Góp mặt trong một sự kiện mới đây tại TP HCM, dù ở tuổi 45 - Andy Ong,
một trong những triệu phú nổi tiếng của Singapore vẫn toát lên vẻ trẻ
trung với mái tóc rất sành điệu. Nhìn ông tràn trề nhiệt huyết của một
con người “3 trong một”: nhà báo, giảng viên kiêm doanh nhân.
6 tuổi, gia đình Ong bị bố bỏ rơi, mẹ ông đơn thân nuôi 5 người con
trong hoàn cảnh nghèo khó. Kể từ khi 15 tuổi, ông đã phải đi làm phụ
bếp, rửa chén cho nhà hàng để có tiền đi học cho tới tận lúc ra trường.
Khi đi ngang qua những tòa nhà chọc trời, ông buột miệng: “Thật tuyệt
nếu mình có một tòa nhà như thế”. Ong luôn khao khát trở nên giàu có.
Nghe lời mẹ dạy “nếu muốn giàu thì con phải học hành và làm việc thật
chăm chỉ”, ông thực hiện điều đó cần mẫn mỗi ngày và mong chờ thầy giáo
dạy cho cách làm giàu. Cho đến khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia
Singapore, ông sợ hãi và tự hỏi “Chỉ vậy thôi đó à?”.
Andy Ong là một trong 10 triệu phú trẻ tuổi tay trắng làm nên tại
Singapore, tác giả của nhiều cuốn sách kinh tế bán chạy nhất này sở hữu
doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, nhà hàng, khách sạn, bất
động sản... ở Đông Nam Á với doanh thu hơn 100 triệu USD/năm.
|
Ong nhận ra những kiến thức từ sách vở là không đủ, muốn giàu có thì
phải học thực tế từ những người có tài sản lớn. Ông suy nghĩ: “Muốn tiếp
cận những người giàu như vậy thì có một ngành nghề thích hợp là làm
phóng viên chuyên viết về những doanh nhân thành đạt”.
Sau đó, ông trở thành quản lý biên tập của một tạp chí kinh tế sau 8
lần được tiến cử thăng chức. Khi khủng hoảng kinh tế năm 1997 xảy ra,
ông chủ sợ Andy Ong thay thế vị trí của mình nên đã sa thải ông.
“Tôi cảm thấy vô cùng kinh khủng, nhưng cũng phải tự trấn an: 'Một là
chìm hai là bơi’ nên quyết định tự thành lập doanh nghiệp riêng. Tôi đúc
kết được hai điều: Làm sao sử dụng kiến thức, hiểu biết của mình để làm
ra tiền và phải có kiến thức về đầu tư để tiền kiếm được sinh sôi, nảy
nở ”, ông nói.
Với 10.000 USD tiền tiết kiệm và 20.000 USD vay vốn ngân hàng, ông
thành lập Tạp chí Kế hoạch tài chính châu Á chỉ với 2 thành viên. "Tôi
tự mình đi bán quảng cáo với danh sách liên lạc, mối quan hệ trong lĩnh
vực tài chính đã tạo dựng được. Tôi cảm thấy thật khó để tồn tại nếu chỉ
trông chờ vào quảng cáo, nên đã mở thêm các hoạt động tổ chức sự kiện
về hội thảo kinh tế, hay sự kiện xuất bản sách”, Ong chia sẻ.
Tạp chí chia nhân sự quản lý thành nhiều nhóm kết hợp cùng đội ngũ làm
bán thời gian để phát triển theo đường hướng đã vạch ra. Chỉ trong vòng 5
năm, doanh thu công ty của Ong từ vài trăm nghìn đã tăng lên vài triệu
USD. Năm 2003, ông bán nó cho một công ty Mỹ.
Andy Ong chia sẻ niềm đam mê lớn
nhất của mình là bất động sản. Ông đầu tư bằng cách mua những cửa hàng
buôn bán trên những con phố sầm uất. Năm 2002, ông mua một cửa hàng trên đường Club giá 2,2 triệu USD và sau này bán lại với giá gần 6 triệu USD.
Casey Tan, trợ lý của Andy Ong kể về một phi vụ kiếm tiền “đau tim” của
ông chủ: Ong đã quyết đoán mua một tòa nhà cũ hơn 40 triệu USD và đặt
cọc trước một triệu USD. Ông trấn an nhân viên của mình “hãy chờ, và
chúng ta không cần làm gì cả”. Sau 4 tiếng đặt cọc, ông Andy bán lại tòa
nhà đó với giá cao ngất ngưởng và lãi hơn 30 triệu USD chỉ trong một
buổi sáng.
