Thị trường dường như đang khá hưng phấn khi
VN-Index đang có những bước sóng khá mạnh và cố gắng tiếp cận ngưỡng
700. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng phòng phân tích khối khách
hàng cá nhân CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định các tháng còn lại năm 2016 sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường.
Theo ông Minh, rủi ro lớn nhất đối với thị trường đến
thời điểm này chính là các yếu tố vĩ mô trên thị trường thế giới. Điển
hình là sự kiện Brexit và những bất ổn của giá dầu mặc dù đã xuất hiện
những tín hiệu tích cực về nguồn cung dầu. Bên cạnh đó, các vấn đề Biển
Đông, Trung Quốc và các hành động của Liên Minh Châu Âu (EU) sẽ tác động
mạnh đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm.
Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian khá khó khăn đối với VN-Index. Ông Minh cho rằng mức cao nhất mà VN-Index có thể chinh phục trong năm nay chỉ có thể là 700 điểm.
Đến giữa tháng 7, chỉ số dường như đã tiệm cận ngưỡng này, vì vậy trong
thời gian tới, có thể VN-Index sẽ rơi vào chu kỳ điều chỉnh. Và trong
bước sóng giảm này, đáy kỳ vọng của chỉ số sẽ rơi vào khoảng 600-610 điểm.
Riêng đối với HNX-Index, thanh khoản trên sàn này và mức độ quan tâm
của nhà đầu tư là chưa thực sự lớn, tuy nhiên diễn biến cũng sẽ tương tự
như VN-Index, mức tốt nhất được kỳ vọng sẽ rơi vào khoảng 90 điểm, và sau khi đạt đỉnh, chỉ số sẽ rơi vào chu kỳ điều chỉnh.
Tỷ trọng cổ phiếu phù hợp trong danh mục là khoảng 20-30%
Nhận định về các chính sách trong thị trường chứng
khoán bắt đầu có hiệu lực trong 6 tháng cuối năm, ông Minh khẳng định
việc thông tư 203 bắt đầu có hiệu lực thực sự có tác động lớn đến tâm lý
của nhà đầu tư. Đơn giản vì nhà đầu tư kỳ vọng quy định giao dịch trong
ngày sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng lên. Song song đó, các công ty
chứng khoán sẽ được hưởng lợi, vì vậy sóng trong thời gian qua được dẫn
dắt bởi nhóm cổ phiếu ngành Chứng khoán.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, nhà đầu tư chờ đợi quy định
giao dịch T0 có hiệu lực hơn là việc mua bán trong ngày. Bởi trước đây
việc mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày có thể được thực hiện
thông qua sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, bây giờ nhà đầu tư có thể
gộp lại và giao dịch trong cùng một tài khoản. Do đó, quy định về giao
dịch trong ngày thực sự chỉ có tác động tâm lý chứ không có tác động
mạnh đến giao dịch.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng mặc dù nền kinh
tế Việt Nam đến giữa năm vẫn chưa có gì đột biến nhưng cũng không có
tình trạng tiêu cực và MSCI cũng đánh giá Việt Nam là một đối tượng để
xem xét nâng hạng thị trường bởi nước ta vẫn là một điểm sáng an toàn để
đầu tư trong khi thị trường tài chính quốc tế đang có diễn biến khá
phức tạp. Ngoài ra, tỷ giá VNĐ sẽ có biến động nhưng biên độ sẽ thấp hơn
so với các đồng tiền trong khu vực, điển hình là đồng Bath của Thái
Lan. Nhìn chung các tác động này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường
chứng khoán Việt Nam, nhưng thị trường vẫn sẽ ổn định.
Hiện tại, Chính phủ đang khá gắt gao trong việc thắt
chặt chi tiêu không hợp lý do tài chính công đang gặp một số khó khăn.
Thế nhưng, Chính phủ vẫn cương quyết đi theo đường lối hỗ trợ và mở cửa,
kêu gọi đầu tư, đưa ra những chính sách rất mở để nhà đầu tư nước ngoài
được hưởng lợi khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, khối ngoại
đánh giá khá tích cực về thị trường trong nước, và họ vẫn sẽ giải ngân
trong thời gian tới nhưng tâm lý sẽ là thận trọng.
(Vietstock)
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán