Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Khởi động cho Chứng khoán phái sinh: Khi người khác không hiểu, đó là cơ hội của bạn

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.

Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại... hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất...
 Thiết kế: 7pm

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn
– Hợp đồng tương lai
– Hợp đồng quyền chọn
– Hợp đồng hoán đổi

2. Việt Nam mới chỉ triển khai 01 loại chứng khoán phái sinh

Hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm).

 Thiết kế: 7pm

3. Để tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai, tôi phải làm gì? 

 Thiết kế: 7pm

Lưu ý, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch tại CTCK là thành viên giao dịch Thị trường chứng khoán phái sinh và mở một tài khoản ký quỹ tại CTCK là thành viên bù trừ. Trước khi bắt đầu giao dịch, cần nộp tiền ký quỹ theo quy định. NĐT có thể sử dụng tài sản ký quỹ là tiền hoặc chứng khoán để thực hiện nghĩa vụ ký quỹ.

4. Mẫu hợp đồng 

Ví dụ cho mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30:
 Nguồn: VNDIRECT

5. Bắt buộc KÝ QUỸ trước khi tham gia

Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Trước khi thực hiện đặt lệnh giao dịch, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ số tiền và tài sản bằng tối thiểu Mức ký quỹ ban đầu. Trung tâm lưu ký sẽ quy định tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau.

Ký quỹ Ban đầu = giá hợp đồng muốn mua/bán * hệ số nhân hợp đồng * số lượng hợp đồng mua/bán * tỷ lệ ký quỹ

Ví dụ: Nhà đầu tư tham gia Hợp đồng tương lai chỉ số có quy mô 70 triệu đồng/hợp đồng với mức ký quỹ quy định là 10%; thay vì phải bỏ ra 70 triệu đồng, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 7 triệu đồng là đã có thể tham gia vào một hợp đồng này.

Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai.

6. Chú ý: Phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi/lỗ mỗi ngày

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cơ chế thanh toán là thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:

Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.

Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.

Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.

7. Giao dịch Hợp đồng tương lai có gì khác giao dịch cổ phiếu bình thường?

Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thoả thuận với các loại lệnh vẫn đang được sử dụng trên thị trường.

Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào Hợp đồng tương lai.

Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.

 Thiết kế: 7pm

Hợp đồng tương lai có các lợi thế nổi bật so với cổ phiếu thông thường như sau:

- Tổng số lượng Hợp đồng tương lai lưu hành không bị giới hạn
- NĐT có thể tham gia vị thế bán HĐTL mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng
- NĐT chỉ cần bỏ ra một số tiền ký quỹ bằng một phần giá trị của hợp đồng

8. Làm thế nào để thoát khỏi hợp đồng đang tham gia?

Đơn giản nhất là chờ đến thời điểm đáo hạn.

Nếu không, để thoát khỏi vị thế đang tham gia, ví dụ vị thế bán, thì NĐT cần đặt lệnh đối ứng (vị thế mua) trên thị trường. Nếu lệnh được khớp, thì NĐT đã thoát.

(Bài viết tham khảo tài liệu của CTCK VNDIRECT và HNX)

Theo Trí thức trẻ
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?