Từng là "anh cả" trong ngành nhưng các doanh nghiệp này đều đã bị các doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn" vượt qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, một sự kiện nhỏ nhưng khá thú vị đã diễn ra: vốn hóa thị trường của “hãng hàng không non trẻ” Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines.
Dù sao đó cũng mới chỉ là phiên giao dịch thứ 5 của Vietjet trên sàn chứng khoán, việc Vietjet giá trị hơn Vietnam Airlines cũng có thể chỉ là hiện tượng nhất thời trong sự hào hứng của nhà đầu tư với một doanh nghiệp lớn mới niêm yết. Tuy vậy, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như trong thời gian qua thì việc Vietjet có giá trị lớn hơn hẳn hãng hàng không quốc gia cũng không có gì quá khó hiểu.
Khi Thế giới Di động niêm yết vào tháng 7/2014, vốn hóa khi đó của doanh nghiệp này chỉ đạt 5.100 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với con số 17.000 tỷ của FPT tại thời điểm đó.
Hiện tại, vốn hóa của Thế giới Di động lên đến gần 26.000 tỷ đồng trong khi FPT mới chỉ đạt 21.000 tỷ.
Khi lên sàn, giá trị của Thế giới Di động chỉ bằng 1/3 FPT, giờ đây giá trị của doanh nghiệp này đã bỏ khá xa FPT
Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam VNSteel hiện chỉ được định giá chưa đến 5.000 tỷ đồng trong khi đó, Hòa Phát hiện có trị giá 35.000 tỷ và Hoa Sen Group đạt hơn 9.300 tỷ đồng. Năm 2016, VNSteel đạt mức lãi cao nhất trong lịch sử khi đạt 953 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tuy nhiên con số này cũng rất khiêm tốn khi so với mức 7.700 tỷ của Hòa Phát.
VNSteel khá "tí hon" khi đặt cạnh Hòa Phát
Hàng loạt các ví dụ điển hình khác như Viettel vượt qua VNPT trên thị trường viễn thông di động, Vinasun vượt qua Mai Linh trên thị trường taxi, Coteccons vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng … cho thấy những doanh nghiệp đang dẫn đầu nếu không đổi mới, tiếp tục tăng trưởng thì hoàn toàn có thể bị các doanh nghiệp “đàn em” vượt lên bất kỳ lúc nào.
Kinh doanh tại rất ít tỉnh thành nhưng Vinasun lại có doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với Mai Linh
Lợi nhuận của Viettel gấp 4 lần Mobifone và VNPT cộng lại
Theo Trí thức trẻ