Cho tới nay, WorldRemit đã gọi vốn được hơn 150 triệu USD, với mức định giá gần nhất vào tháng 2 năm ngoái là 500 triệu USD. Trong năm 2016, doanh thu của hãng đạt 51 triệu USD.
Hiện tại, WorldRemit phục vụ hơn 580.000 giao dịch chuyển tiền mỗi tháng. Hãng đã có mặt tại 50 quốc gia, và bắt đầu cho phép chuyển tiền tới Việt Nam từ tháng 11/2015.
Trong tuần này, WorldRemit dự định sẽ kết nối hệ thống của họ với ví điện tử Android Pay của Google, để giúp cho 2,4 triệu khách hàng của hãng chuyển tiền dễ dàng hơn. Ahmed đang hy vọng công ty của ông sẽ chiếm được thị phần lớn hơn trong dòng chảy kiều hối đổ về các nước đang phát triển, vốn lên tới 444 tỷ USD mỗi năm.
Ahmed, năm nay 57 tuổi, cho biết: “Điều chúng ta đang thấy là một sự hội tụ các công nghệ thanh toán, nhắn tin, điện thoại và chuyển tiền. Chúng tôi muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi từ giao dịch không chính thức sang chính thức, và từ tiền mặt sang phi tiền mặt”.
Tăng trưởng lưu lượng giao dịch (màu xanh), doanh thu (màu đỏ) và chi phí hoạt động (màu vàng) của WorldRemit từ đầu 2011 đến đầu 2016. Ảnh: saveonsend.com |
Xuất thân từ tay trắng
Lớn lên ở vùng Somaliland phía Bắc Somalia, Ahmed hiểu việc chuyển kiều hối là rối rắm và phức tạp như thế nào trước khi có sự xuất hiện của công nghệ.
Trong thập kỷ 1980, anh trai ông cùng những người anh em họ khác đã tham gia vào đội quân lao động nhập cư ở các nước Vùng Vịnh. Họ gửi tiền về nhà thông qua các dịch vụ chuyển tiền, với cách thức vận hành khá phức tạp: các dịch vụ này dùng số tiền được gửi để mua lại vật liệu xây dựng, xuất chúng về thành phố quê nhà Hargeisa của Ahmed, bán lấy lời và chia tiền lại cho người nhận.
Tới năm 1991, đất nước Somalia chìm vào khói lửa nội chiến. Thành phố Hargeisa liên tục bị máy bay oanh tạc, và gia đình Ahmed chạy trốn sang nước láng giềng Djibouti. Từ đó, ông tìm được cách tị nạn sang nước Anh, và giành được học bổng chương trình kinh tế ở Đại học London. Tại đây, ông thường xuyên làm 2-3 công việc cùng lúc để có tiền sinh sống. Có nhiều hôm, ông bỏ ra cả ngày để đi hái dâu, và mệt tới nỗi về nhà lăn ra ngủ luôn và không thay quần áo.
Và cứ vài tuần một lần, Ahmed lại ghé vào các dịch vụ chuyển tiền để gửi số tiền dành dụm ít ỏi về cho gia đình. Ông kể: “Gia đình tôi đã mất tất cả mọi thứ. Lúc đó, tôi trở thành người chuyển tiền về”.
Sau khi có được tấm bằng Tiến sĩ, Ahmed bắt đầu nghiên cứu hoạt động kiều hối ở vùng Somaliland. Năm 2005, ông có được công việc mơ ước tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Nairobi (Kenya), nơi ông giúp đỡ các dịch vụ chuyển tiền tuân thủ các quy định chống trợ giúp tài chính cho các tổ chức khủng bố. Chẳng bao lâu sau, Ahmed khám phá ra rằng có một quan chức cao cấp tại đây đã có hành vi tham nhũng, thông qua việc trao các hợp đồng tư vấn béo bở cho một công ty mà chính ông ta góp vốn. Thế là Ahmed đã đứng ra tố cáo sai phạm này, với kết quả là ông bị mất việc.
Dù Liên Hiệp Quốc không có hành động trước lời tố cáo của Ahmed, nhưng may mắn thay ủy ban đạo đức của tổ chức này vẫn kết luận rằng ông là nạn nhân của hành vi trả thù, và ra lệnh bồi thường 200.000 USD cho Ahmed.
