HỎI:
Xin cho tôi biết, tại sao khi phân tích chứng khoán thường phải phân
tích về ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay, trên TTCK Việt
Nam có những cách phân ngành như thế nào?
ĐÁP: Trên
TTCK, việc phân ngành là một thông lệ không thể thiếu khi phân tích
chứng khoán theo phương pháp phân tích cơ bản. Trong đó, nhà phân tích
luôn xem xét doanh nghiệp trong tổng thể kinh tế vĩ mô, thị trường tài
chính, đặc điểm, tính chất và khả năng phát triển của ngành mà doanh
nghiệp đang kinh doanh. Từ đó, rút ra các đánh giá về doanh nghiệp trong
tương quan với các doanh nghiệp khác cùng ngành và với các ngành khác.
Trên thế giới hiện nay, tồn tại rất nhiều hệ thống phân ngành ở cấp độ
quốc gia và quốc tế. Những tiêu chuẩn phân ngành điển hình đang được ứng
dụng một cách rộng rãi trên thế giới gồm: ISIC (International Standard
Industrial Classification of All Economic Activities) do Liên hợp quốc
xây dựng; SIC (Standard Industrial Classification) và NAICS (North
American Industry Classification System) do Mỹ xây dựng; ICB (Industry
Classification Benchmark) do FTSE Group và DowJone xây dựng; GICS
(Global Industry Classification Standard) do Morgan Stanley và Standard
& Poor's xây dựng. Xin nhấn mạnh tới tiêu chuẩn phân ngành phổ biến
nhất hiện nay là ICB. ICB phân chia các ngành kinh tế quốc dân thành 4
cấp gồm: 10 nhóm ngành (Industries), 19 phân ngành lớn (Super sectors),
41 phân ngành chính (Sectors), 114 phân ngành phụ (Sub sectors). Các
nhóm ngành được xây dựng trong ICB bao gồm: Dầu khí, nguyên vật liệu,
công nghiệp, hàng tiêu dùng, y tế, dịch vụ tiêu dùng, viễn thông, dịch
vụ tiện ích và tài chính. ICB được xây dựng dựa trên việc theo dõi, giám
sát hoạt động của trên 60.000 doanh nghiệp và trên 65.000 loại chứng
khoán. Các sở giao dịch chứng khoán lớn của thế giới như Euronext, LSE,
NASDAQ và NYSE luôn cập nhật hàng ngày các dữ liệu từ ICB để giúp cho
các nhà đầu trên khắp thế giới theo dõi được sự biến động của thị trường
chứng khoán.
Tại
Việt Nam VSIC 2007 (Hệ thống ngành kinh tế quốc dân) đang được chính
thức áp dụng. Hệ thống VSIC 2007 gồm 21 ngành cấp 1, 88 ngành cấp 2, 242
ngành cấp 3, 437 ngành cấp 4 và 642 ngành cấp 5. Các ngành cấp 1 trong
VSIC 2007 gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng, công
nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện - khí đốt - nước nóng
- hơi nước - điều hòa không khí, cung cấp nước - hoạt động quản lý xử
lý khí rác thải- nước thải, xây dựng, bán buôn - bán lẻ - sửa chữa ô tô -
mô tô - xe máy - xe có động cơ khác, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú
và ăn uống, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính - ngân hàng -
bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn -
khoa học - công nghệ, hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ, hoạt động
của Đảng cộng sản - tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh
quốc phòng - bảo đảm xã hội bắt buộc, giáo dục đào tạo, y tế - hoạt động
trợ giúp xã hội, nghệ thuật - vui chơi - giải trí, hoạt động dịch vụ
khác, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình - sản xuất
sản phẩm vật chất - dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình, hoạt động của
các tổ chức và cơ quan quốc tế.
Tuy đã có các hệ thống phân ngành VSIC từ lâu, nhưng hiện nay trên TTCK
Việt Nam, vẫn chưa có một tổ chức chính thức nào của Chính phủ thực
hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp niêm yết vào các nhóm phân ngành cụ
thể. Hoạt động này mới chỉ được thực hiện tại một số các công ty chứng
khoán và quỹ đầu tư. Do áp dụng các tiêu chuẩn không thống nhất đa phần
dựa trên ICB, GICS hoặc NAICS, nên cách thức sắp xếp doanh nghiệp của
các công ty kể trên không giống nhau dẫn đến việc đưa ra các chỉ số tài
chính của ngành rất khác biệt, tạo ra sự khó hiểu cho nhà đầu tư./
UBCKNN