- Điều gì đã khiến cổ phiếu penny đồng loạt “tăng bằng lần” chỉ trong thời gian ngắn?
- Lướt sóng chứng khoán ảnh hưởng đến “sức khỏe” tài chính?
Từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index có diễn
biến giằng co trong vùng 710 - 730 điểm. Trong khi giá các cổ phiếu vốn
hóa lớn có dấu hiệu chững lại và phân hóa sau giai đoạn tăng mạnh từ
đầu năm thì nhiều cổ phiếu thị giá thấp ghi nhận mức tăng đột biến cả về
giá và khối lượng giao dịch.
Trước khi lọt vào Top cổ phiếu có mức
sinh lời cao nhất trên 2 sàn niêm yết kể từ đầu tháng 4 đến nay (xem
bảng), có 11 mã có thị giá thấp hơn mệnh giá, trong đó đa số dưới mức
5.000 đồng/CP.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là QCG của
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, có chuỗi tăng giá trần kéo dài 13
phiên tính đến ngày 16/5, liên tục đóng cửa trong trạng thái dư mua giá
trần hàng triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu này đã tăng 2,4 lần trong
vòng 1 tháng sau thông tin QCG nhận 50 triệu USD từ Công ty cổ phần Đầu
tư Sunny Island (Sunny) để tất toán nợ vay với BIDV - Chi nhánh Quang
Trung. Đây là số tiền tạm ứng trong thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự
án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - dự án chiếm 50% giá trị tài sản
của QCG tại thời điểm cuối quý I/2017.
Từ sau những cơn sóng cổ phiếu bất động sản nhỏ cuối năm 2013, cổ phiếu kém chất lượng giữa năm 2014 đến nay, nhiều mã từng dậy sóng khi đó hiện vẫn ngập trong khó khăn, thậm chí buộc phải rời sàn, “đốt cháy” tài khoản không ít nhà đầu tư
Không chỉ nhiều cổ phiếu “nổi sóng” sau
giai đoạn giao dịch ảm đạm kéo dài hàng năm trước đó, mà có cả những mã
mới trải qua đợt giảm giá mạnh cuối năm 2016 vừa qua.
Đơn cử, cổ phiếu DHM của Công ty cổ phần
Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu giảm từ mức giá 14.800
đồng/CP xuống 4.340 đồng/CP (-70,6%) trong thời gian từ 14/11/2016 đến
16/1/2017. Hơn 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu DHM có diễn biến tăng
từ ngưỡng 5.000 đồng/CP lên 9.370 đồng/CP vào ngày 16/5.
Một số mã cổ phiếu nhỏ khác cũng tăng giá mạnh, nhưng không có mặt trong danh sách trên, do có diễn biến điều chỉnh sau đó.
Ví dụ, cổ phiếu TSC của Công ty cổ phần
Vật tư Kỹ thuật và Nông nghiệp Cần Thơ tăng giá từ 2.680 đồng/CP phiên
26/4 lên 3.850 đồng/CP phiên 9/5, tương ứng tăng 43,7% sau gần 2 tuần,
trước khi có 3 phiên điều chỉnh về mức 3.650 đồng/CP ngày 17/5. Khối
lượng giao dịch thường xuyên đạt 3 - 4 triệu đơn vị/phiên so với mức
bình quân khoảng 500.000 đơn vị/phiên trước đó.
Mã cổ phiếu
|
Sàn
|
Giá ngày 31/3
|
Giá ngày 16/5
|
Tăng
|
QCG | HOSE |
6.400
|
16.200
|
153,13%
|
NDF | HNX |
2.600
|
5.700
|
119,23%
|
LDG | HOSE |
9.160
|
19.000
|
107,42%
|
ALV | HNX |
3.400
|
7.000
|
105,88%
|
VID | HOSE |
4.300
|
8.650
|
101,16%
|
SGT | HOSE |
4.950
|
9.590
|
93,74%
|
DHM | HOSE |
5.050
|
9.370
|
85,54%
|
TV3 | HNX |
38.700
|
70.400
|
81,91%
|
VRC | HOSE |
17.900
|
31.000
|
73,18%
|
KTT | HNX |
4.100
|
7.000
|
70,73%
|
MCG | HOSE |
2.310
|
3.800
|
64,50%
|
HAP | HOSE |
3.470
|
5.390
|
55,33%
|
PDR | HOSE |
17.650
|
27.400
|
55,24%
|
BHS | HOSE |
12.250
|
18.600
|
51,84%
|
MIM | HNX |
2.700
|
4.000
|
48,15%
|
DCM | HOSE |
10.450
|
14.800
|
41,63%
|
SC5 | HOSE |
26.500
|
34.500
|
30,19%
|
Giao dịch sôi động tại nhiều cổ
phiếu thị giá thấp khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng sóng cổ phiếu đầu
cơ với cơ hội tăng giá tính bằng lần đang trở lại. Trên các diễn đàn
chứng khoán, topic giới thiệu về những cơ hội đầu tư cổ phiếu siêu lợi
nhuận, nhân đôi giá trị tài khoản, “đổi đời”… liên tục xuất hiện.
