Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Christopher Hohn với chiến lược đầu cơ "sốc" và "sợ"

Trong thế giới đầu cơ hiếm thấy có ai mang thể diện đa dạng như Christopher Hohn. Nhà đầu cơ này nổi tiếng tàn bạo và không khoan nhượng trong việc săn lùng công ty trên thị trường chứng khoán, nhưng đồng thời cũng lại được biết đến qua những khoản tiền ủng hộ nhân đạo khổng lồ. 

Rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng và hầu như chẳng khi nào trả lời phỏng vấn, Christopher Hohn hành tung như thể tàng hình, vậy mà vẫn khiến giới chủ doanh nghiệp phải khiếp hãi. Chiến lược đầu cơ “sốc và sợ” của Christopher Hohn độc nhất vô nhị cho tới nay không chỉ bởi bản chất nội dung, mà còn bởi thực tế ngoài nhà đầu cơ này ra chưa thấy ai thực hiện thành công được cả. 

Nhà đầu cơ trứ danh này còn được gắn cho biệt danh “Ảo thuật gia” trên thị trường chứng tài chính. Hai phi vụ đình đám Christopher Hohn năm nay 40 tuổi và theo đánh giá của tạp chí Forbes có 120 triệu USD trong tài khoản riêng, nhưng lại quản lý một quỹ đầu tư có trị giá lên tới 10 tỷ USD. 

Những con số và ước liệu đó đủ để Hohn được liệt vào diện “tuổi trẻ tài cao” trong thế giới đầu cơ. Trong thế giới ấy, đương nhiên ai kiếm được nhiều tiền đều được coi là trứ danh bởi phải giỏi giang như thế nào thì mới kiếm được nhiều tiền đến như vậy bằng đầu cơ. Nhưng nhà đầu cơ trứ danh không nhất thiết phải kiếm được nhiều tiền, mà có thể thành danh bằng những chiến lược và thủ thuật đầu cơ, bằng bản lĩnh và tính cách, bằng những bài học thành công và thất bại, bằng những phi vụ đầu cơ thắng đậm và thua nhiều để đời. Christopher Hohn được vinh danh trong thế giới đầu cơ nhờ hai phi vụ đầu cơ nhằm vào ngân hàng ABM Amro của Hà Lan và vào Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. của Đức. Những mục tiêu tấn công này của Hohn đâu có phải thuộc loại tầm thường. 

Ngân hàng ABN Amro có từ 185 năm nay, còn Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. cũng có tuổi đời lên tới 167 năm. Cả hai đều có vị thế chính trị và ảnh hưởng kinh tế hàng đầu tại nước mình, đều được coi là những pháo đài bất khả xâm phạm và những chiến hạm không thể bị đánh chìm. 

Chiến lược đầu cơ “sốc và sợ” của Christopher Hohn độc nhất vô nhị cho tới nay không chỉ bởi bản chất nội dung, mà còn bởi thực tế ngoài nhà đầu cơ này ra chưa thấy ai thực hiện thành công được cả Chiến lược đầu cơ của Hohn nhằm vào hai tượng đài nói trên được sao chép về ý tưởng và tác động tâm lý từ chiến lược “Gây sốc và làm cho sợ hãi” của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq hồi đầu thập kỷ này. 

Bản chất của nó rất đơn giản: Tạo hiệu ứng gây sốc khiến dư luận nghi ngờ đối với ban lãnh đạo tập đoàn và từ đó làm cho ban lãnh đạo tập đoàn phải lo sợ mà hành động theo hướng của nhà đầu cơ. Hohn là nhà đầu cơ đầu tiên không đầu cơ vào tình huống, kể cả tình huống có sẵn cũng như dự báo sẽ xảy ra trong tương lai, mà tạo tình huống để đầu cơ, đầu cơ vào hệ quả của việc bắt đối tác hành động theo ý mình. 

Cách làm của Hohn cũng rất đơn giản. Bước đầu tiên là tìm cách mua về một vài phần trăm cổ phần của ABM Amro và Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. sao cho không ai để ý. Bước thứ hai là tìm cách quy tập được xung quanh mình một số cổ đông khác của những “nạn nhân” này. Bước thứ ba là nhiễu thông tin và kích động cổ đông nổi loạn, thường thông qua những kiến nghị tập thể hoặc yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường nếu tập hợp lực lượng đủ mức, đưa ra những đề nghị như thay đổi nhân sự ban lãnh đạo, chia tách tập đoàn hoặc ít nhất của đòi chia cổ tức nhiều hơn. Những bước đi đó đều đánh vào uy danh của tập đoàn, khiến tập đoàn phải bận rộn với chính mình và tạo cảm nhận bị rủi ro trong con mắt của cổ đông và nhà đầu tư. 

