Ít ai biết rằng đứng sau những hợp đồng lớn nhất của ngành thực phẩm và nước giải khát toàn cầu chính à Jorge Paulo Lemann - người giàu nhất Brazil.
Làm Warren Buffett choáng váng- định hình lại thế giới
Jorge Paulo Lemann là người khá kiệm lời, ít nhất là đối với giới truyền thông. HJ Heinz hợp nhất với Kraft Foods Group qua hợp đồng trị giá 46,7 tỷ. Burger King từ công ty đang phải vật lộn với nhiều vấn đề bỗng trở thành một kênh sinh lời. AB InBev - một trong những công ty bia lớn nhất thế giới - được hình thành. Tất cả đều diễn ra âm thầm lặng lẽ, không hề có họp báo. Lemann coi trọng sự riêng tư của mình, đến nỗi phải yêu cầu công ty liên kết giữ kín thông tin. Nhưng điều này không thể “bịt miệng” một nhà đầu tư nổi tiếng.
Lemann thành lập công ty đầu tư 3G Capital từ năm 2004. Nói về Lemann và 3G, "nhà đầu tư huyền thoại" Warren Buffett đã phải thốt lên: “Họ đã làm được nhiều việc lớn và trong tương lai sẽ còn làm được những việc lớn hơn thế. Họ đưa ra những tiêu chuẩn rất cao và tự mình vượt qua những tiêu chuẩn đó.”
Lemann điều hành AB InBev cùng với nhiều tỷ phú người Brazil khác và các gia đình giàu có tại Bỉ. Ngày 16/9, công ty này đưa ra kế hoạch sáp nhập với SABMiller- công ty với các thương hiệu Peroni và Grolsch. Đây là sự hợp nhất của 2 nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 50% lợi nhuận của toàn ngành.
Được Berkshire Hathaway của Buffett hỗ trợ bởi trên 20 tỷ USD, Lemann đang ghi lại dấu ấn lên nền kinh tế thế giới, trở thành người giàu nhất Brazil với tài sản ròng 236 tỷ USD (tính đến ngày 30/9 - theo Bloomberg Billionaires Index).
Có thể nói Lemann là một nghệ sĩ trong các thương vụ mua bán và sáp nhập. Cá nhân ông quan tâm đến các nhãn hiệu cao cấp và ghét các công ty có chi phí không cần thiết, bao gồm cả chi phí cho con người. Lemann, 76 tuổi đưa yếu tố năng lực và sự năng nổ của cán bộ quản lý vào văn hóa doanh nghiệp. Nhân sự quản lý của Lemann hiệu quả đến nỗi các công ty đối thủ cảm thấy buộc phải thay đổi phương pháp kinh doanh nếu không muốn có nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo của Lemann.
Giảm chi phí đến mức tối đa
Lemann không ngần ngại khoe tham vọng của mình. Chỉ vài tháng sau khi thành lập Anheuser-Busch InBev, Lemann và và 2 tỷ phú đồng sáng lập 3G là Carlos Sicupira và Marcel Telles đã gặp gỡ nhân viên tại văn phòng công ty đầu tư tại khu trung tâm Manhattan. Người ta đồn rằng, khi có ai đó hỏi Lemann rằng vụ sáp nhập mà ông mơ ước là gì, Lemann trả lời: "Chúng tôi muốn có Coca-Cola". Theo quan điểm của Lemann, Coca-Cola rất khó cắt giảm chi phí bởi có đến 100.000 nhân viên, thậm chí ông còn đùa rằng nếu để 3G quản lý Coca-Cola, chỉ có 200 công nhân được giữ lại.
Câu trả lời của Lemann cũng chính là chiến thuật mua lại và sáp nhập của công ty.
3G trả 3,3 tỷ USD để mua lại Burger King từ các nhà đầu tư, bao gồm Goldman Sachs, TPG Capital, và Bain Capital. Burger King giữ lại 52 cửa hàng để nhượng quyền. Tại thời điểm tháng 8/2014, Burger King mua lại chuỗi cửa hàng bánh donut Canada Tim Hortons, tăng trưởng của Burger King cũng vượt xa McDonald. Theo ông Luiz Cezar Fernandes, đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Banco Garantia với Lemann trong những năm 1970 thì “Burger King đã có sự phát triển mới thuận lợi, Buffett cũng đang theo dõi chặt chẽ sự kiện này."