Với thị giá chỉ vài ba ngàn đồng, nhóm
cổ phiếu này tạo sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm, lướt
sóng. Bởi lẽ, so với vùng giá lịch sử, so với giá trị sổ sách, thị giá
của nhiều mã thấp hơn khá nhiều, chỉ cần cổ phiếu có mức tăng giá nhỏ
cũng sẽ mang lại tỷ suất sinh lời cao.
Tiềm ẩn rủi ro
Rất nhiều cổ phiếu thị giá thấp có diễn
biến giảm giá mạnh trước đó khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt
giảm. Do đó, sự hồi phục nhanh của giá cổ phiếu đi kèm với những chuyển
biến trong hoạt động, quản lý, điều hành, tình hình kinh doanh của doanh
nghiệp là diễn biến bình thường.
Tuy nhiên, tại không ít doanh nghiệp,
giá cổ phiếu tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh vẫn đang thua lỗ,
hoặc mức tăng giá vượt xa yếu tố tích cực mà doanh nghiệp ghi nhận.
Tại TSC, sức “nóng” của cổ phiếu bắt
nguồn từ thông tin Đại hội đồng cổ đông 2017 đã thông qua phương án để
Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (FIT) nâng tỷ lệ sở hữu từ 56,7% lên trên
80% cổ phiếu TSC mà không cần chào mua công khai. Ngoài ra, TSC đặt kế
hoạch đạt 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay, tăng mạnh so với
năm ngoái.
Mặc dù vậy, trên các diễn đàn mạng,
thông tin chủ yếu được kỳ vọng là giá cổ phiếu TSC sẽ được “đánh lên”
khi FIT mua thâu tóm doanh nghiệp hơn là kỳ vọng về sự cải thiện trong
kết quả kinh doanh.
Với nhóm cổ phiếu "nóng", “đánh” theo tin đồn, sau khi
giá tăng nhanh và mạnh thường điều chỉnh sâu, cần nhiều thời gian để có
thể hồi phục
Đáng chú ý, trước và trong khi đại hội được tổ chức vào đầu tháng 4/2017, dù các tờ trình và nghị quyết Hội đồng quản trị đã được công bố rộng rãi, giao dịch cổ phiếu TSC trên thị trường khá ảm đạm.
Bên cạnh đó, theo kết quả kinh doanh quý
I/2017 được công bố, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TSC lỗ 8,2 tỷ đồng
(cùng kỳ năm ngoái lãi 22 tỷ đồng), đây là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp.
Với QCG, việc chuyển nhượng dự án Phước
Kiển được kỳ vọng đem lại lợi nhuận lớn và cải thiện dòng tiền hoạt động
cho Công ty, nhưng thông tin duy nhất cho đến nay vẫn là việc nhận tạm
ứng tiền từ Sunny giúp thanh toán 1.629 tỷ đồng tiền vay với BIDV - Chi
nhánh Quang Trung trong quý I/2017.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan,
Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, việc đàm phán chuyển nhượng dự
án Phước Kiển đến nay chưa thực hiện vì QCG chưa đóng tiền sử dụng đất
và còn khoảng 10% diện tích dự án chưa hoàn thành đền bù giải tỏa.
Trước đó, trong tháng 10/2016, QCG đã ký
kết với Sunny biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng dự án Phước
Kiển. Tuy nhiên, sau đó, QCG và Sunny đã thanh lý biên bản do dự án chưa
đủ điều kiện chuyển nhượng.