Trong lúc đòi bồi thường từ Liên Hiệp Quốc, Ahmed vẫn theo đuổi một chương trình quản trị kinh doanh tại trường London Business School, và tại đây ông đã xây dựng kế hoạch phát triển một công ty chuyên phục vụ việc chuyển kiều hối về châu Phi thông qua ứng dụng di động, với cái tên WorldRemit.
Số tiền bồi thường 200.000 USD mà Ahmed nhận được đã trở thành số vốn quý giá để ông bắt đầu khởi nghiệp. Tới tháng 2/2010, WorldRemit chính thức được thành lập tại London.
Giúp người nghèo tiết kiệm
Cùng với hơn 300 nhân viên của mình, Ahmed đang tìm cách thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp kiều hối. Dù thế giới đã bước sang kỷ nguyên smartphone, nhưng tại nhiều nơi người ta vẫn cứ xếp hàng chen chúc trước cửa những đại lý Western Union để chuyển tiền cho người thân ở quê nhà, trả những khoản phí chuyển khoản đắt đỏ cho ngân hàng, hoặc nhờ cậy các dịch vụ chợ đen chuyển tiền mặt về. Những lựa chọn này vừa tốn kém, lại vừa mất đến vài tiếng hay thậm chí vài ngày mới chuyển được tiền.
Theo thống kê của tổ chức GSMA (Anh), kể từ năm 2011 tới nay số lượng người sử dụng smartphone để nhận lương và thanh toán hóa đơn đã tăng gấp 5 lần lên hơn 500 triệu người. Việc chuyển khoản quốc tế thông qua điện thoại chỉ tốn phí chưa tới 3%, bằng một nửa so với các dịch vụ truyền thống, và giao dịch thường hoàn tất chỉ trong vài phút.
Với WorldRemit, phí chuyển tiền của công ty nhiều khi chưa tới 1% (thường là ở mức cố định 3,99 bảng Anh cho một giao dịch). Hãng cũng tự tin cho biết họ đang chiếm 3/4 số giao dịch chuyển tiền liên lục địa.
Ứng dụng WorldRemit đang phục vụ gần 20.000 giao dịch mỗi ngày. Ảnh: monito.com |
Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ chuyển tiền di động cũng đang gặp nhiều trở ngại. Công ty dẫn đầu thế giới về dịch vụ chuyển tiền là Western Union, vốn có 500.000 đại lý tại 200 quốc gia và doanh thu 340 triệu USD trong năm 2016, đang tìm cách phản công trên sân chơi công nghệ. Chính phủ nhiều nước cũng đang muốn dựng lên các hàng rào với kiều hối, chẳng hạn như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đề cập đến việc sẽ đánh thuế kiều hối chuyển về Mexico.
Ngoài ra, nếu không cẩn thận, các dịch vụ chuyển tiền có thể vô tình trợ giúp cho các hoạt động rửa tiền và bị phạt khá nặng. Hồi tháng 1 vừa qua, Western Union đã bị phạt tới 586 triệu USD sau khi thừa nhận đã không ngăn chặn những kẻ lừa đảo và buôn người sử dụng dịch vụ này trong giai đoạn 2004-2012. Về phần WorldRemit, công ty này vẫn chưa từng bị phát hiện vi phạm lần nào, và cho biết họ sử dụng một chương trình máy tính để rà soát các giao dịch theo thời gian thực và đánh dấu các trường hợp khả nghi, chẳng hạn như việc gia tăng đột ngột tần suất gửi tiền.
Ahmed đang dự kiến doanh thu từ các hoạt động chuyển tiền tới châu Phi, vốn là thị trường lớn nhất của WorldRemit, sẽ tăng gấp đôi trước năm 2020. WorldRemit đang mở rộng hoạt động sang Pakistan và El Salvador, cũng như đã nhận được giấy phép hoạt động chuyển tiền ở 47 bang của Mỹ. Ông dự kiến hoạt động chuyển kiều hối từ Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng, bất chấp sự trỗi dậy của làn sóng dân túy bài ngoại: “Di cư là một phần của cuộc sống. Chúng tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi, dù có Brexit hay có Trump đi nữa”.
NCĐT/ Bloomberg