“Lợi thế” của sự nghèo khó
“Tính cách của tôi được hình thành bởi mẹ, anh chị em và cộng đồng của tôi. New York là một nơi không dễ sống. Bạn phải có một chút gai góc, bạn phải biết cách lên tiếng khi cần thiết”, nữ CEO người Mỹ da màu đầu tiên lãnh đạo công ty thuộc danh sách Fortune 500 nói.
Việc được sống trong khu phố dành cho người có thu nhập thấp đã là một bước tiến đáng kể so với căn hộ tập thể mà cả gia đình bà sống trước đó ở khu Alphabet City (quận Manhattan, thành phố New York). “Luôn có nhiều người ngủ dưới gầm cầu thang, có cả những người nghiện ma túy… Ngoài hành lang thường nặng mùi nước tiểu… Đó dĩ nhiên không phải là nơi ở an toàn...” là những điều Ursula Burns còn nhớ về nơi mình từng sống thời thơ ấu.
Mặc dù không sở hữu nhiều lợi thế như những đứa trẻ khác, cựu CEO Xerox cho rằng một phần thành công của bà đến từ việc sống trong khu nhà ở ít tiện nghi nhưng được tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng giá rẻ và một nền giáo dục tốt.
Ursula Burns thực tập ở Xerox vào năm 1980 và trở thành kỹ sư tại đây với mức lương khởi điểm hơn 29.000 USD/năm sau khi tốt nghiệp. Mức lương này đủ để bà có một cuộc sống ở mức trung lưu. Lúc đó, bà sở hữu một chiếc ô tô và một căn nhà ở ngoại ô New York.
Burns là một trong 5 nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng được CNNMoney chọn phỏng vấn để thực hiện chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York”. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.
Ngoài Ursula Burns, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn là Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Mickey Drexler – CEO J. Crew, Howard Schultz – CEO Starbucks và huyền thoại hip-hop Russell Simmons. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.
Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.
Chạm đến “giấc mơ Mỹ” nhờ bản tính bộc trực?
Sự nghiệp của Ursula Burns tại Xerox đã thay đổi mãi mãi kể từ năm 1989, khi bà tham dự một cuộc họp của công ty về vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một đồng nghiệp của bà đã hỏi nhà điều hành về lý do tại sao Xerox lại tập trung quá nhiều vào sự đa dạng. “Anh ta không nói thẳng ra từ “người da màu”, anh ta hỏi rằng “Tại sao chúng ta lại thuê quá nhiều dạng nhân viên và cả phụ nữ “khác biệt” này vào trong công ty?””, Ursula Burns kể.
Vì không hài lòng với câu trả lời của người điều hành về sự đa dạng, bà đã đứng dậy trước mặt mọi người và nói lên sự thiếu nguyên tắc và nhiệt huyết của ông ấy. Những ý kiến của Burns đã dẫn đến một cuộc trao đổi “kém thân thiện” giữa 2 người.
Chỉ sau khi cuộc họp kết thúc, Burns mới biết người điều hành cuộc họp hôm ấy chính là Wayland Hicks – một Phó chủ tịch điều hành vào thời điểm đó. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bị sa thải. Và mức lương 29.000 USD sẽ “cuốn theo chiều gió””, Ursula Burns nhớ lại.
Sự thật là, Hicks đã khiển trách Burns vì có thái độ không phù hợp và nói với bà rằng “Luôn có cách hay hơn để nói rằng mình không tán đồng ý kiến của người khác”. Sau buổi “khiển trách”, hai người còn đối thoại với nhau thêm nhiều lần trong một số cuộc họp nữa.
Năm 1990, Wayland Hicks hỏi Ursula Burns có muốn đảm nhiệm vai trò trợ lý điều hành hay không. Thêm một lần thứ hai, Burns lại cảm thấy bị Hicks làm cho thất vọng. “Anh nghiêm túc đó chứ?”, bà hỏi lại vì nhìn thấy viễn cảnh phải chuyển sang một công việc không tương xứng với trình độ chuyên môn của mình. Hicks phải giải thích rằng, công việc này không đơn thuần như vai trò của một thư ký, ông sẽ giới thiệu bà với dàn lãnh đạo cấp cao, và bà sẽ có cơ hội được tiếp cận thực tế cách mà các nhà điều hành vận hành doanh nghiệp.
Lúc đó Burns mới nhận công việc mà bà mô tả là “vai trò quan trọng nhất mình từng nắm giữ”. Năm 1999, bà nắm giữ trọng trách lãnh đạo lĩnh vực sản xuất toàn cầu tại Xerox. Từ đó, bà thăng tiến dần đến các vị trí lãnh đạo cấp cao và trở thành CEO Xerox vào năm 2009. Đến tháng 5/2010, bà kiêm cả vai trò Chủ tịch Công ty. Bà rời ghế CEO Xerox hồi tháng 12 vừa qua.
Burns cho rằng bà đã đạt được “giấc mơ Mỹ” và tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng nó vẫn luôn tồn tại bất chấp những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Bà khẳng định: “Nước Mỹ là một trong số ít những nơi mà bạn có thể sống với giấc mơ này và biến nó trở thành hiện thực”.
DNSG