“Bạn phải điên một chút để thành công trong thế giới hỗn loạn này. Mỗi
lĩnh vực mới đều có sự hấp dẫn thú vị. Trong con mắt những người tìm
kiếm cơ hội thì khủng hoảng kinh tế là thời cơ rất tốt. Kinh tế thăng
trầm không kiểm soát được, sự khác biệt là ta có kiếm tìm được cơ hội,
mua được những doanh nghiệp tiềm năng với giá thấp hơn hay không”, Ong
chia sẻ và còn nhấn mạnh thêm rằng thời điểm tốt nhất để một người khởi
nghiệp là khi đang có một công việc ổn định.
Năm 2002, Singapore có xu hướng mở trường để thu hút nhân tài. Hội đồng
phát triển kinh tế đã hỗ trợ quỹ cho Ong mở trường học. Ông vận động
đối tác để có một triệu USD thành lập học viện ERC (Entrepreneur
Resource Centre) vào năm 2003 và bỏ ra 5 triệu USD cải tiến trường tiểu
học River Valley thành một khuôn viên cho 1.600 học viên.
Ông nhận thấy rằng khi kinh tế khủng hoảng, không có nhiều việc làm sẽ
phát sinh nhu cầu học nhiều hơn. Bên cạnh đó, những đối tượng có việc
làm cũng muốn tri thức cao hơn để giữ vị trí của mình. Từ nhu cầu của
thị trường, Andy Ong kiên trì khởi nghiệp và được thị trường đón nhận.
Thành lập ERC, Andy Org đặt ra mục tiêu là đào tạo doanh nhân, nên những
hoạt động kinh doanh của sinh viên được khuyến khích rất nhiều.
“Có 3 dạng người ở trên thế giới: Người luôn tìm kiếm khả năng, đam mê
bản thân để tạo ra cơ hội cho bản thân; nhóm thứ 2 là người nhìn thấy cơ
hội nhưng cứ đứng đó suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ... Ba năm sau nhìn
lại họ mới tiếc 'phải chi lúc đó mình làm được như vậy’". Nhóm thứ 3 lớn
lên nhìn xung quanh mà không hề nhận biết được những chuyển biến, cơ
hội xung quanh. Điều đó là lí do khiến tôi bước vào lĩnh vực giáo dục
để giúp nhiều người hiểu được bản thân, nắm bắt cơ hội để thành công”,
Ong giãi bày.
Chưa hết, Ong đã chi 103 triệu USD mua lại tòa nhà trung tâm Prime của
Tập đoàn Hong Leong và đổi mới tòa nhà này thành một trung tâm giáo dục
đồng thời là một khách sạn cao cấp. Tháng 4/2013, ERC hoàn thành xây
dựng khách sạn Big với 302 phòng lý tưởng cho giới doanh nhân ngay giữa
trung tâm thành phố của Singapore.
"Trong các chuyến công tác của mình, những gì tôi cần là một chiếc
giường ấm gối êm, TV màn hình lớn và một phòng tắm thoải mái, sạch sẽ".
Andy Ong cho rằng kiểu cách của một khách sạn 5 sao sang trọng đôi khi
không cần thiết và có lẽ là một khoản lãng phí đối với các doanh nhân
như ông. Ông tiếp lời: "Trong khi đó, phòng của chúng tôi chỉ tốn chi
phí bằng một nửa so với các khách sạn 5 sao khác, nhưng lại có thêm dịch
vụ chiếu phim miễn phí”. Trong tương lai, Ong dự định sẽ nhân rộng mô
hình này ở các nước Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Đây cũng sẽ là
cách tạo cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên của ERC sau khi tốt
nghiệp.
Ngoài ra, Ong tận dụng mối quan hệ từ những doanh nhân thành đạt như
Douglas Foo (chủ chuỗi cửa hàng Sakae Sushi), Kenny Yap (chủ trại cá
cảnh Qian Hu)... để giúp học viên học hỏi kiến thức kinh doanh thực
tiễn.
Ong nhìn nhận có quá nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Bản thân ông sau
khi tốt nghiệp đại học, với 200 USD tiền tiết kiệm, đã đến Việt Nam "đi
phượt" từ Bắc chí Nam. "Tôi rất yêu đất nước này, chỉ tiếc vì là người
nước ngoài nên có những lĩnh vực tôi chưa được phép đầu tư. 20 năm nữa
kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại vì dân số già đi, Việt Nam là một nước
phát triển nên còn nhiều cơ hội và thời gian. Người Việt thật sự chưa
biết nắm bắt cơ hội, nhiều lần tôi tự hỏi ‘Những người Việt Nam đang làm
gì trong thời gian rảnh của họ vậy'?”, Ong nói.
Vnexpress