"Tính cách của người Việt dù nghèo đói nhưng vẫn thích phô trương, thích khoe khoang, vẫn ăn chơi dù tiền không có".
PGS. TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại bày tỏ quan điểm trước việc người Việt mặc dù còn là nước nghèo, thu nhập thấp những vẫn chơi sang.
Phân tầng xã hội sâu sắc
Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp nhận chứng nhận khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Những thương hiệu đắt tiền bậc nhất về xe hơi, thời trang, trang sức… cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này có thể coi nghịch lý khi Việt Nam vẫn thuộc top các nước nghèo, mức lương trung bình chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia? Ông bình luận như thế nào về điều này?
Đầu tiên phải nhìn nhận mặt tích cực, thứ nhất, VN rất giàu tài nguyên du lịch, nhưng không đủ sức khai thác, nên các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn xây dựng những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn cao, được xếp hạng bậc nhất trên TG, tạo nên tiềm năng cho du lịch Việt. Thứ hai, đi ô tô sang trọng, dùng hàng hiệu thì có thể tiếp cận, sử dụng với thế giới đồ cao cấp, chứng minh 1 điều thanh niên VN, người dân Việt cũng có thể hòa nhập, tiếp cận được TG hiện đại, dễ hòa nhập với TG.
Về mặt tiêu cực, đó chính là, hiện nay, VN vẫn là nước nghèo, thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đói còn cao, thế nhưng, vẫn có một số người giàu có ăn chơi hạng sang, thượng hạng, điều này đã thể hiện mặt trái của XH là phân tầng xã hội một cách sâu sắc.
Rõ ràng phải có chính sách thỏa đáng cho kinh tế, để làm sao người giàu thì vẫn giàu lên, đồng thời người nghèo sẽ được hỗ trợ để xóa đói giảm nghèo.
Thế nhưng, tính cách của người Việt dù nghèo đói nhưng vẫn thích phô trương, thích khoe khoang, chính vì vậy, muốn ăn chơi hàng sịn, hàng hiệu, trong khi tiền không có. Đó là biểu hiện của sự khoe mẽ, muốn chứng tỏ bản thân không kém cạnh ai, đó cũng là tật xấu trong tính cách của người Việt.
Đồng ý rằng những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng sang trọng nhằm tới mục tiêu phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng phải hiểu như thế nào về những chiếc xe hơi có một không hai trên thế giới, trào lưu đua nhau xây trụ sở… như cung điện đã được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm “kiểu đại gia” của nhiều cán bộ dự án…? Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích, ai là những người được xài sang ở Việt Nam?
Giờ đây, cán bộ nhà nước thì phô trương sức mạnh của chính quyền địa phương, nên đua nhau xây trụ sở thật hoành tráng. Đâu chỉ dừng ở đó, họ còn xây dựng, nào là sân thể dục, sân tennis, sân golf để cán bộ đi chơi, thể hiện đẳng cấp.
Quy mô xây dựng thì cũng không kém cạnh ai, mặc dù dân đang nghèo, nhưng cũng xây hết nơi này đến nơi kia.
Tuy nhiên, có một thực tế phũ phàng, thực ra đối với cơ quan nhà nước, mọi việc không chỉ đơn thuần là phô trương, mà các anh làm dự án đó cũng là một cách để tham nhũng, để đục khoét vào tiền thuế của đất nước. Xây dựng cơ sở càng hoành tráng, vốn càng lớn thì mức chia chác, hưởng lợi càng cao.
Vì vậy, nên lãnh đạo nào cũng thích xây dựng, đời lãnh đạo nào cũng muốn xây hàng loạt trụ sở, ngoài ra còn tuyển người, tăng thêm nhiều biên chế, xây nhiều công trình công cộng, trong khi dân nghèo, thuế không đủ tiêu, nhưng khu tượng đài, tưởng niệm lại được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ.
Chính vì thế, những người "xài sang", chỉ có thể, một là, con cháu các cán bộ tham nhũng, vì đồng tiền đó không mất mồ hôi nước mắt cho nên có thể tiêu xài xả láng. Hai là, gia đình kinh doanh không chính đáng, buôn gian bán lận. Thành phần nhiều nhất, đó chính là gia đình có hoạt động thương mại, doanh nghiệp vệ tinh cho các cơ quan nhà nước, nếu có những dự án béo bở thì sẽ phân cho làm, vốn thì 1 nhưng được đầu tư 5 - 7 lần. Thêm nữa, là một số cán bộ công chức, làm DN kinh doanh gặp thời kiếm được nhiều tiền thì cũng có thể cho con ăn chơi xả láng.
Trở lại vấn đề GDP, mức lương trung bình thấp, nhiều chuyên gia đã lý giải đó là do Việt Nam có nền kinh tế gia công, khai thác và bán tài nguyên thô. Vậy phải hiểu sự “sang” này có nguồn gốc từ đâu? Có phải điều đáng mừng khi chúng ta có nhiều người “sang” đến thế, trong khi mức sống của đại đa số người dân vẫn vô cùng chật vật?
Người lao động VN, mãi chỉ là cửu vạn, là lao động chân tay, không có sự tìm tòi, để phát triển.
