Có rất nhiều con đường để trở thành một trong những
người giàu nhất thế giới. Có người sản xuất máy trò chơi điện tử, người
khác may váy cưới, bán nước tương, số khác lại phát minh ra các ứng dụng
hot, sau đó nhìn tài sản của mình tăng lên theo cấp số nhân. Có những
người đưa các công ty từ vực thẳm lên các tầm cao mới, và gặt hái vô số
tiền của trên đường đi. Trong số rất nhiều con đường ấy, có một vài
đường mà vận may tỷ phú có vẻ sẽ dễ dàng mỉm cười với bạn hơn?
Thời trang và bán lẻ là lĩnh vực có số lượng tỷ phú nhiều thứ 2, chiếm tới 235 tỷ phú tương đương 11%. 6 trong số 20 người đứng đầu danh sách về tổng tài sản làm việc trong ngành này. Họ là chủ sở hữu của các hãng bán lẻ, thời trang và mỹ phẩm như Zara, L’Oreal, LVMH và Walmart – doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Ngành công nghiệp thời trang và bán lẻ còn tạo nên nhiều tên tuổi lớn khác như Sara Blakely – một bậc thầy trong lĩnh vực đồ lót định hình của hãng Spanx, Kevin Plank – CEO của Under Amour, Bernard Marcus – đồng sáng lập Home Depot, Arthur Blank, Kenneth Langone…
Ngay cả khi người khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã chiếm một phần lớn trong tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu, vẫn có rất nhiều doanh nhân vẫn kiếm tiền tốt trong ngành này, trong đó có tới 19 người lần đầu góp mặt trong danh sách. Đáng chú ý trong số các gương mặt mới có Sheela Gautam – một thương nhân kinh doanh đệm ở Ấn Độ, Helga Kellerhals – chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Đức hay Lawrence Rossy – người điều hành chuỗi cửa hàng Dollarama. Tổng tài sản của các tỷ phú thuộc ngành thời trang và bán lẻ là gần 1,2 nghìn tỷ USD, chiếm 13% tổng tài sản của các tỷ phú trong danh sách của Forbes.
Khoảng 110 trong số những người giàu nhất thế giới làm giàu bằng cách xây dựng đế chế bất động sản của riêng mình. Với tổng số 220 tỷ phú, ngành bất động sản chính là “nguồn tỷ phú” lớn thứ 3 năm 2018 đóng góp cho danh sách Forbes. Trung Quốc là nước có nhiều tỷ phú bất động sản nhất với 60 người, tiếp theo là Mỹ với 44 người, trong đó có Tổng thống Donald Trump với tổng tài sản ước tính 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên có một Donald khác giàu gấp 5 lần vị tổng thống này, đó là Donald Bren – tỷ phú bất động sản giàu có nhất của nước Mỹ với tổng tài sản ròng ước tính là 16,3 tỷ USD.
Ngành công nghiệp sản xuất không phải ngành có nhiều tỷ phú nhất, nhưng lại là ngành có nhiều tỷ phú mới nhất, với 207 tỷ phú, tăng 46 người so với danh sách năm 2017. Một cách đáng ngạc nhiên, ngành công nghệ cao chiếm vị trí thứ 5, với 9% số lượng và 14% tổng tài sản trong danh sách tỷ phú thế giới. Ngành công nghệ cao dường như đã trở thành cách dễ dàng nhất để có được khối tài sản khổng lồ. 8 tỷ phú ngành công nghệ cao đã lọt vào Top 20 người giàu nhất hành tinh, trong đó có nhà sáng lập Amazon – Jeff Bezos – người đứng ở vị trí số 1. Ngành này cũng ghi nhận có tới 4 tỷ phú dưới 30 tuổi, trong đó có tỷ phú tự thân trẻ nhất John Collison chỉ mới 27 tuổi.
Mặc dù đã có một số xu hướng chính đã nổi bật lên, nhưng nhìn chung người giàu vẫn giàu lên theo rất nhiều cách khác nhau, ví dụ như Don Vultaggio - người đã tạo ra trà Arizona, Craig Newmark - người sáng lập Craigslist, một trang web mua – bán trực tuyến, cả 2 đều vừa mới ra nhập Câu lạc bộ tỷ đô. Đối với 33% danh sách, nguồn gen tốt là đủ để đưa họ vào danh sách – đó là những người được thừa kế tài sản của gia đình để lại. Đối với phần còn lại của bảng xếp hạng, một yếu tố chủ đạo hầu như không thay đổi, đó là họ đã làm những gì họ thực sự đam mê và tạo ra một khoản tiền đáng kinh ngạc. Và một phần nào đó, may mắn luôn ở bên cạnh họ.
Hãy cùng xem 10 ngành đóng góp số lượng tỷ phú lớn nhất trong Bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới năm 2018 của Forbes:
Ngành | Số tỷ phú | % trên tổng số |
Tài chính và đầu tư | 310 | 14% |
Thời trang và bán lẻ | 235 | 11% |
Bất động sản | 220 | 10% |
Sản xuất | 207 | 9% |
Công nghệ cao | 205 | 9% |
Đa ngành | 194 | 9% |
Thực phẩm và đồ uống | 165 | 7% |
Chăm sóc sức khỏe | 134 | 6% |
Năng lượng | 94 | 4% |
Truyền thông và quảng cáo | 73 | 3% |
Theo Nhịp sống kinh tế/Forbes