Nền kinh tế toàn cầu sắp khép
lại một năm đầy biến động với sự trỗi dậy của Mỹ, giúp bù đắp lại cho sự
tăng trưởng chậm chạp của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
“Trong đó dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ đạt mức 3%, tăng hơn 0,3% so với mức dự báo 2,7% của năm nay”, Nariman Behravesh cho biết thêm.
IHS cũng đưa ra 10 dự báo tạo triển vọng cho kinh tế toàn cầu năm 2015:
1. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,5-3%
Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, và là trụ cột của nền kinh tế thế giới nhờ các chính sách kích thích nhu cầu nội địa, đặc biệt là chi tiêu tiêu dùng.
Động lực đến từ chi tiêu tiêu dùng đang đóng góp vào 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ - một tín hiệu hết sức khả quan nhờ kết quả của việc giảm tỷ lệ thất nghiệp; cải thiện tài chính cá nhân, hộ gia đình và giá nguyên liệu (xăng, ga) giảm. Do đó, IHS dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,5-3% trong năm 2015.
Ảnh: Getty Images.
2. Euro zone sẽ tiếp tục suy thoái
Khu vực đồng euro sẽ tiếp tục phải "chiến đấu" với tình trạng thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, nhờ giá dầu giảm, nền tài chính khu vực này sẽ bớt sóng gió hơn, gánh nặng nợ công cũng bớt đè nặng, đồng thời, những nỗ lực cải cách tiền tệ sẽ giúp đồng Euro mạnh dần trở lại.
Các chuyên gia từ IHS đưa ra mức dự đoán khá khiêm tốn rằng, nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2015. Dù vậy, mức này vẫn khá hơn rất nhiều so với mức 0,8% của năm nay.
3. Nhật Bản trỗi dậy sau suy thoái kinh tế
Sau khi trải qua đợt suy thoái kinh tế thứ tư liên tiếp chỉ trong sáu năm trở lại đây, nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ vực dậy vào năm 2015, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 1%.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nới lỏng chính sách tiền tệ, cộng với giá dầu giảm được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc tăng trưởng trở lại.
4. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại
Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chật vật. Những nỗ lực về cải cách chính sách tiền tệ và tài khóa khó có thể ngăn chặn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mức tăng trưởng GDP cả năm 2014 của Trung Quốc có thể chỉ đạt khoảng 7,5%, cận dưới mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra.
Và theo nhận định của IHS, tốc độ tăng trưởng này thậm chí có thể xuống mức 6,5% trong năm 2015. Tuy mức tăng trưởng này không được như kỳ vọng của Chính phủ Trung Quốc, nhưng nó vẫn là “mơ ước” của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
5. Các nền kinh tế mới nổi (EMs): Những thái cực đối nghịch
IHS nhận định rằng, hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2015, nhờ vào giá dầu rẻ hơn, tính thanh khoản toàn cầu được cải thiện cũng như sự phục hồi của kinh tế Mỹ và châu Âu. Nền kinh tế các nước mới nổi châu Âu, Mỹ Latin, Trung Đông, Bắc Phi, và các nước Nam sa mạc Sahara châu Phi sẽ bứt tốc trong năm 2015.
Ngược lại, nền kinh tế Nga sẽ khó thoát ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng, khi vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của lệnh trừng phạt, giá dầu giảm và vốn chảy ra ngước ngoài, IHS nhận định.
Một giàn khoan dầu khí ngoài khơi phía đông của Aberdeen, Scotland. Ảnh: Andy Buchanan/ Reuters.
6. Giá cả hàng hóa tiếp tục giảm trong năm tới
Giá dầu đã giảm khoảng 40% kể từ hồi tháng 6 đến nay, trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu gia tăng vượt dự báo, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại ảm đạm.
Trung Quốc vẫn là chìa khóa cho những câu chuyện về phía cầu, nhưng với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm vào năm tới, nó sẽ kéo theo một đợt bão giá. Theo đó, giá cả hàng hóa có thể sẽ trượt trung bình 10% vào năm 2015, IHS nhận định.
7. Giảm phát đe dọa kinh tế thế giới
Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc khu vực đồng tiền chung Euro đang đối mặt với rủi ro giảm phát, do giá cả hàng hóa giảm cũng như tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Tại Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro, các ngân hàng trung ương đều đưa ra mục tiêu lạm phát 2%, nhưng lạm phát hiện đều dưới mức này. Thậm chí tại Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp, lạm phát đều dưới mức 0%.
Tại Trung Quốc, lạm phát cũng dưới 2%, so với mục tiêu 4% của Chính phủ nước này.
Nga có thể được xem là một trường hợp ngoại lệ, khi mức lạm phát vẫn tăng nhờ kinh nghiệm điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái của nước này.
Phiên họp của Fed bàn về việc điều chỉnh lãi suất và khả năng thanh khoản diễn ra ngày 11/12/2014. Ảnh: Federal Reserve/Flickr.
8. Fed sẽ là tổ chức tài chính đầu tiên tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Canada sẽ bắt đầu lộ trình tăng lãi suất tương ứng vào các tháng 6,8, và 11 của năm 2015, nhằm điều hướng tỷ lệ lạm phát đi đúng mục tiêu, IHS cho biết.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lại đang trên lộ trình cắt giảm lãi suất, hoặc tăng thêm tính thanh khoản thông qua việc mua bán các tài sản và một số phương tiện khác.
9. USD sẽ là tiền tệ giữ “ngôi vương”
Đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục là tiền tệ mạnh nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và kỳ vọng tăng lãi suất của Fed.
Ngược lại, dự kiến tung thêm gói kích cầu của ECB và BOJ cũng đồng nghĩa với việc làm cho cả đồng Euro và đồng Yen tiếp tục mất giá trong năm 2015. Tỷ giá USD/EUR sẽ giảm xuống mức 1,15-1,20 USD/EUR vào quý III/2015, trong khi tỷ giá đồng Yen so với đồng USD sẽ giao dịch ở mức 120-125 JPY/USD vào năm tới.
10. Những “nút thắt” lâu năm có khả năng được nới lỏng
Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã bị cản trở bởi vô số "lời nguyền" trong vài năm qua, bao gồm cả tỷ lệ nợ công cao kèm theo tỷ lệ nợ của khu vực tư nhân cũng không hề ít. Điều đó đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các chính phủ, doanh nghiệp và các cá nhân, IHS nhận định.
Nhưng những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế nêu trên có khả năng được nới lỏng vào năm 2015 tại một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Anh. Đó cũng là lý giải hợp lý cho những dự đoán về mức tăng trưởng ổn dịnh tại các quốc gia này.
Diễn Đàn Đầu Tư