Theo một số phân tích, nếu đàm phán
chuyển nhượng dự án Phước Kiển thành công thì năm 2017 cũng chỉ có thể
kỳ vọng chốt giao dịch giữa hai bên. Việc hoàn tất thủ tục cũng như nhận
tiền sẽ mất nhiều thời gian, trước mắt, QCG phải bỏ ra số tiền không
nhỏ để hoàn tất các thủ tục còn thiếu. Đây là yếu tố tiềm ẩn rủi ro với
những nhà đầu tư “đu” theo cổ phiếu QCG khi giá đã tăng mạnh.
Hay tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco
(HAP), giá cổ phiếu tăng 55,3% trong hơn 1 tháng gần đây, nhưng trái
ngược với diễn biến tích cực của giá cổ phiếu, báo cáo của HAP cho thấy,
sau khi lỗ trong quý IV/2016, kết quả kinh doanh quý I/2017 khá èo uột.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, HAP đạt lợi
nhuận sau thuế gần 2 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2016 bởi tình
trạng nguyên liệu khan hiếm ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và doanh
thu, trong khi giá vốn tăng cao.
Tại nhóm cổ phiếu cơ bản, bên cạnh dòng
tiền lướt sóng ngắn hạn còn có dòng tiền của những nhà đầu tư dài hạn
nên khi giá cổ phiếu giảm, hiện tượng bán tháo ồ ạt hiếm khi xảy ra và
giá khó giảm sâu vì dòng tiền bắt đáy giúp cung - cầu sớm gặp nhau.
Với nhóm cổ phiếu nóng, “đánh” theo tin
đồn, dòng tiền đầu cơ vào nhanh, nhưng rút ra cũng nhanh, trong khi dòng
tiền dài hạn, bắt đáy không nhiều nên giá cổ phiếu thường điều chỉnh
sâu và cần nhiều thời gian để có thể hồi phục.
Điều kiện để các cổ phiếu thị giá thấp
“nổi sóng” khá dễ bởi giá trị thấp, cả triệu cổ phiếu có khi chỉ vài ba
tỷ đồng, “chất lệnh mua” vài ba triệu đơn vị không quá khó khi có nhóm
nhà đầu tư lớn tham gia. Tăng giá nhanh và dễ, nhưng khi dòng tiền lớn
rút lui, lực cầu sụt giảm, nhà đầu tư đua nhau bán để thu hồi vốn.
Trong khi đó, dòng tiền vào cổ phiếu
“nóng” thường đi kèm sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao, trường
hợp giá điều chỉnh giảm, áp lực giải chấp càng khiến nguồn cung tăng
cao. Cuối cùng, thành quả tích lũy bị cuốn trôi nhanh chóng khi “bong
bóng” vỡ. Những nhà đầu tư đua theo sóng thường thiệt hại nặng nề, lục
lọi khắp các diễn đàn cũng không thấy thông tin tiêu cực, họ đặt câu hỏi
chuyện gì đang diễn ra, sao không có thông tin xấu mà giá lại giảm sâu,
mà quên mất rằng, trước đó giá đã tăng quá xa giá trị thực.
Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu phản ánh
hiện trạng và triển vọng của đoanh nghiệp, giá thấp chưa chắc đã rẻ, giá
cao chưa chắc đã đắt, nhưng bất cứ thay đổi nào trong nền tảng cơ bản
đều cần thời gian, khó có thể thay đổi chỉ sau một vài ngày.
Từ sau những cơn sóng cổ phiếu bất động
sản nhỏ cuối năm 2013, cổ phiếu kém chất lượng giữa năm 2014 đến nay,
nhiều mã từng dậy sóng khi đó hiện vẫn ngập trong khó khăn, thậm chí
buộc phải rời sàn, “đốt cháy” tài khoản không ít nhà đầu tư.
Với những cổ phiếu “nóng” hiện tại, nhà
đầu tư có thể chấp nhận rủi ro cao để có cơ hội đạt lợi nhuận lớn. Tuy
nhiên, cổ phiếu của những doanh nghiệp chưa thực sự có chuyển biến rõ
ràng, nội tại còn nhiều yếu kém, nhà đầu tư cần tỉnh táo để rút ra đúng
lúc, bảo vệ tài sản của mình không bị nhấn chìm trong những cơn sóng
“bạo phát, bạo tàn” trên thị trường chứng khoán.
ĐTCK