Liệu các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có khả năng sao chép lại hiện tượng kinh tế độc đáo này?
Với 3,7 triệu công ty chiếm 95% tổng số doanh nghiệp trong nước, Mittelstand là “xương sống” của nền kinh tế nước Đức và cũng giữ vai trò chỉ huy trong một số thị trường xuất khẩu, nhờ vào chiến lược toàn cầu bền vững và thận trọng trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ sáng tạo dựa trên năng lực kỹ thuật độc đáo.
Đức tự hào là "nhà vô địch ngầm" khi có đến 1.300 SMEs dẫn đầu thị trường toàn cầu trong các ngách kinh doanh của họ - Mỹ xếp thứ hai với 366 SMES. Doanh nghiệp Đức rất giỏi trong việc khai thác thị trường, nổi bật là sản phẩm công nghiệp và điện tử.
Chuyên gia Annie Koh thuộc Đại học Singapore Management University cho rằng không ít doanh nghiệp gia đình ở Đông Nam Á đang hướng đến mục tiêu trở thành bản sao của các công ty Mittelstand.
Kết quả một cuộc khảo sát do Viện Business Families Institute cùng Deloitte Đông Nam Á tiến hành tại trường Singapore Management University cho thấy mục tiêu ưu tiên của nhiều doanh nghiệp gia đình châu Á trong 3-5 năm tới là tăng cường nghiên cứu phát triển và đổi mới để cải thiện kinh doanh, lợi thế cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp gia đình châu Á cùng chia sẻ thuộc tính chung với Mittelstand, như tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, nhấn mạnh vào yếu tố gia đình theo nền văn hóa riêng và ý thức trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp gia đình châu Á có vốn tư nhân dồi dào để được tự do định vị và thực hiện chiến lược dài hạn tốt hơn.
Nhưng mối quan hệ máu mủ trong các công ty gia đình châu Á không đủ “chất keo” để giúp trở thành một thế lực kinh tế mạnh mẽ.
Có rất nhiều gia đình kinh doanh ở châu Á chuộng cách đa dạng hóa nhiều lĩnh vực kinh doanh, dưới sự điều hành của công ty tổng quản lý các bộ phận điều hành.
Trong khi đó CNBC cho rằng để xây dựng được sản phẩm và dịch vụ "đắt" so với đối thủ toàn cầu, việc cần thiết nhất là phải củng cố tổ chức kinh doanh và tập trung vào nguồn lực hiện có.
Với các công ty Mittlestand, họ có thể có đến 3-4 thế hệ điều hành cùng một dòng máu, còn châu Á đa phần chỉ có 1 người con trai của Giám đốc điều hành đảm nhiệm vị trí đầu tàu.
Muốn phát triển doanh nghiệp, các công ty gia đình châu Á phải xây dựng được tính bền vững trong gia đình và quản trị công ty cùng với 1 thương hiệu đáng tin cậy nhất, nói cách khác là chuyên nghiệp hóa cả doanh nghiệp và gia đình để thu hút nhân tài.
Mittelstand và những giá trị không thể đánh đổi
Mittelstand sở hữu quá
trình đổi mới cực kỳ năng động: 54% công ty tạo ra một sản phẩm hoặc đổi
mới trong giai đoạn 2008-2010 - so với mức trung bình của châu Âu chỉ
34%, 90% các bằng sáng chế hàng năm của Đức đều xuất thân từ
Mittelstand.
Năm 2014, Mittelstand tạo
ra gần 1 triệu việc làm mới, trái ngược với tình trạng cắt giảm gần 1/2
triệu nhân công ở một số tập đoàn lớn trong nước.
Mittelstand tích cực vun
đắp mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương, làm việc với các
trường học, chính quyền, nhà cung cấp, ngân hàng và các tổ chức khác tại
địa phương.
Các chương trình tài trợ
vốn của nhà nước chỉ đóng góp 11% vào nguồn tài chính của Mittelstand,
còn ngân hàng thương mại giúp khoảng 29%.
Nguồn tiền chủ yếu đến từ
vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp (54%). Do đó, sự hỗ trợ của chính
phủ không phải là khởi nguồn duy nhất cho thành công Mittelstand, mà chỉ
đóng vai trò như chất xúc tác, như khuôn khổ chính trị, kinh tế và xã
hội Đức.
Ngược lại, hệ thống tài
chính trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang bị các ngân hàng chi
phối, chủ yếu tập trung vào các tập đoàn lớn và ít quan tâm đến các
SMEs.
|
CHÂU LUÂN (Theo CNBC, Asian Pathways)/Tuổi Trẻ