Trung tâm Lưu
ký chứng khoán (VSD), CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và BIDV vừa
tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ phát triển và cung cấp dịch vụ quản lý
tài khoản cá nhân và giám sát cho Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện
(HTBSTN).
Theo đó, các bên thống nhất sẽ cùng hợp
tác để phát triển phần mềm quản lý tài khoản cá nhân cho các đối tượng
tham gia vào quỹ tại VSD và cơ chế chia sẻ thông tin để BIDV cung cấp
dịch vụ giám sát cho các quỹ này. Sự hợp tác cũng hướng tới việc các quỹ
hưu trí do VFM thành lập và quản lý sẽ sử dụng dịch vụ quản trị tài
khoản hưu trí cá nhân do VSD cung cấp, được giám sát bởi BIDV. Dự kiến
các dịch vụ sẽ sẵn sàng trong năm 2018.
Ảnh minh họa |
Khuôn phổ pháp lý cho việc triển khai
quỹ HTBSTN đã được hình thành từ ngày 1/7/2016, với việc ban hành Nghị
định 88/2016. Theo đó, các quỹ HTBSTN sẽ được hình thành để cung cấp một
hình thức đóng góp và đầu tư mới cho người lao động với mục tiêu nâng
cao nguồn thu nhập khi nghỉ hưu bên cạnh nguồn thu nhập từ nhận chi trả
của bảo hiểm xã hội. Việc hình thành Quỹ HTBSTN, theo ông Trần Lê Minh,
Phó tổng giám đốc VFM, cũng chính thức làm hình thành một trụ cột mới
theo chủ trương đa dạng các trụ cột hệ thống an sinh của Chính phủ.
Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD -
đơn vị đang cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 20/22 quỹ - cho
biết, quỹ HTBSTN có nhiều đặc điểm giống quỹ mở. Việc ra đời và vận hành
hệ thống quỹ HTBSTN tại Việt Nam bên cạnh vai trò đa dạng hóa hệ thống
an sinh xã hội, còn góp phần phát triển cơ sở nhà đầu tư dài hạn trên
thị trường vốn. Nguồn vốn từ các quỹ được hình thành từ sự đóng góp của
người lao động, cá nhân, DN sử dụng lao động… sẽ được đầu tư vào các sản
phẩm tài chính trên thị trường vốn, qua đó góp phần phát triển thị
trường ngày càng bền vững.
Tổng giám đốc VFM, ông Trần Thanh Tân
thì thông tin thêm, quỹ HTBSTN muốn tăng thêm thu nhập cho người về hưu
bằng cách bổ sung một khoản nhỏ thông qua các hình thức đầu tư. Đồng
thời từ kinh nghiệm của mình trong quá trình quản trị quỹ cũng như hoạt
động trên thị trường tài chính và thông lệ quốc tế, ông Tân cho rằng
trước sau gì cũng diễn ra khả năng một phần Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ được
chuyển cho các công ty đầu tư chuyên nghiệp để quản trị nó, để cùng kề
vai sát cánh với Nhà nước hỗ trợ cho người về hưu.
“10 năm nay chúng tôi đã phối hợp chặt
chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính tìm hiểu,
nghiên cứu và cố gắng cho ra đời quỹ HTBSTN nhằm tạo kênh huy động vốn
cho TTCK Việt Nam”, ông Tân nói và cho rằng, nếu được Chính phủ và các
cơ quan quản lý ủng hộ, một ngày không xa sẽ lại có thêm một nguồn vốn
để tham gia vào TTCK, hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam.
“Sau 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm nữa,
một trong những quỹ được quản lý lớn nhất trên TTCK Việt Nam chính là
quỹ thuộc dạng này chứ không phải quỹ mạo hiểm. Con đường đã được mở ra.
Hy vọng TTCK sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần trong thời gian ngắn”, ông Tân
kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quá trình
đóng góp và quá trình người lao động bỏ tiền vào các quỹ này khi được
hình thành là chậm, nhưng sẽ rất chắc chắn. Bởi khi các đối tượng tham
gia là người lao động sẽ nghỉ hưu sau 10 hoặc 20 năm làm việc thì việc
rút quỹ một cách đột ngột là không cần lo lắng. Vì vậy, đó cũng là cơ
hội để các quỹ chuyển tải tiền đầu tư vào các kênh đầu tư dài hạn hơn,
nhằm mục đích giúp cho các DN có định hướng phát triển dài hạn, để nền
kinh tế phát triển bền vững…
Với vai trò là ngân hàng được chỉ định
thanh toán, ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết: Triển khai
Nghị định 88, BIDV nhận thấy trách nhiệm và sẽ tích cực cùng VSD, VFM
phối hợp tốt nhất, cung cấp các sản phẩm ngân hàng giám sát, ngân hàng
lưu ký để phục vụ cho sự hình thành và phát triển Quỹ HTBSTN.
BIDV có mạng lưới là 190 chi nhánh và
815 phòng giao dịch trên toàn quốc cũng là cơ sở rất tốt để phục vụ hoạt
động của quỹ sau này. Ngoài ra, BIDV còn có khoảng 200 nghìn khách hàng
DN và gần 8 triệu khách hàng cá nhân, đây cũng sẽ là nguồn khách hàng
tiềm năng của các quỹ hình thành về sau.
Thời Báo Ngân Hàng