Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Giải mã WeChat - Mạng xã hội đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc

Không ngoa khi nói rằng WeChat chính là tương lai của mạng xã hội.


Yu Hui là một cô bé 4 tuổi hiếu động đang sống ở Thượng Hải. Giới marketing sẽ gọi cô bé là một digital native, nghĩa là người sinh ra trong một thế giới nơi công nghệ đã trở nên quá phổ biến do đó rất thoải mái khi sử dụng các thiết bị công nghệ.
Cách đây 1 năm, Yu đã bắt đầu sử dụng WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Trung Quốc. Cô bé còn quá nhỏ để sử dụng một chiếc điện thoại di động. Thay vào đó Yu sử dụng Mon Mon, món đồ chơi có kết nối Internet và sử dụng được phần mềm WeChat. Mon Mon có thể gửi hình ảnh về cô bé cho bố mẹ và cũng sẽ sáng lên khi nhận cuộc gọi.
Giống như hầu hết người dân Trung Quốc, mẹ của Yu sử dụng WeChat chứ không phải email để bàn bạc công việc. Ứng dụng này cung cấp mọi thứ, từ các cuộc gọi video miễn phí đến trò chuyện theo nhóm hay cập nhật tin tức và cho phép người dùng chia sẻ các tập tin đa phương tiện dung lượng lớn. Bà còn sử dụng điện thoại thông minh để quét WeChat QR khi gặp gỡ đối tác mới thay vì đưa danh thiếp.
Bố của Yu Hui thì sử dụng WeChat để mua sắm trực tuyến, thanh toán hóa đơn mua hàng hay tiền điện nước và chỉ mất vài lần chạm để chia hóa đơn bữa tối với bạn bè. Ông còn có thể gọi taxi, đặt vé xem phim hay đặt lịch hẹn với bác sĩ và sắp xếp các kỳ nghỉ ở nước ngoài mà chẳng cần phải rời khỏi ứng dụng này.
WeChat có thể giúp người dùng kết nối với thế giới bên ngoài từ sáng đến tối mà chẳng cần phải thoát ra và đây cũng chính là lý do khiến các công ty công nghệ của thung lũng Silicon (trong đó có Facebook) phải theo dõi WeChat chặt chẽ. Những người hay phải đi lại giữa Trung Quốc và phương Tây than phiền rằng không sử dụng WeChat khiến họ cảm thấy như bị quay ngược thời gian.
Ứng dụng này đem đến sự hứa hẹn về một nền kinh tế không tiền mặt. Đây cũng chính là ví dụ tốt nhất cho việc Trung Quốc đang định hình tương lai của mobile internet như thế nào. Người Trung Quốc sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới và tỷ lệ truy cập trên thiết bị di động cũng nhiều hơn bất cứ đâu. Nhiều người bỏ qua thời đại truy cập internet trên web mà nhảy luôn vào mobile internet, bỏ qua máy tính cá nhân để bước vào thiết bị di động. Khoảng một nửa doanh thu bán hàng qua mạng ở Trung Quốc diễn ra trên điện thoại động, trong khi tỷ lệ ở Mỹ chỉ là 1/3. Nói cách khác, Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất để WeChat "cất cánh": công nghệ mới, các mô hình kinh doanh được xây dựng xung quanh điện thoại di động và quan trọng hơn cả là người dùng sẵn sàng trải nghiệm.
WeChat mới chỉ được Tencent tung ra cách 5 năm nhưng hiện đã có hơn 700 người dùng và là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, chiếm tới 1/3 thời gian dùng internet trên di động của người Trung Quốc. Trung bình 1 người dùng sẽ vào WeChat tối thiểu 10 lần 1 ngày.
Quan trọng hơn cả, hơn một nửa người dùng WeChat đã kết nối thẻ ngân hàng của họ với ứng dụng này. Đây là một thành công lớn bởi xã hội Trung Quốc mang nặng tính hoài nghi và cũng có rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng. Bằng thương hiệu được tin cậy và tính bảo mật cao, Tencent đã có thể chiếm được lòng tin của người dùng, điều mà các ứng dụng tương tự của phương Tây như Snapchat và WhatsApp chưa làm được.
Thống trị tất cả
Vì sao Tencent lại thành công? Một phần là bởi tính dị thường của thị trường Trung Quốc. Người phương Tây đã quen sử dụng nhiều ứng dụng một lúc để truy cập Internet còn người Trung Quốc thì quá quen với việc chỉ đi qua một cửa. Không giống như phương Tây, ứng dụng nhắn tin miễn phí gần như không có đối thủ ở Trung Quốc. Chi phí nhắn tin thông qua nhà mạng bình thường rất đắt đỏ, và email cũng không phổ biến ở Trung Quốc đơn giản vì thời kỳ email bùng nổ thì ở Trung Quốc internet còn chưa phát triển.
Nhưng không thể không kể đến khả năng cải tiến sáng tạo của Tencent. Nhiều người Trung Quốc lớn lên cùng với QQ – cũng là một ứng dụng của Tencent nhưng hoạt động trên máy tính cá nhân hiện vẫn có hơn 800 triệu người dùng. QQ là bản sao của ICQ – dịch vụ nhắn tin do người Israel phát triển được Tencent học tập và đã cải tiến để phù hợp với người dùng. Khi WeChat ra đời người dùng dễ dàng chuyển danh bạ trên QQ sang ứng dụng mới.
WeChat phổ cập tính năng chat theo nhóm bằng chiến dịch "phong bao đỏ" cho phép người dùng gửi tiền điện tử cho bạn bè và người thân để chúc mừng năm mới âm lịch thay vì lì xì như truyền thống. WeChat đã biến hoạt động này thành một trò chơi, khuyến khích người dùng tập hợp thành nhóm để gửi tiền ngẫu nhiên. Nếu bạn gửi 3.000 nhân dân tệ cho 30 người bạn, không phải mỗi người nhận được 100 nhân dân tệ mà số tiền sẽ do WeChat quyết định. Dịp Tết vừa qua đã có hơn 400 triệu người dùng (cả cá nhân và nhóm) gửi đi 32 tỷ "phong bao đỏ".
Sau nhiều năm kiên trì, Tencent đang được hái quả ngọt từ WeChat. Trong khi những ứng dụng khác đang chật vật, năm ngoái WeChat có doanh thu lên đến 1,8 tỷ USD. Một phần không nhỏ đến từ thương mại điện tử, nơi WeChat thu phí từ người mua hàng.
Mức độ phổ biến của WeChat cũng giúp thương hiệu này gia tăng giá trị trong mắt các nhà quảng cáo. Goldman Sachs nhận định hiếm có công ty nào ở trong vị thế tốt hơn so với WeChat để có thể tận dụng sự trỗi dậy của quảng cáo trên mạng xã hội. Khi hãng xe hơi BMW triển khai quảng cáo đầu tiên trên WeChat nhưng quảng cáo chỉ hiện ra trước mắt một nhóm người dùng có chọn lọc, nhiều người đã phản đối nhưng không phải vì bất tiện mà vì thắc mắc tại sao họ không nhìn thấy quảng cáo này.
Đối với các công ty phương Tây, bài học đáng nói nhất về thành công của WeChat là người dùng và các công ty quảng cáo sẵn sàng trao phần thưởng cho những công ty giải quyết được vô số vấn đề đang hành hạ họ. Smartphone là một phát minh vĩ đại nhưng cũng gây ra không ít phiền toái vì suốt ngày cập nhật. WeChat đã giải quyết được điều này.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?