Từ số vốn vỏn vẹn 40 triệu đồng, sau 6
năm cùng nhau khởi nghiệp, vợ chồng Liêm và Thư đã tạo dựng được một
thương hiệu túi xách thuần Việt, cùng chuỗi 19 cửa hàng trên toàn quốc.
Ngay từ lúc còn nhỏ, Phạm Ngọc Liêm, sinh năm 1988 tại Phước Long, Bình Phước, đã tập tành phụ giúp ông bà buôn bán nông sản do gia đình sản xuất, nên máu kinh doanh có ở cậu thanh niên này từ khá sớm.
Năm 18 tuổi, Liêm lên TP HCM học công nghệ thông tin rồi đi làm quản lý
chi nhánh cho công ty thiết bị số một thời gian. Chính những công việc
này cho Liêm nhiều kinh nghiệm dấn thân hơn trên thương trường, nhưng
nhiều lúc anh lại tự hỏi: "Mình đang làm việc này vì điều gì? Mình đang
được trả tiền để thực hiện ước mơ của người khác hay sao thay vì có ước
mơ cho riêng mình?".
Những suy nghĩ ấy cứ thôi thúc Liêm phải làm một điều gì đó. Vào đầu
năm 2009, anh quyết tâm từ bỏ một công việc tốt đang có và bắt tay vào
xây dựng thương hiệu riêng với tên gọi Lee&Tee - xuất phát từ tên
của hai vợ chồng Liêm và Thư. Đầu tiên là giai đoạn lựa chọn ngành nghề.
Vợ chồng anh may mắn gặp được một người thợ may túi "bậc thầy" đã
truyền thêm động lực lớn cho quyết định chọn lĩnh vực may mặc thời
trang.
Sản phẩm túi xách mang thương hiệu Việt của Liêm và Thư.
|
Qua đó, bản thân Liêm nhìn thấy được thế mạnh của Việt Nam là một trong
ba quốc gia sản xuất và xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên,
hầu hết các doanh nghiệp chỉ gia công và xuất đi các nước, chưa tập
trung vào phát triển nhận diện thương hiệu ngay tại nội địa. Thời điểm
này, vợ Liêm đang làm bên du lịch cũng chuyển qua học thiết kế để hỗ trợ
cho dự án của hai vợ chồng.
Nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của vị "sư phụ dạy nghề", hai vợ chồng bắt đầu
thiết kế và may mẫu. Suốt hai năm nghiên cứu, khảo sát ý kiến khách
hàng, Liêm và Thư mới cho ra đời những sản phẩm có thương hiệu riêng với
gam trầm làm chủ đạo theo xu hướng phong cách cổ điển.
Năm 2011, cửa hàng đầu tiên của hai vợ chồng ra đời. "Lúc đó chúng tôi
chỉ có vỏn vẹn 40 triệu đồng làm vốn cùng một cửa hàng nhỏ 10m2 trên
đường Cách mạng tháng Tám, TP HCM. Ngay cả việc thi công cửa hàng, bạn
bè cũng hỗ trợ rất nhiều, người phụ đóng gỗ thiết kế, người thì vẽ tặng
bảng hiệu...", Liêm kể.
Vào thời kỳ đầu, chỉ có hai vợ chồng và hai người thợ già cùng nhau làm
việc. Vốn không nhiều, mỗi lần sản xuất chỉ có vài sản phẩm, tức là làm
tới đâu bán tới đó, rồi mới may thêm. Sáng sáng Liêm lại đi mua nguyên
liệu, vẽ rập cắt may rồi cùng thợ lên mẫu. Mẫu lên lần đầu tiên sẽ bán
rồi tham khảo góp ý của khách, rồi được chỉnh sửa hoàn thiện ở phiên bản
thứ hai. Và cứ như vậy mọi thứ dần hoàn thiện giúp vợ chồng Liêm xây
dựng được số lượng khách hàng thường xuyên. Khâu sản xuất cũng từ chỗ
chỉ có hai chiếc máy may, đã được nâng lên 3 rồi 4 máy...
Những tưởng sẽ tiếp tục kinh doanh tốt, một năm sau đó, Liêm quyết
định mở cửa hàng thứ hai nhưng mọi chuyện bắt đầu đi xuống từ đó. Lượng
khách mua không đủ để hoàn vốn trả nợ hàng tồn đọng nên hai vợ chồng rơi
vào khủng hoảng tiền bạc.
Mặt khác, do thói quen sử dụng các sản phẩm nhập từ bên ngoài, nhiều
màu sắc của người tiêu dùng thời kỳ đó, trong khi Liêm lại tập trung
phát triển sản phẩm theo gu thiết kế với tông màu trầm cổ điển, cũng là
một trong những nguyên nhân gây khó khăn. Hơn nữa, việc cập nhật, đa
dạng và thay đổi mẫu mã theo xu hướng mới đòi hỏi những người thợ phải
thành thạo kỹ thuật tốt mới đảm bảo chất lượng.
Gia đình Liêm và Thư.
|
Khó khăn chồng chất khiến đôi vợ chồng trẻ nhiều lúc muốn từ bỏ giấc mơ
còn đang dang dở, nhưng rồi Liêm lại tự trấn an rằng: “Tại sao phải bỏ?
Đây là niềm kiêu hãnh của hai vợ chồng. Từ bỏ là thua cuộc. Chỉ cần có
sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ có người ủng hộ sản phẩm Việt do mình làm ra.
Nhiệm vụ của mình là cố gắng tập trung làm ra sản phẩm đáp ứng đúng
mong đợi của khách hàng là được." anh bộc bạch.
Với suy nghĩ đó, hai vợ chồng cố gắng gượng duy trì sản xuất, kiên trì
đeo bám thị trường và khách hàng quen, thêm vào đó nhờ sự giúp đỡ từ bạn
bè, người thân, dần dà Liêm cũng từng bước vực dậy được cơ sở. Hơn 3
năm từ ngày có cửa hàng đầu tiên, sản phẩm túi xách của vợ chồng anh
hiện đã phát triển thành 19 cửa hàng ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà
Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… và một xưởng gia công sản xuất với gần 100 công
nhân.
Liêm cho biết, từ lúc bắt đầu đến nay, việc đầu tư và phát triển thương
hiệu đều hoàn toàn dựa trên vốn tích góp mà có, không vay hoặc huy động
sự đóng góp từ doanh nghiệp nào. Trong tương lai, anh cho biết sẽ mở
rộng ra thị trường quốc tế để người Việt có thể tự hào với một thương
hiệu Việt vừa chất lượng vừa đẹp về mẫu mã không thua kém so với các
thương hiệu khác trên thế giới.
Ông chủ trẻ này tâm sự thêm, trải qua một số công việc và tiếp
xúc nhiều lĩnh vực khác nhau, anh nhận thấy tất cả các công việc kinh
doanh đều có một cấu trúc giống nhau, điểm khác biệt là ở sản phẩm và
lĩnh vực mình kinh doanh là gì. Và khi bắt đầu lựa chọn một sản phẩm hay
lĩnh vực nào đó, muốn kinh doanh tốt thì ít nhất mình phải là một
chuyên gia hay chuyên viên tư vấn có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đó.