điều kiện mà nó áp dụng lên những quốc gia đi vay vốn đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng đó là 1 lựa chọn khó khăn bởi các nước có thể dễ thở hơn với những điều khoản hào phóng nhưng sẽ rất dễ mắc sai lầm trong chi tiêu và đẩy chính IMF vào tình thế khó khăn.


Bernanke và Draghi cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích từ những người không hài lòng với cách điều hành chính sách tiền tệ của họ, nhưng nhìn chung thì họ đều được đánh giá là đã vực dậy nền kinh tế Mỹ và châu Âu từ thảm họa

Dẫu vậy, nhìn khắp thế giới ở thời điểm hiện tại sẽ thấy các nhà kỹ trị đang dần lùi vào phía sau cánh gà. Tầm ảnh hưởng của World Bank, IMF và các định chế tài chính quốc tế khác đang suy giảm. Những nước đứng sau (mà đặc biệt là Mỹ) dường như đang quay lưng với sứ mệnh quốc tế. Trong khi đó Trung Quốc đang xây dựng những định chế cạnh tranh với World Bank và IMF để phục vụ tham vọng nâng tầm ảnh hưởng về địa chính trị. Ở châu Âu, thái độ thiếu ủng hộ của Đức đe dọa đến tầm ảnh hưởng của ECB.

Thực ra thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do sự thất bại của giới học thuật. Không phải lúc nào các phép toán và lý thuyết kinh tế cũng sát với thực tế và dễ hiểu. Các chuyên gia dự báo của IMF gần như không thể nhìn thấy suy thoái đang đến gần, Fed liên tục dự báo quá đà về nguy cơ lạm phát tăng. Bản thân chủ nghĩa Keynes mới cũng đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ với các tranh cãi về thâm hụt ngân sách hay hiệu quả của chính sách tiền tệ khi lãi suất ở mức gần 0.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà kỹ trị lại nằm ở yếu tố cơ bản quan trọng nhất mà họ luôn tuân theo: những quyết định phức tạp phải được đưa ra một cách độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các chính trị gia. Khi những rắc rối vượt ngoài khả năng kiểm soát của họ xuất hiện – là 1 cuộc khủng hoảng ngân hàng trên phạm vi toàn cầu hoặc nền kinh tế không thể thoát khỏi giảm phát, niềm tin của công chúng vào những nhà kỹ trị suy giảm nặng nề. 


>> Stan Fischer - Dấu gạch nối của 2 trường phái kinh tế 

Theo Trí thức trẻ/Economist
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?