Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Tìm nhà đầu tư chiến lược

Lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.


5-6% cổ phần sẽ bán khi IPO

Báo cáo định giá Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất - sẽ được gửi tới Bộ Công Thương trong tuần này. Dự kiến, phương án CPH của công ty sẽ được Chính phủ xem xét trong tháng 6, hy vọng sẽ được phê duyệt trong tháng 7 hoặc tháng 8. Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR ông Nguyễn Hoài Giang cho biết.

“BSR đang muốn việc CPH được tiến hành càng sớm càng tốt để thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình phát triển, mở rộng nhà máy trong tương lai”, ông Giang nói. Toàn bộ thông tin về xác định giá trị DN, giá chào bán lần đầu... sẽ được công bố vào tuần tới khi nhận được sự đồng ý từ Bộ Công Thương.

Ngay khi phương án CPH được Chính phủ phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần và chào bán cổ phiếu. Do số cổ phần Nhà nước nắm giữ trong BSR dưới 50% vốn điều lệ nên không giới hạn tỷ lệ bán cổ phần. Lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% số cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.

Với quy mô vốn lớn tới 3 tỷ USD nên việc bán cổ phiếu BSR sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được tiến hành ngay trong quý IV/2017. Lượng cổ phần chào bán giai đoạn này từ 5-6%. Tiếp đến, giai đoạn 2, BSR sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng tiếp theo. BSR đã gửi thư mời 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần.

Trả lời câu hỏi vì sao chỉ chào bán 5-6% cổ phiếu trong đợt IPO này, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR cho biết: “Chúng tôi đã tính toán cụ thể cùng đơn vị tư vấn, con số đã được cân nhắc rất kỹ và phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường. Nếu bán nhiều hơn sẽ khiến giá trị DN thấp đi”.

Cuối năm, cũng là khoảng thời gian có nhiều DN lớn IPO, liệu việc cổ phiếu BSR được đưa ra lúc đó có bất lợi về giá? Về vấn đề này, ông Giang nói: “Thời điểm này, BSR mới CPH là đã muộn và khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều vấn đề đang ảnh hưởng bất lợi đến niềm tin của các nhà đầu tư”.

“Chúng tôi tin là IPO sẽ thành công”

Nhưng ông Giang vẫn tỏ ra tự tin “Chúng tôi tin là IPO sẽ thành công”. Ông Nguyên cũng nói: “Chúng tôi hết sức tự tin phiên IPO này”.

Ai sẽ là nhà đầu tư chiến lược của BSR?

Ông Nguyên cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm. “Bên cạnh đề nghị của Công ty Gazprom Neft của Nga, BSR đã nhận được đề xuất tham gia hợp tác của nhiều DN nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, các định chế tài chính và ngân hàng quốc tế. Chúng tôi cũng đã tiến hành làm việc với một số đối tác nhưng danh tính thì chưa thể công bố”, ông Nguyên nói.

Kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2010 đến  tháng 5/2017, sản lượng xăng dầu của Dung Quất chiếm tới 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước, tổng doanh thu đạt 40 tỷ đô la Mỹ, nộp ngân sách nhà nước 6 tỷ USD - gấp đôi tổng mức đầu tư nhà máy khoảng 3 tỷ USD. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 13.400 tỷ đồng, Tổng giám đốc BSR cho biết.

Các chỉ số về tỷ suất sinh lợi ở thời điểm bốn tháng đầu năm 2017 là khả quan. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67%,  tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 4,81%; hệ số bảo toàn vốn là 1,091.

Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nhận được mặt bằng sạch vào cuối tháng 6 tới, và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Ông Nguyên cho biết sẽ vay khoảng 1,2 tỷ đô la Mỹ, tương đương 70% nhu cầu vốn cho dự án này.

Khi dự án mở rộng đi vào hoạt động, công suất chế biến của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên 8,5 triệu tấn, đáp ứng 50-60% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Với công nghệ dùng trong dự án có thể chế biến tới 300 loại dầu thô (hiện chỉ sản xuất 15 loại), nên giá sản phẩm Dung Quất sẽ rất cạnh tranh nhờ sử dụng được rộng rãi nguồn dầu thô giá rẻ nhập khẩu.

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, BSR đặt mục tiêu đạt sản lượng sản xuất 28 triệu tấn, trong đó riêng sản phẩm DO chiếm 50% sản lượng với 14,064 triệu tấn, theo sau là xăng A92/E5 hơn 6,383 triệu tấn và xăng A95 với 4,140 triệu tấn.

“Chúng tôi tin rằng chiến lược mở rộng thị trường và định hướng hóa dầu của BSR trong thời gian tới sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của công ty trong dài hạn, đồng thời là tiền đề cho quá trình hợp tác lâu dài với các nhà đầu tư. Quá trình CPH của BSR trong năm 2017 sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vốn cổ phần và phát triển dự án tại BSR để cùng phát triển thị trường lọc hóa dầu đầy tiềm năng”, theo ông Nguyên.

Với chính sách kinh doanh chủ động, hướng tới khách hàng. Đến nay khách hàng của BSR đã rất đa dạng và tăng trưởng hàng năm. BSR hiện đã hợp tác với 21 trên tổng số 31 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước.
Thời Báo Ngân Hàng
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?