Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Cơ chế mới cho market maker

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có văn bản lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC). Theo đó, một trong những điểm mới của dự thảo quy chế này là cho phép "thành viên có đăng ký nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được phép mua và bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày giao dịch".
 Các CTCK đã có điều kiện để thực hiện chức năng nhà tạo lập thị trường trên UPCoM.

Điểm mới…
Một trong những khái niệm mới đã xuất hiện trong dự thảo Quy chế Tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại HASTC là "cam kết hỗ trợ". Theo khoản 4 Điều 2 của Quy chế, cam kết hỗ trợ là việc thành viên cam kết và thực hiện cam kết với công ty đại chúng trong việc thay mặt công ty đại chúng thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán vào hệ thống giao dịch của Trung tâm GDCK và cam kết hỗ trợ tổ chức đăng ký giao dịch trong việc thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong Quy chế đã ban hành ngày 20/11/2008 thì CTCK nếu không phải là thành viên cam kết hỗ trợ thì chỉ thực hiện chức năng môi giới giao dịch chứng khoán. Quy chế cũ cũng không cho phép NĐT nói chung được thực hiện mua/bán cùng một loại chứng khoán trong phiên. Trong dự thảo mới, các NĐT nói chung vẫn không được thực hiện mua/bán cổ phiếu trong cùng một phiên, nhưng các CTCK có nghiệp vụ tự doanh sẽ được mua/bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên. Đây chính là tiền đề quan trọng tạo nên tính thanh khoản cho thị trường và tạo cơ chế để các CTCK thực hiện chức năng mới: nhà tạo lập thị trường.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Quy chế cũng sửa đổi Điều 9 quy chế cũ, từ quy định về "Thủ tục đăng ký giao dịch và hủy bỏ đăng ký giao dịch" chuyển thành "Thời hạn đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch". Theo đó, thời hạn đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán của các DN đã đăng ký công ty đại chúng với UBCK, thay vì giới hạn ở mức không quá 6 tháng kể từ ngày đăng ký công ty đại chúng với UBCK như trước đây, được sửa thành "theo hướng dẫn của UBCK".
và những khúc mắc
Với việc thông thoáng hơn trong quy định về giao dịch mua/bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên của thành viên có đăng ký nghiệp vụ tự doanh, cơ quan quản lý đã tạo một cơ chế mới, giúp tăng khả năng thanh khoản cho thị trường UPCoM. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nó tạo điều kiện để các CTCK dần tiến đến vai trò nhà tạo lập thị trường, khi sẵn sàng mua/bán chứng khoán trong phiên nếu giá chứng khoán tăng/giảm mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, do quy định này áp dụng chỉ cho áp dụng thành viên có nghiệp vụ tự doanh, tức là tất cả các CTCK thành viên có thể kinh doanh chứng khoán đều có thể có đặc quyền này. Như vậy, liệu có "thiệt thòi" với các NĐT khác khi chỉ CTCK mới có thể giao dịch trong phiên cùng một loại chứng khoán? Chưa kể, cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết khi chưa đăng ký tập trung, NĐT hoàn toàn có thể giao dịch trong ngày, thậm chí có thể giao dịch bắc cầu, nay bị giới hạn về giao dịch? Do đó, nếu dự thảo quy chế này thông thoáng hơn với không chỉ các thành viên mà với tất cả các NĐT thì có thể UPCoM sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn.

Một nội dung sửa đổi của dự thảo Quy chế, như đã nói ở trên chính là việc yêu cầu các công ty đã đăng ký công ty đại chúng với UBCK phải tiến hành đăng ký, lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký theo hướng dẫn của UBCK. So với quy định cũ, quy định này có vẻ "linh hoạt hơn", vì không giới hạn thời gian phải lưu ký sau khi đăng ký công ty đại chúng. Tuy nhiên, việc đưa ra quy định trên liệu có tạo tâm lý chờ đợi và ỷ nại vào "hướng dẫn" của cơ quan quản lý. Trên thực tế, với quy định cũ, các công ty đại chúng hoàn toàn có thể thông qua một đơn vị tư vấn hoặc trực tiếp liên hệ với Trung tâm Lưu ký để hoàn tất thủ tục lưu ký. Việc quy định các công ty đại chúng đăng ký lưu ký tập trung theo hướng dẫn của UBCK, ngoài lợi ích của việc mang tính đốc thúc và điều phối lưu ký tập trung (có tác dụng trong trường hợp năng lực lưu ký của Trung tâm Lưu ký bị giới hạn) thì không hẳn đã là sự thuận lợi đối với các DN. Đặc biệt là khi cơ quan quản lý đã có một công cụ khác để điều tiết việc này là chế tài xử phạt theo Nghị định 36/2007/NĐ-CP.



ĐTCK

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?