Thật vậy, Buffett cho biết, ông đã bỏ qua Burger King vì quá khứ của nó. Năm 2013, khi Lemann dàn xếp việc mua lại hãng nước sốt cà chua Heinz với giá 23 tỷ USD, Buffett tham gia bằng cách chi 4,25 tỷ USD mua một nửa số cổ phiếu phổ thông và chi thêm 8 tỷ USD mua cổ phiếu ưu đãi. Vừa mua lại công ty xong, 3G đưa ra đội quản lý mới, cắt giảm 7.000 nhân công, đóng cửa 5 nhà máy và thực hiện hạch toán chi phí cẩn thận từ nguyên liệu thô từ đầu năm. Do đó, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng lên 26% chỉ sau 1 năm rưỡi, mở đường cho việc Heinz mua lại Kraft.
Hiện tại, Kraft có kế hoạch cắt giảm 2.500 nhân công để tiết kiệm 1,5 tỷ USD/năm đến năm 2018. Trước đây, công ty có tủ lạnh chứa cheese sticks và đồ ăn nhẹ khác để lao động ăn miễn phí. Sau khi bị Kraft mua lại, tủ lạnh này không còn nữa. Khi Kraft Heinz bắt đầu kinh doanh trong tháng 7, giá trị cổ phần Berkshire đạt 24 tỷ USD, gấp đôi số tiền mà Berkshire đã trả cho các cổ đông của Kraft.
Nhiều người cho rằng cách tiếp cận của Lemann khá hà khắc, khi ông và các đối tác hưởng lợi trên sự mất mát của người khác. Sau khi sáp nhập, để giảm chi phí, Kraft Heinz đẩy 15.000 người về hưu phải dùng dịch vụ y tế tư nhân. Lực lượng lao động tại hàng loạt thành phố từ Madison, Wisconsin, đến Leamington, Ontario khiếu nại. Tuy nhiên, theo Buffett, 3G có khả năng tạo ra những thay đổi nhanh chóng và cũng khá công bằng.
Bản thân 3G cũng phải chịu nhiều áp lực dư luận do chiến lược tại Burger King. Sau khi Burger King mua chuỗi Tim Hortons, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cáo buộc liên doanh này chuyển giá để trốn thuế. Công ty mới có trụ sở tại Canada, mà ở nước này, thuế thấp hơn Mỹ. Buffett - người đưa công ty lên mức 3 tỷ USD cho rằng thỏa thuận đạt được không phải do thuế. Tuy nhiên, việc mua lại này nằm trong xu hướng chung khi rất nhiều công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài để giảm gánh nặng về thuế.
Các đối thủ cạnh tranh đang vật lộn để đối phó khi 3G sẵn sàng cắt giảm sâu các loại chi phí. Theo Chủ tịch Nestlé Peter Brabeck-Letmathe thì 3G và Berkshire "đang phá nát thị trường thực phẩm, đặc biệt là ở Mỹ bằng các vụ mua lại nối tiếp". Tuy nhiên, các CEO không thể không sao chép những nước cờ mà Lemann đã đi: từ Kellogg, Campbell Soup đến Mondelēz International (công ty thực phẩm ăn nhẹ tách ra từ Kraft vào năm 2012) đều đi theo chiến lược tương tự của 3G.
Bill Ackman- nhà sáng lập quỹ đầu tư Pershing Square Capital Management đang đánh cược rằng mình sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Sau khi nhìn thấy những gì Lemann đã làm được, Bill Ackman đã tích lũy được 5,6 tỷ USD tại Mondelēz trong năm nay. Quỹ đầu tư của Bill Ackman chỉ là một trong số những quỹ đưa lại cho 3G 1,4 tỷ USD giúp 3G có được Burger King vào năm 2012. Theo Bill Ackman thì "Họ là cổ đông dài hạn, có kỷ luật, có rất nhiều điều để ngưỡng mộ.”
Buffett cũng nhấn mạnh rằng Lemann xây dựng và tổ chức công ty. Lemann và các cộng sự đã mua lại Brahma- một công ty sản xuất bia nhỏ của Brazil từ những năm 1980, tích lũy và biến nó thành những ông lớn ngày nay: Budweiser, Beck, và Stella Artois. Bắt đầu gần như từ tay trắng với nhà máy bia nhỏ tại Brazil, chỉ vài năm sau, họ đã trở thành hãng bia số 1 thế giới".
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg