Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Phân hóa và định giá

VN-Index lại thêm một lần nữa trong năm nay tiến về chinh phục đỉnh cao 680 điểm - mốc cao nhất trong vòng tám năm qua. Với sự nỗ lực của những cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VCB, BVH, GAS, MSN, VIC... khả năng chỉ số vượt đỉnh hoàn toàn có thể xảy ra.
 Nhiều cổ phiếu của các công ty xây dựng làm ăn khá hiệu quả vẫn bị thị trường bỏ qua. Ảnh TL SGT

Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không có nghĩa chứng khoán Việt Nam đã thoát khỏi vùng đáy bởi VN-Index đang ở trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” với sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu và một tỷ lệ không nhỏ nhà đầu tư không có lời, thậm chí lỗ khi trong danh mục có những chứng khoán chưa bao giờ tăng giá trong vòng một năm qua.

Hãy thử nhìn ngành xây dựng. CTD và HBC đã có nhiều bứt phá từ đầu năm với vị thế là những công ty xây dựng hàng đầu. Song, thật bất công khi hàng loạt công ty xây dựng quy mô nhỏ và vừa khác, làm ăn khá hiệu quả, vẫn bị thị trường bỏ qua. Chúng đã ngủ đông giấc ngủ dài và chưa biết bao giờ thức dậy. Các chỉ số cơ bản của chúng không tồi (P/E, P/B, EPS, ROE, ROA...), vay nợ được kiểm soát tốt và thị giá của chúng đang rẻ so với mặt bằng giá chung. Sự đắt rẻ lúc này liệu có còn ý nghĩa khi dòng tiền vào chứng khoán vẫn quá eo hẹp và chủ yếu vẫn trong tình trạng “đánh nhanh thắng nhanh” với những cổ phiếu có đội lái hay nói một cách hình ảnh hơn là có người dẫn dắt.

Đại diện không ít công ty chứng khoán đã tỏ ra băn khoăn khi từ ngày 12-9 tới đây HOSE áp dụng quy chế giao dịch mới, trong đó tập trung vào lệnh lớn tối đa tới nửa triệu đơn vị và các bước giá nhỏ từ 10-100 đồng. Họ cho rằng các bước giá nhỏ sẽ làm cho một cổ phiếu có quá nhiều mức giá đặt lệnh trong khi trên bảng điện tử chỉ có thể hiển thị ba mức giá chào mua và chào bán tốt nhất. Ba mức giá đó không cho phép nhà đầu tư đoán định được khối lượng đặt mua, đặt bán và rõ ràng là không có cơ sở để ước lượng cung cầu nhằm làm giá. Tác dụng rõ nhất của bước giá nhỏ là tiêu hủy khả năng làm giá của đội lái. Quan sát kỹ, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể nhận ra các cổ phiếu có sóng, biến động mạnh thường là những cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp, tức những tay lướt sóng có thể tính toán được số tiền phải bỏ vào nhằm đẩy giá hoặc số lượng cổ phiếu cần thiết để đánh xuống.

Các công ty càng đại chúng, số lượng cổ phiếu có thể giao dịch càng cao và thanh khoản hàng ngày ở mức hàng triệu đơn vị, thường không phải là lựa chọn của đội lái. Việc chia nhỏ bước giá chính là kỹ thuật tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nhất là những cổ phiếu đang có thị giá dưới 10.000 đồng. Sự tham gia đa dạng của nhà đầu tư ở các mức giá phong phú hơn hiện nay sẽ là trở lực đối với những đội lái muốn kiểm soát khối lượng cổ phiếu giao dịch mỗi ngày.

Chính từ đây, có thể kỳ vọng một sự công bằng hơn cho thị trường và cho các cổ phiếu. Sự phân hóa là cần thiết dựa trên kết quả kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, nhưng sự phân hóa không hợp lý không dẫn đến một thị trường phát triển bền vững.

Mỗi thời điểm, thị trường có một gu thu hút tiền khác nhau. Cổ phiếu này sôi động, cổ phiếu khác bị lãng quên. Nếu sự giao dịch sôi động chỉ tập trung đơn lẻ vào một số cổ phiếu, cho dù đó là cổ phiếu vốn hóa lớn, đến một giới hạn nào đó nhà đầu tư cũng chốt lời và quay sang đi tìm những công ty chưa được “khai phá”. Đấy là lý do tại sao khối ngoại liên tục bán ròng các blue-chips trong ba tuần gần đây với tổng giá trị bán ròng lên tới 1.900 tỉ đồng. Với những tổ chức kinh nghiệm, khi họ thoái vốn, thị giá cổ phiếu bị thoái vốn thường vẫn đi lên hoặc không hề giảm giá. Chúng chỉ giảm giá một thời gian nhất định sau đó. HAG là một thí dụ. Các quỹ đầu tư ngoại đã bán ròng rã cổ phiếu này khi thị giá của nó còn trên 20.000-25.000 đồng. Ở thị giá hiện tại, khối ngoại đã không còn là cổ đông lớn của HAG. Thay vào đó là cổ đông trong nước. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà có ý kiến rằng nếu là nhà đầu tư trung, dài hạn, đừng ham mua cổ phiếu bị khối ngoại thoái vốn.

Mùa hè sắp đi qua. Tháng 9, theo chu kỳ, là khởi động vòng đua mới của chứng khoán kéo dài cho đến hết quí 1 năm sau. Trong lịch sử, những tháng cuối năm diễn biến chứng khoán hay có bất ngờ, với sự lên ngôi của những cổ phiếu MidCap và SmallCap. Khi người ta đã quen thuộc với những vầng hào quang của blue-chips, sự đi lên của nhóm này đòi hỏi một chi phí vốn rất lớn, còn các cổ phiếu nhỏ và trung bình đôi khi lại là những viên ngọc chưa được mài giũa. Liệu có nên xem việc giải ngân vào cổ phiếu MidCap và SmallCap chưa tăng giá là đánh cược rủi ro? Có lẽ là không bởi ở vùng giá hiện hành, rất nhiều cổ phiếu đã cạn kiệt thanh khoản bởi người bán đã chán nản đến mức chẳng còn thèm nhòm ngó đến chúng hàng ngày.   
 TBKTSG 
>> Tháng 9 đặc biệt của chứng khoán thế giới

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?