Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá lạc
quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, song cho rằng việc cải cách cần
tăng tốc nếu muốn lên ngưỡng thu nhập trung bình cao năm 2030.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEglBPyUS8TOwdndAh5l5owbxnf0MLRwXexdDlN25ucfZm-kATOwV67iCHYziGGEpx6qoF98ASN2gb33YLM-uTJjBnPNds19LoHbiExcP4yjWqREJe4iIZDB3EM1QYPCYHi0J4OK75qVzg/s640/nikkei.jpg)
Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 được Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay, tăng trưởng của Việt Nam được
dự báo tiếp tục nhích lên mức 6,5% trong năm nay, song vẫn thấp hơn so
với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra. ADB cho rằng đến năm 2018, Việt
Nam mới đạt được mức tăng trưởng này.
Với động lực tăng trưởng hiện tại là vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) tiếp tục được củng cố, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản
xuất - chế tạo của khu vực và số người có thu nhập trung bình ngày càng
tăng.
Cán cân thanh toán được dự báo tiếp tục ổn định, bất chấp biến động
trên thị trường toàn cầu. Thặng dư vãng lai của Việt Nam sẽ vào khoảng
2% năm nay và 2,5% năm tới. Kiều hối và dự trữ ngoại hối cũng được kỳ
vọng tăng cao. Trong khi đó, lạm phát năm nay có thể vào khoảng 4% và
nhích dần lên 5% năm tới, do giá hàng hóa toàn cầu hồi phục.
Báo cáo nhận định Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tốc độ
này thấp hơn mức cần thiết để đạt vị thế nước có thu nhập trung bình cao
năm 2030. Nguyên nhân là dù lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đang bùng
nổ, nông nghiệp lại thành nhân tố kéo tụt tăng trưởng. Ngành này đóng
góp tới 18% GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng vài năm gần đây chỉ bằng một
phần ba công nghiệp - dịch vụ.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận xét:
"Nông nghiệp luôn là động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an
ninh lương thực và xuất khẩu từ khi Chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực
này cuối thập niên 80. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sức ép cạnh
tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp đã
khiến tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2% một năm kể
từ năm 2011".
Vì vậy, để cải thiện tăng trưởng, ADB cho rằng Việt Nam cần tập trung
cải cách ngành nông nghiệp. Đặc biệt là về cạnh tranh, cơ sở hạ tầng
nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cũng trong buổi công bố báo cáo hôm nay, đại diện ADB nhận định các sự
kiện như Anh đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU) hay Tổng thống Mỹ -
Donald Trump muốn thay đổi các chính sách thương mại sẽ không ảnh hưởng
quá lớn đến Việt Nam. Nền kinh tế khá mở cửa và thị trường xuất khẩu đa
dạng sẽ giúp Việt Nam tránh được các cú sốc từ một nền kinh tế cụ thể.
Cơ quan này cũng lưu ý trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần
thứ 4 đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam không chỉ cần áp dụng công
nghệ vào sản xuất, mà còn phải biết cách chọn lọc những cái tiên tiến.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc đang rất chú trọng phát triển công nghệ cao,
các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải phân tích cẩn thận trước khi nhập
khẩu, tránh trở thành bãi rác công nghệ cũ của nước láng giềng.
Vnexpress