Tăng trưởng GDP của VN có thể tăng thêm 3,5% nhờ AEC, tác động tích lũy sau 5 năm. Những lợi ích này có được là do sự kết hợp của tự do hóa thuế quan, tự do hóa dịch vụ và thương mại.
Tại hội thảo “Hướng tới cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” do Ban kinh tế TW phối hợp với trường ĐH Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức sáng ngày 28/10,ông Yoshifumi Fukunaga, Viện nghiên cứu Kinh tế Asean và Đông Á, cho biết “Tăng trưởng GDP của VN có thể tăng thêm 3,5% nhờ AEC, tác động tích lũy sau 5 năm. Những lợi ích này có được là do sự kết hợp của tự do hóa thuế quan, tự do hóa dịch vụ và thuận lợi hóa thương mại”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW cho biết, với tư cách là một thành viên trong Asean, đã rất tích cực, chủ động, đề xuất nhiều sang kiến để thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế Asean.
“Cho đến nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5% theo Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATICA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. VN là một trong 4 thành viên Asean có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC” – GS.TS Vương Đình Huệ nói.
Trong khi đó, trình bày tham luận về tác động kinh tế tiềm năng của AEC đối với Việt Nam, ông Yoshifumi cho biết, các Bộ trưởng Kinh tế Asean công bố rằng 82,1% các biện pháp quan trọng được ưu tiên đã được thực hiện trong giai đoạn 2008-2013.
Hàng rào thuế quan đã được xóa bỏ mạnh mẽ. Hiệp định AFTA-CEPT được nâng cấp lên thành Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean. Năm 2010, mức thuế suất trong CEPT gần như bằng 0% trong Asean-6 và trung bình chỉ só 2,6% trong nhóm các nước CLMV (Campuchia, Lào, Mianmar và Việt Nam). Việt Nam tiến tới xóa bỏ thuế quan vào năm 2015 (7% dòng thuế vào năm 2018).
Việc xóa bỏ thuế quan đã mang lại nhiều tác động cho các nước trong khu vực như: tăng tỷ trọng ASEAN trong việc cung ứng nguồn nhập khẩu của các nước thành viên ASEAN; mở rộng về mặt địa lý mạng lưới sản xuất khu vực...
Ông Yoshifumi nhận định, các vấn đề chính đối với Việt Nam trong việc gia nhập AEC hiện nay gồm: Xóa bỏ thuế quan trong giai đoạn 2015-2018, thực hiện sớm các thỏa thuận thương mại; tăng cường và tạo thuận lợi cho các biện pháp tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; tiếp tục tự do hóa dịch vụ thông qua gói 10; đàm phán đồng thời RCEP và TPP.
Đánh giá về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC, ông Lê Triệu Dũng, Viện chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết “AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Về thương mại, kết quả xây dựng AEC tới nay đã góp phần tạo ra các khuôn khổ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại".
Về đầu tư, Cộng đồng kinh tế Asean đã nâng cao vị thế VN với ý nghĩa là một cửa ngõ của Asean với thế giới, thu hút sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc … Việt Nam có lợi thế về gia công, sản xuất nhờ nguồn lao động dồi dào, có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đầu tư từ các nước Asean vào các lĩnh vực như du lịch, sản xuất của VN tăng nhanh, hiện thực hóa tiềm năng đầu tư của Việt Nam.
CafeF/Infonet