Còn cái sự "sang" này, nó đại diện cho lớp người gặp may có lối sống buông thả, ăn chơi, chứ không có gốc gác cụ thể. Thậm chí, theo tôi, họ được giáo dục ít, không có hiểu biết về kinh nghiệm XH, có tiền thì xài cho sướng, cho thỏa thích.
Tôi đã từng đi du lịch châu Âu, găp nhiều gia đình VN cũng đi du lịch, được biết ông bố làm chủ DN của một thành phố lớn, đưa cả nhà cùng vợ con đi du lịch. Thế mà, từ đứa trẻ, đến người lớn, ai thích gì thì mua lấy, khi rút ví ra toàn tờ 500 EURO, khiến cho người bán hàng còn quá bất ngờ.
Ở đây, để thấy, họ chi tiêu, không hề nghĩ tới cho tương lai của chính mình, hay tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, là hệ thống quản lý của chúng ta hiện đang rất yếu kém, thậm chí ấu trĩ, không đủ sức điều chỉnh.
Thực sự, dân mình nhiều nơi khổ cực lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thậm chí trong những đợt rét đậm, người dân phải lấy áo đắp cho trâu, bò. Điều đau lòng hơn hết, đó chính là, những người này phải lao động hàng ngày, tích góp từng xu, để đóng thuế cho nhà nước, rồi cuối cùng sẽ được tiêu xài ở tầng lớp giàu sang. Đó chính là biểu hiện sự quản lý yếu kém của nền kinh tế.
Cơ chế, chính sách quản lý yếu kém
Việt Nam không làm được cái bỏ bao bì Samsung nhưng tỷ lệ số người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền như vậy cao hơn nhiều so với những nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đó có phải là một sự phản chiếu mờ những sự “sang” của đại gia hay của những người đặc tuyển nói trên? Phải lý giải việc một đất nước chưa giàu mà đã tâm lý phổ biến là xài… “sang” như Việt Nam như thế nào?
Theo tôi, do quản lý kém nên mới có tham nhũng, có buôn gián bán lậu, có làm ăn gian dối, có hàng giả, hàng nhái nhiều, từ đó, mới xuất hiện tầng lớp giàu "nứt khố đổ vách" bằng làm ăn phi pháp.
Ở nước ngoài, họ quản lý rất chặt, tiêu từng đồng XH đều quản lý được toàn bộ, bán hàng, hàng nào đúng giá, hàng nào không đúng, đều nắm bắt được, chế độ quản lý rất chặt chẽ.
Ngay như một ông thị trưởng nhận được một món quà, chỉ có giá trị 100 USD thôi mà không báo cáo thì cũng sẽ bị xử lý rất nghiêm, không như VN.
Để thấy, chính sách quản lý của chúng ta rất yếu kém, không kiểm soát được sản xuất, không kiểm soát được thu nhập của các tầng lớp nhân dân, không kiểm soát được đồng tiền đầu tư của nhà nước, cho nên đơn vị nào nhận được dự án đầu tư thì sẽ có thể kiếm được lợi, làm giàu, chia chác.
Từ đó, dẫn đến còn quá nhiều sơ hở để làm ăn phi pháp phát triển. Cũng như trường hợp của Bộ trưởng Trần Đức Truyền, mua hết nhà này đến nhà kia, cũng không ai biết, chỉ khi người dân lên tiếng, lúc đó cơ quan quản lý mới biết, còn nếu không đưa ra thì coi như khối tài sản đó vẫn chìm trong bóng tối.
Đó chính là hệ quả của cơ chế, chính sách quản lý yếu, không kiểm kê, kiểm soát được XH, mà càng cán bộ cấp cao càng không quản lý được.
Ông bình luận như thế nào về ý kiến, nền kinh tế tiêu thụ iPhone 6 nhưng không làm được nổi một chiếc ốc vít ô tô cũng như người đi bán máu để mua trang sức, dần dần sẽ suy kiệt và chết yểu? Có thể thay đổi tâm lý “sang” này của người Việt hay không và vì sao?
Hậu quả thì ai cũng sẽ nhìn thấy rõ, điều tất yếu là sẽ đưa đến sự suy thoái, yếu kém của nền kinh tế.
Cuối cùng, chỉ cần lừa nhau để sống, nhưng có lừa mãi được đâu. Vì vậy, nếu không có cải tiến, thì sẽ không phát triển hơn được.
Những năm qua, chúng ta năm nào cũng kêu gọi kê khai tài sản, nhưng tất cả chỉ là hình thức, mà không giải quyết được vấn đề cần làm. Tất nhiên tâm lý xài sang chủ yếu phải giáo dục, giai đoạn đầu cắn răng ra lao động, nhịn ăn, nhịn tiêu để phát triển sản xuất, trí tuệ.
Người đứng đầu, phải làm gương, từ cán bộ cấp cao, thì mới hiệu quả. Từ trước đến nay, cứ kêu gọi, phải học tập làm theo gương Bác Hồ nhưng có học không, có làm không, hay chỉ là hô hào, giáo dục chỉ là lý thuyết suông, nếu như vậy thì làm sao thuyết phục được người dân.
Nếu làm gương được thì mới nói được người khác, đó là điều chắc chắn!
Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ !
Theo Đất Việt