Sau nhiều phiên giao dịch tích cực, cặp
đôi cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức đã lần đầu vượt 10.000 đồng sau hơn 1
năm giao dịch dưới mệnh giá.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (23/3), cổ phiếu HAG của Công ty cổ
phần Hoàng Anh Gia Lai đóng cửa ở 10.100 đồng, trong khi mã HNG của Công
ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tăng trần lên mức 11.750 đồng
mỗi đơn vị. Đây cũng phiên giao dịch đầu tiên sau hơn một năm, cặp đôi
cổ phiếu của Bầu Đức cùng vượt qua mệnh giá (10.000 đồng).
Bộ đôi cổ phiếu này bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 1/2017 khi
giá cổ phiếu HAG chỉ còn gần 5.000 đồng, trong khi cổ phiếu HNG giao
dịch ở ngưỡng hơn 6.000 đồng mỗi cổ phiếu, thời điểm các doanh nghiệp
của Bầu Đức vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2016.
Theo một số nhà đầu tư trên thị trường, mặc dù kết quả kinh doanh
được công bố tiếp tục thua lỗ, song thông tin từ báo cáo tài chính cho
thấy các chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai
đã đồng ý gia hạn thời gian trả nợ trong vài năm tới đã đem lại niềm tin
cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, giá một số mặt hàng nông nghiệp trong cơ cấu kinh doanh
hai công ty trên đà phục hồi cũng đem tới triển vọng cho doanh nghiệp
của bầu Đức.
|
Cặp đôi cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức lần đầu vượt mốc 10.000 đồng sau hơn 1 năm.
|
Đầu năm 2016 cổ phiếu cả hai doanh nghiệp của Bầu Đức đều xuống dưới mệnh giá với đà bán tháo liên tục của nhà đầu tư. Thời
điểm đó, cả Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đều rơi
vào tình cảnh khó khăn khi hoạt động kinh doanh không đạt như kỳ vọng
trong khi lãi vay liên tục gia tăng, cùng với áp lực trả nợ trong ngắn
hạn.
Chia sẻ với VnExpress khi ấy, bầu Đức cũng thừa nhận gặp khó
khăn về dòng tiền của công ty, song ông cũng tin tưởng với việc tái cấu
trúc mạnh mẽ, Hoàng Anh Gia Lai sẽ hoạt động tốt trở lại.
Theo báo cáo tài chính năm đã công bố, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh
thu năm 2016 đạt 6.460 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, doanh thu từ bán bò và bán bất động sản đầu tư tăng cao nhất,
còn các hoạt động nông nghiệp khác như bán mủ cao su, bắp và các sản
phẩm từ đường chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ.
Năm 2016, riêng doanh thu từ bán bò đem về cho Hoàng Anh Gia Lai 3.537
tỷ đồng (55% tổng doanh thu), tương đương gần 10 tỷ đồng mỗi ngày. Mặc
dù vậy, chi phí lãi vay tăng cao khiến doanh nghiệp của Bầu Đức
báo lỗ sau thuế gần 1.415 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với kế hoạch lỗ đã
được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Đến cuối năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai đã nhận ứng trước hơn 1.937 tỷ
đồng từ khách hàng để mua dự án thủy điện, tăng khoảng 500 tỷ đồng riêng
trong quý IV.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc
Hoàng Anh Gia Lai cho biết việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt
động mía đường đang được tập đoàn xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn
thành ngay trong quý I/2017.
"Việc bán các mảng hoạt động này của Hoàng Anh Gia Lai không vì mục
đích lợi nhuận mà muốn cơ cấu các mảng hoạt động của tập đoàn, giảm các
khoản vay liên quan đến thủy điện và mía đường. Khi hoàn thành thương
vụ, dự kiến trong quý I/2017, các khoản nợ liên quan, khoản phải trả do
nhận ứng trước từ khách hàng sẽ giảm nợ phải trả của tập đoàn đáng kể",
ông Sơn cho biết.
Vnexpress