Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Những nhà đầu tư mặc đồ ngủ và 1001 điều kỳ lạ trên TTCK Trung Quốc

Đối với những quỹ hưu trí và các nhà đầu tư định chế vẫn theo dõi sát sao các chỉ số cơ bản của MSCI, có thể họ sẽ gặp phải cú sốc về văn hóa. 

Xiao Xing rất thích vừa ngồi trên giường vừa giao dịch cổ phiếu.

Đang làm việc trong ngành truyền thông ở Bắc Kinh, cô thường vẫn đang mặc đồ ngủ khi sàn chứng khoán Thượng Hải bắt đầu mở cửa giao dịch. Xiao Xing bắt đầu ngày mới bằng việc truy cập các tài khoản mạng xã hội của những người được coi là "big boy" trên thị trường, săn lùng các tin đồn với hi vọng có thể tìm ra những gợi ý hôm nay nên mua hay bán cổ phiếu nào. 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có quy mô lớn thứ hai thế giới, nhưng hàng thập kỷ vẫn duy trì rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài tạo nên 1 thế giới giao dịch độc nhất vô nhị mà ở đó các nhà đầu tư nghiệp dư như Xiao chiếm đa số. Từ hôm nay (1/6), các nhà đầu tư ngoại bắt đầu được tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường trị giá 7.400 tỷ USD này. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 cổ phiếu Trung Quốc được MSCI bổ sung vào rổ chỉ số thị trường mới nổi. 

Đối với những quỹ hưu trí và các nhà đầu tư định chế vẫn theo dõi sát sao các chỉ số cơ bản của MSCI, có thể họ sẽ gặp phải cú sốc về văn hóa. 

Các nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm tỷ trọng 16% trên TTCK Mỹ, nhưng con số ở Trung Quốc lên tới khoảng 80%. Và nếu ở thị trường Mỹ các yếu tố cơ bản đóng vai trò quan trọng hơn, lực lượng đông đảo các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc đồng nghĩa các phương pháp lựa chọn cổ phiếu truyền thống sẽ đem lại ít hiệu quả hơn. 

Ở Trung Quốc, tên gọi của cổ phiếu có thể mang ý nghĩa quan trọng. Hồi đầu năm nay, khi Trung Quốc quyết định dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước đồng nghĩa ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền lâu hơn, các cổ phiếu mà trong tên gọi có các từ mang nghĩa "nhà vua", "hoàng đế" được nhà đầu tư săn lùng ráo riết. Các quy tắc về phong thủy và số học cũng thường xuyên được áp dụng để chọn cổ phiếu. 

Xiao (33 tuổi) đầu tư hơn 100.000 nhân dân tệ (tương đương 15.600 USD) vào cổ phiếu. Cô không dành quá nhiều thời gian để đọc các số liệu tài chính, cho rằng ở Trung Quốc làm như vậy là "lãng phí thời gian". Mặc dù Xiao không tiết lộ mình lãi hay lỗ, cô cho biết có thể tìm thấy tất cả những gì cần thiết từ mạng xã hội, các thông báo của doanh nghiệp và một vài báo cáo phân tích do các ngân hàng thực hiện. 

Các ứng dụng nhắn tin như WeChat và QQ rất phổ biến trong cộng đồng tài chính Trung Quốc. Các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu sử dụng chúng để phân phối báo cáo phân tích hay thậm chí là để đặt lệnh giao dịch. 

Một trong những tài khoản mà Xiao theo dõi có tên dịch ra là "ông chủ của Lujiazui" (Lujiazui là quận trung tâm tài chính của Thượng Hải). Trong phần giới thiệu trên WeChat cho biết đây là nơi "ông trùm" cập nhật các bài viết về cơ hội đầu tư, những "thông tin độc quyền" và những câu chuyện phiếm. 

Xiao nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chấp nhận sự kỳ lạ của TTCK Trung Quốc, nhưng cô cũng kỳ vọng sự kiện được MSCI thêm vào rổ thị trường mới nổi sẽ khiến thị trường này tập trung nhiều hơn vào các yếu tố cơ bản và đầu tư giá trị. Các nhà đầu tư non nớt đổ xô đi đầu tư chứng khoán và vay mượn kỷ lục chính là nguyên nhân khiến thị trường Trung Quốc phát triển quá nóng để rồi vỡ tan hồi năm 2015, khi 5.000 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay chỉ trong vài tháng. 

"Các nhà đầu tư Trung Quốc có thể đột nhiên mất trí, khiến thị trường biến động rất mạnh và có thể chuyển từ trạng thái con bò sang con gấu chỉ trong 1 ngày", Xiao nói. "Có nhiều nhà đầu tư ngoại chuyên nghiệp tham gia vào thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư nội tập trung nhiều hơn vào giá trị của các công ty, nhưng sẽ phải mất 1 thời gian dài nữa điều đó mới có thể xảy ra". 

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?