TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính,
ngân hàng cho rằng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tái tăng
lãi suất cơ bản USD sẽ tác động tích cực lên sức khỏe đồng bạc xanh,
nhưng lại là nhân tố thôi thúc các nhà đầu tư rời bỏ các kênh đầu tư
khác để quay lại với USD. Điều này sẽ tác động đến dòng vốn ngoại ở các
thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Theo ông, liệu Fed có sớm tăng lãi suất và điều này sẽ tác động thế nào đến dòng vốn ngoại?
Nếu tỷ lệ lạm phát tại
Mỹ được giữ ở mức thấp như hiện nay và tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm
tiệm cận mức 5%, thì Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 9 này. Khi đó,
các thị trường tài chính trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng và thị trường
chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi những tác động.
Khi lãi suất USD tăng,
thì giá trị các tài sản được định nghĩa trên đồng tiền này cũng tăng và
có thể có sự chuyển dịch dòng tiền từ các thị trường tài chính của các
quốc gia mới nổi đến thị trường tài chính của các quốc gia phát triển.
USD hồi phục mạnh sẽ tác động đến kinh
tế toàn cầu, nhất là đối với các thị trường mới nổi. Các nhà đầu tư có
thể sẽ thoái vốn khỏi các thị trường để quay lại với USD. Tuy nhiên, quy
mô của thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối nhỏ, với số vốn
hóa chỉ là 40 tỷ USD, nên tác động là không đáng kể.
Áp lực tỷ giá dịp cuối năm cũng có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, thưa ông?
Với sự phá giá của đồng nhân dân
tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá, giữ được sự ổn
định của thị trường ngoại hối. Tỷ giá tăng trong thời gian qua đã tác
động trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Kèm theo đó, chứng khoán của
Trung Quốc lao dốc và đồng nhân dân tệ bị phá giá đã có những tác động
tiêu cực đến chứng khoán của một số nước trong khu vực, trong đó có Việt
Nam.
Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh cùng với xu
hướng USD tăng giá đã tác động đến chứng khoán trong nước. Thị trường đã
có những phiên đảo chiều trong tháng 8/2015, do tác động từ những biến
động trên thị trường chứng khoán thế giới.
Sự tương quan giữa tỷ giá đến chứng
khoán là khó tránh khỏi. Tỷ giá biến động khiến không ít nhà đầu tư phải
suy nghĩ đến vấn đề có nên tiếp tục đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm
hay chuyển hướng sang nắm giữ ngoại tệ, bất động sản…
Tuy chưa thể khẳng định bất cứ điều gì
vào thời điểm này, nhưng nhà đầu tư cần chuẩn bị trước những biện pháp
phòng vệ hữu hiệu, bất kể đang đầu tư trên thị trường bất động sản,
ngoại tệ, chứng khoán, hay tiếp tục gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hưởng
lãi suất.
Trong bối cảnh này, theo ông, người có tiền nhàn rỗi nên bỏ vốn vào kênh đầu tư nào?
Với tình hình kinh tế Trung Quốc đang có
dấu hiệu đi xuống, tỷ giá đồng nhân dân tệ với USD tiếp tục biến động,
giá dầu và vàng giảm thêm khiến nhiều nền kinh tế lâm vào tình trạng tài
chính khó khăn, nên khả năng nền kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm
chưa có lối thoát.
Hiện tượng giá dầu giảm cho thấy nhu cầu
về dầu trên thế giới đang giảm. Trung Quốc được xem là một trong những
quốc gia có mức tiêu thụ dầu lớn, nhưng diễn biến của tình hình kinh tế
thời gian qua cũng đã làm giảm nhu cầu về dầu của nước này.
Các thị trường đầu tư tại Việt Nam sẽ
chịu tác động bởi những diễn biến trên. Trong đó, bất động sản đang có
sự phục hồi tốt và nếu không có những biến động lớn thì có thể hưởng lợi
từ những biến động tài chính, trong đó một dòng tiền sẽ đổ vào khi
vàng, ngoại hối dự báo còn biến động.
Thị trường chứng khoán khả năng sẽ chịu
nhiều biến động. Với các ngành liên quan đến khoáng sản, nhập khẩu, giá
cổ phiếu sẽ có thể giảm. Tuy nhiên, theo tôi, trong bất cứ trường hợp
nào, Chính phủ cũng luôn bảo vệ hệ thống tài chính, trong đó có thị
trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng.
Về lâu dài, thị trường chứng khoán luôn
là kênh đầu tư sinh lời và tạo nên giá trị gia tăng đáng kể. Mặt khác,
chứng khoán vẫn được xem là thị trường mang tính minh bạch cao và được
đầu tư bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nên có tính bền vững.