Theo đó, Tiến sĩ Toán học Phan Phương Đạt gọi Nguyễn Hà Đông là một "nghệ sỹ đích thực," anh khẳng định: Nguyễn Hà Đông là một nghệ sỹ, nghệ sỹ ở đây là trong nghệ thuật thị giác (visual arts). Và không phải lập trình viên!
Lập luận của Tiến sĩ Toán học về "Nghệ sỹ Nguyễn Hà Đông" được dựa trên 6 biểu hiện chính
1. Lập trình chỉ là phương tiện để sáng tác
Gọi Hà Đông là lập trình viên cũng đúng nhưng không trúng. Các game xuất sắc đều là các tác phẩm nghệ thuật, tất nhiên không phải game nào cũng vậy. Điều này cũng thể hiện trong nhận định “nhân vật trong game phải có cá tính, thể hiện qua tương tác chứ không bằng lời” của Hà Đông. Nếu nghĩ đến một chương trình phần mềm thuần túy, chắc ít ai nghĩ về một “nhân vật.”
Hà Đông sử dụng các công cụ lập trình cũng như họa sỹ sử dụng các chất liệu và dụng cụ mà thôi. Nhà điêu khắc có thể làm đồ gỗ, nhưng không gọi là thợ mộc. Khi được hỏi về “nhà lập trình game,” anh sửa lại thành “nhà làm game.”
2. “Tin vào bản thân, không tin vào người dùng”
Hà Đông đã nói như vậy và điều đó chứng tỏ anh là nghệ sỹ đích thực, hiểu theo nghĩa là đi theo đam mê, theo cảm xúc của mình chứ không chạy theo trào lưu, không hướng đến xì căng đan để PR. Các nghệ sỹ vĩ đại đều như vậy. Tolstoy nói: “nghệ thuật là truyền đạt cảm xúc”.
Bị cáo buộc “đánh cắp của Nintendo,” Hà Đông bình thản trả lời “em không làm sai, cáo buộc sẽ tự tan,” và thực tế đúng như vậy. Picasso nói “họa sỹ bình thường thì sao chép, họa sỹ vĩ đại thì 'ăn cắp” – người họa sỹ lớn biết “ăn cắp” được cái tinh hoa của những người đi trước và biến nó thành của mình, có nét riêng của mình, chứ không đi sao chép. Phần mình, anh cũng không quan tâm việc sản phẩm của mình bị sao chép.
Game Flappy Bird - hiện tượng của làng game năm 2014
3. Để tác phẩm lên tiếng
Nghệ sỹ đích thực lao động sáng tác chứ không nhiều lời, không giải thích tại sao tác phẩm lại thành công. Tài năng giúp nghệ sỹ cảm được, nhưng để thể hiện được thì phải có tay nghề cao. Và muốn tay nghề cao thì phải lao động.
Hà Đông không phí thời gian để nói, anh dành thời gian để lao động sáng tạo. Người ngoài không nhìn thấy (không nghe thấy), nên nghĩ là “một phát phất lên luôn”. Anh đã phải giải thích để phủ định, và chắc cũng làm nhiều bạn trẻ vỡ mộng “phất nhanh” đang rất phổ biến ở Việt Nam.
4. Không giao tiếp với “cộng đồng” không có ích
Hà Đông thú nhận “không giao tiếp nhiều với các nhà làm game Việt Nam.” Tôi có biết anh giao tiếp với một số nhà làm game nước ngoài. Anh toàn cầu hóa 100%, không quan tâm đến việc mình đang ở nước nào. Người nghệ sỹ tìm đến những người mình có thể học hỏi được ở bất kỳ đâu, chứ không phải những người ở gần.
5. Làm ít tác phẩm và chỉ đưa ra các tác phẩm hoàn hảo
Nghệ sỹ đích thực rất khắt khe với bản thân. Picasso nói: “tôi không tìm kiếm, tôi tìm ra.” (I do not search, I find). Họ không nói gì về quá trình tìm tòi thường rất tốn công sức của mình, mà chỉ đưa ra kết quả cuối cùng.
6. Không quan tâm đang thành công hay thất bại
Hà Đông nói “không quan tâm đang thành công hay thất bại,” điều đó chứng minh rằng anh chỉ theo đuổi đam mê của mình. Anh không hướng đến sự nổi tiếng, có lẽ giống Pasternak khi ông viết “Sống cốt để nổi danh là không đẹp/ Ai cao lên vì một chút danh hờ?”
Khi được hỏi về các sản phẩm tiếp theo “có đỡ chán hơn”, anh chỉ nói: “tương lai sẽ trả lời”.
Sau cùng, "cậu bé Vàng” của toán học Việt Nam một thời với hai huy chương Olympic Toán quốc tế trong 2 năm liên tiếp và được 3 đời Thủ tướng tặng bằng khen, Tiến sĩ toán học Phan Phương Đạt đã có một cái kết hóm hỉnh: Nếu Hà Đông là họa sỹ hay nhà điêu khắc thì tôi sẽ cố gắng đi sưu tầm một số tác phẩm của anh, nhiều khả năng sẽ rất có giá về sau. Nhưng anh lại là nhà làm game thì không biết nên sưu tầm gì bây giờ?
Theo Vietnamplus