Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Bỏ việc ngân hàng đi bán bánh mì ở London

Vân Trần, sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford, đã bỏ việc tại một ngân hàng danh tiếng ở London để mở chuỗi nhà hàng bánh mì đặc trưng Việt Nam.

Lúc ở Hà Nội, sáng sớm nào Vân cũng cùng mẹ đi chợ. Khi du học tại Anh, có dịp đến thăm khu chợ Broadway nổi tiếng về ẩm thực ở phía đông London, Vân cảm nhận được sự thân thương và quen thuộc của một phiên chợ Việt Nam. “Mọi thứ ngoài chợ đều rất tươi ngon, có nhiều gian hàng bán đủ loại món ăn, nhưng tuyệt nhiên không có đồ ăn Việt Nam. Vậy là tôi nảy ra ý định kinh doanh", Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, thật khó chọn ra món ngon nhất của Việt Nam để trở thành thế mạnh vì phở dường như đã quá phổ biến ở các khu người Việt trên toàn thế giới. Sau khi suy tính, cô gái trẻ quyết định chọn bánh mì vì nó là "một ổ bánh hài hoà với vẻ ngoài rất Tây, bên trong rất ta”.
Vân Trần đã bỏ việc ngân hàng danh giá ở London để kinh doanh bánh mì.
Năm 2008, Vân cùng người bạn đồng sáng lập Thùy Anh nghiên cứu và tiếp cận khẩu vị người dân địa phương với một gian hàng nhỏ bán bánh mì tại khu chợ Broadway. Trong 3 năm, họ làm bánh mì ở nhà và dùng xe đạp chở tới chợ phiên vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Để quyết tâm dồn hết tâm sức cho dự án của mình, khi đang làm việc cho một ngân hàng danh tiếng ở London, Vân vẫn quyết định từ bỏ.

“Chuyển đổi từ một nhân viên ngân hàng sang làm riêng trong ngành ẩm thực là sự thay đổi một trời một vực. Từ một công việc khá an toàn với rất ít sự cố, hàng ngày  đi làm vào 9h sáng và ngồi trước máy tính, tới một môi trường mà mình phải làm chủ tất cả những quyết định của mình và không có ai chỉ đường vạch lối”, Vân chia sẻ.

Năm 2011, hai cô bạn người Việt đã khai trương cửa hàng bánh mì Việt Nam đầu tiên tại London mang tên Bánh mì 11 và đến nay đã mở rộng với chuỗi 3 cửa hàng  và một nhà hàng mang tên Bếp Haus ở London. Ngoài ra, Vân còn có dịch vụ cung cấp thức ăn cho các sự kiện với sản phẩm Việt Nam như gia vị, các loại nước sốt, café, chocolate…

Khoảng thời gian đầu gây dựng cửa hàng Bánh mì 11, nữ cử nhân Đại học Oxford cho biết gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc nghiên cứu, thử nghiệm công thức món ăn sao cho không làm mất đi khẩu vị đậm đà của đồ ăn Việt mà vẫn làm hài lòng vị giác của khách Tây. Thứ hai là tìm vị trí cửa hàng thuận lợi trong khi mặt bằng ở London đắt đỏ và thị trường cạnh tranh cao. Tiếp đó là phục vụ làm sao để  những khách hàng London khó tính hài lòng. Cuối cùng, Vân tuyển nhân viên không giới hạn quốc tịch, vùng miền và chú trọng vào huấn luyện họ hiểu rõ nguồn gốc đồ ăn Việt, văn hóa Á Đông.

"Một cô nhân viên người gốc Đan Mạch thắc mắc với tôi vì sao đồ ăn Việt Nam cái gì cũng phải cắt nhỏ. Khi đó tôi cười ồ lên giải thích vì thói quen người Việt khi ăn  không dùng dao, nĩa mà dùng đũa. Nên đa phần thức ăn đều được cắt nhỏ vừa ăn để dễ gắp", Vân kể.

Nhưng hành trình chinh phục thực khách London không đơn giản vì tiêu chuẩn của họ rất cao. Chính vì thế, Vân phải chăm chút mọi thứ thật chỉn chu trong mọi quy trình. Cô đã phải bỏ công về Việt Nam đến tận làng nghề gốm truyền thống đặt từng chiếc bát cho món phở, hay từng chiếc đĩa cho món bánh mì. Để có đồng phục ưng ý, Vân chọn lựa nhà cung cấp vải phù hợp, chất lượng tốt và nhìn vệ sinh nhất.

“Vệ sinh là tiêu chuẩn hàng đầu. Chúng tôi không phục vụ các món chiên xào hay nhiều dầu mỡ. Sản phẩm phải tự nhiên, được sản xuất với quy trình khép kín. Kế tiếp là phục vụ chuyên nghiệp. Người London luôn bận rộn, hối hả nên chỉ có 20-30 phút  cho bữa trưa. Chính vì thế để bớt nhàm chán với những đồ ăn nhanh của Tây, họ tìm đến các nhà hàng đặc sản để thay đổi khẩu vị, đồng nghĩa với việc phục vụ phải nhanh và chuẩn xác”, Vân khẳng định.
2-final_1419041081.jpg
Bánh mì  Việt Nam là món ăn được nhiều thực khách quốc tế yêu thích.