Vì thế, giá cổ phiếu của tập đoàn sẽ giảm mạnh. Khi đó, nhà đầu cơ sẽ mua vào. Cho dù về sau cuộc nổi loạn của cổ đông do Hohn xúi giục có thành công hay thất bại thì rồi tập đoàn cũng trở lại thời yên bình, giá cổ phiếu lại tăng hoặc cổ tức được chia cũng cao hơn. Nhà đầu cơ khi đó chỉ việc bán cổ phiếu đã mua đi và kiếm lời, tận hưởng thành công và tìm kiếm con mồi tiếp theo. Trong trường hợp ngân hàng ABM Amro, Hohn phát hiện ra những yếu kém trong quản lý và điều hành, sai lầm trong quyết định chiến lược kinh doanh và bế tắc về giải pháp. 

Vì thế, chỉ với 3% cổ phiếu của ngân hàng này mà Hohn đã thành công với yêu cầu đòi sa thải Giám đốc ABM Amro Rijkman Groenink. Ngân hàng này không đến nỗi bị xé lẻ, nhưng rồi vẫn phải nhờ cậy vào cái ô của cả một tổ hợp ngân hàng ở Scottland để thoát nạn. Khi giá cổ phiếu của ABM Amro tăng từ 25 Euro lên 37,81 Euro thì cũng là lúc Hohn thắng đậm. Đó là năm 2006. Trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. lại hơi khác. Hohn cũng chỉ sở hữu có vài phần trăm cổ phần của Sở này. Năm 2005, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. Werner Seifert có ý định thôn tính Sở giao dịch chứng khoán London. Hohn nhìn nhận ở đó có cơ hội lớn để đầu cơ. 

Nếu nổi loạn thành công thì ban đầu cổ phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. sẽ giảm và của London sẽ tăng vì chưa ai dám chắc kết cục sẽ như thế nào. Nhưng nếu thành công trong việc làm phá sản kế hoạch của ông Seifert thì giá cổ phiếu của Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. sẽ lại tăng và của London sẽ giảm. 

Để đảm bảo cho việc giá giảm rồi chắc chắn sẽ tăng thì phải tìm cách làm cho ông Seifert bị mất chức và tăng tỷ lệ chia cổ tức. Hohn tập hợp được đủ cổ đông của Sở Giao dịch chứng khoán Frankfurt/M. đến mức có thể yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Hohn thuyết phục những cổ đông này tin vào chiến lược đầu cơ của mình, quả quyết giá cổ phiếu sẽ tăng hơn gấp đôi. Kết cục cuối cùng đúng như tính toán của Hohn. 

Ông Seifert buộc phải khăn gói ra đi với lời buộc tội đã có những quyết định chiến lược sai lầm, Frankfurt/M. không thâu tóm được London và cổ tức được chia ra tăng thêm. Giá cổ phiếu tăng không đến mức gấp đôi như Hohn hứa hẹn, nhưng cũng gần như thế. Cư dân của thế giới đầu cơ ngỡ ngàng khi có thêm những bài học mới trong sách giáo khoa đầu cơ. Tình ngay lý gian Hohn khiến giới chủ tập đoàn sợ hãi vì thế. Họ sống trong cảm giác luôn bị phục kích, lúc nào cũng có thể bị tấn công. Cách đầu cơ của Hohn rất hiệu quả, không cần nhiều vốn mà lời lãi lại cao. Hohn bị coi là lá mặt lá trái vì khét tiếng như vậy trong cuộc săn lùng tập đoàn, nhưng lại luôn muốn tỏ ra là nhà từ thiện vĩ đại. Hohn sinh ra ở Jamaica, cha là thợ cơ khí ôtô. 

Gia đình Hohn di cư sang Anh. Sau thi theo học ở Trường Đại học Southhampton, Hohn kiếm được học bổng để theo học tại trường kinh doanh Havard nổi tiếng của Mỹ. Giữa thập kỷ 90 Hohn trở về nước Anh và làm cho Quỹ đầu tư Perry Capital. Năm 2003 Hohn thành lập quỹ đầu tư riêng với tên gọi The Children’s Investment Fund (TCI) (Tạm dịch: Quỹ đầu tư cho trẻ em). Thật khôi hài khi Hohn núp dưới danh nghĩa này để đầu cơ. Về sau, dư luận cũng viện dẫn việc đó để chứng minh Hohn bất chấp thủ đoạn trong đầu cơ. 

Người vợ của Hohn quản lý một tổ chức cứu trợ nhân đạo tên là The Children’s Investment Fund Foundation. Một phần ba thu nhập của Hohn từ công ty quản lý quỹ đầu tư được chuyển cho tổ chức này để giúp trẻ em bị mắc AIDS trên thế giới. Hohn vì thế còn bị phê trách là sử dụng vốn của người ngoài để đánh bóng cho tên tuổi của chính mình và vợ mình. Thế giới đầu cơ khâm phục và nể trọng Hohn, nhưng trong con mắt của thế giới kinh doanh bên ngoài thì Hohn bị coi là đạo đức giả, vì sợ và lo, vì ganh ghét và tị hiềm. Cũng phải thôi, những kẻ đạo đức giả đâu có được yêu quý và ngưỡng mộ bao giờ.

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?