Chọn hướng đi với mục tiêu khách hàng là người London, Vân nghiên cứu kỹ địa điểm và không chọn mặt bằng trong khu người Việt hay nhà hàng Việt Nam, mà chọn khu Old Street, Elm Street, Bank…- những con đường có nhiều nhân viên văn phòng qua lại.

Hiện sản phẩm bán chạy nhất của cửa hàng là bánh mì nóng giòn với sản lượng hàng trăm cái, giá 5-6 bảng Anh (gần 200.000 đồng một ổ). Bên cạnh đó, những món ăn với đồ nóng như cơm, bún được thực khách rất yêu thích. Mỗi năm sản lượng bán ra tăng 300%. Vì khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng nên thời điểm buổi trưa quán bận rộn nhất. Trong tuần thì thứ Năm, thứ Sáu là đông khách hơn cả vì thời điểm đó, người dân  từ mọi nơi ở London kéo đến khu phố như Old Street để đi chơi, ăn uống, gặp gỡ.

“Đa phần đồ ăn Việt khi sang nước người đều bị 'lai', nhưng tôi muốn giữ hương vị chính thống. Bánh mì Việt Nam khác hẳn với những loại sandwich khác. Chỉ một ổ bánh nhưng bao hàm nhiều hương vị của một bữa cơm Việt như thịt nướng, dưa leo, cà rốt, chua ngọt, ngò rí thơm, ớt cay, Paté, mayonnaise…”, Vân chia sẻ.

Nhờ tận dụng và truyền đạt những văn hóa ẩm thực Việt Nam, chuỗi nhà hàng của Vân đã thu hút được sự quan tâm từ truyền thông quốc tế. Vân đã đạt được danh hiệu  “Young British Foodie” bởi The Guardian và xuất hiện trên truyền hình với Nigel Slater và Jamie Oliver. Ngoài ra, Vân và Thùy Anh còn là đồng tác giả cuốn sách The Vietnam Cookbook chia sẻ những câu chuyện về ẩm thực Việt Nam. Ấn phẩm này được bán tại Anh và Mỹ, nhận được sự phản hồi tốt từ độc giả. Ngoài thị trường offline, Bánh mì 11 cũng phát triển mảng online (thông qua Facebook, Twitter, Instagram…) và website cập nhật những hoạt động cũng như truyền tải văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, website còn cung cấp thông tin  hướng dẫn ẩm thực Việt Nam dành cho khách hàng có dịp đến đây du lịch.
TOMTER-0812-bahmmi-7542_1418981476.jpg
Vân đang sở hữu chuỗi 3 cửa hàng mang tên Bánh mì 11 ở London.

Khi Bánh mì 11 của Vân thành công thì gặp ngay sự cạnh tranh, bắt chước từ một làn sóng kinh doanh bánh mì ở London. Với tầm nhìn của mình, Vân từng bước gây dựng dự án lớn mang tên Bếp Collevtive là chuỗi kinh doanh bao gồm Bánh mì 11, Bếp Haus, Bếp Social, Bếp Event & Cartering, The Vietnamese Market cookbook. Trong tương lai, Bếp Haus sẽ mở rộng chi nhánh ra ngoài London. Ngoài ra, cô còn đẩy mạnh kế hoạch của dự án Bếp Grocery để mang nền ẩm thực Việt Nam gần gũi đến với thế giới.

“Người Việt ướp thịt rất lâu trước khi nấu; người Việt ăn theo mùa; người Việt ngày nào cũng đi chợ và ăn thức ăn của ngày hôm đó. Khi các vị khách hiểu được những giá trị đó, họ sẽ cảm nhận được ẩm thực Việt Nam khác ẩm thực các quốc gia khác như thế nào, và họ rất thích", Vân giải thích sức hấp dẫn của món ăn đặc trưng của Việt Nam đã chinh phục thực khách Anh ra sao.

Cô cho biết, để muốn mọi người biết đến từ “Bánh mì” trong từ vựng của họ, Vân  đã không thay thế cái tên truyền thống đó bằng bất cứ từ gì khác khi tiếp cận người Anh. Hiện "Bánh mì" đã có trong từ điển Oxford và American Heritage.

Nói về lợi thế của người Việt Nam khi lập nghiệp ở nước ngoài, Vân cho rằng nhờ tính cởi mở, cần cù, chăm chỉ. “Doanh nghiệp Việt quảng bá hình ảnh ra thế giới có sự giúp sức rất lớn từ nền văn hóa và lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, người Việt đôi khi chủ quan và thiếu sáng tạo trong kinh doanh. Hình thức 'mua có phường, bán có hội' làm cho người Việt hay bắt chước, làm mọi thứ giống nhau”, Vân bộc bạch.
Vnexpress
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?