Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Katherine Graham - Một huyền thoại của giới truyền thông


Năm 1963, Katherine Graham chính thức tiếp quản Washington Post. Sau ba thập kỷ, dưới sự điều hành của bà, Washington Post từ một tờ báo bên bờ phá sản đã trở thành một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu của nước Mỹ. Bà là nữ Ủy viên đầu tiên của Hiệp hội Báo chí Mỹ trong lịch sử, nữ doanh nhân số 1 trong số 500 công ty truyền thông lớn nhất thế giới. Người ta gọi Katherine Graham là “huyền thoại của giới truyền thông”, không chỉ vì những gì bà đã làm được mà vì những nỗ lực và bản lĩnh phi thường để chứng tỏ giá trị của bản thân trong cuộc đời.

Một chiếc bóng rút rè

Katherine sinh ngày 16 tháng 06 năm 1917 trong một gia đình giàu có ở New York. Cha là Chủ tịch Hội đồng trù bị liên bang Mỹ và là người đứng đầu của Ngân hàng Thế giới, luôn bận rộn công việc bên ngoài xã hội. Trong khi mẹ là một nhà giao tế xã hội xuất sắc, tất bật với những bữa tiệc tùng và hội họp. Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có và danh vọng, nhưng tuổi thơ của bà dường như lại không hề nhận được nhiều tình yêu thương của cha mẹ. Một phần có lẽ do diện mạo hết sức bình thường, thậm chí có phần xấu xí của bà không tương xứng với vị trí và danh tiếng gia đình. Vì vậy, Katherine luôn tự ti về bản thân, rụt rè và nhút nhát trước đám đông. Nhưng bù lại, bà lại rất chăm chỉ và ham học, yêu thích viết lách và thực sự có năng khiếu về lĩnh vực này.

Năm 1933, trong một cuộc bán đấu giá các công ty sắp phá sản, cha của Katherine đã bỏ ra 820 nghìn USD để mua lại Washington Post. Nhưng tờ báo có chất lượng khá thấp, số lượng người đọc thấp nhất trong 5 tờ báo ở Washington, mỗi kỳ phát hành chỉ khoảng 50.000 bản, mỗi năm thua lỗ khoảng 1 triệu USD. Nhiều người cho rằng không sớm thì muộn, Washington Post cũng sẽ phải đóng cửa. Trong khi đó, Katherine tốt nghiệp Đại học Chicago năm 1938 và được nhận vào làm phóng viên cho tờ San Francisco. Bà đảm nhận vài trò biên tập các thư gửi đến của bạn đọc với mức lương mỗi tháng chỉ có 25 USD.

Tháng 06 năm 1940, Katherine kết hôn cùng Philip Graham, một luật sư tài năng tốt nghiệp Đại học Harvard danh tiếng. Năm 1945, cha của Katherine đem tờ Washington Post giao cho Philip, vì ông cho rằng nữ giới căn bản không phù hợp để làm báo mà chỉ nên ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con cái. Mặc dù vậy, bà không một lời oán trách, cam nguyện ở nhà để làm đúng chức năng của một người phụ nữ, nuôi dạy bốn đứa con và ủng hộ chồng mình trong công việc.

Phillip Graham thu hút được sự chú ý của mọi người khi năm 1961, ông mua lại tờ “News Week”, một tờ báo khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Đây là bước đi đầu tiên của tham vọng biến tờ báo địa phương như Washington Post trở thành một tờ thời báo cho toàn nước Mỹ. Những thành công bước đầu của chồng không làm cho hình ảnh của Katherine thêm rõ nét. Trong các buổi yến tiệc, bà luôn được bố trí ở chỗ ngồi hết sức khuất nẻo, khiêm nhường, thậm chí ngay cả những người thân cũng bỏ qua bà. Quả thực, bà như một chiếc bóng mờ nhạt so với hình ảnh của một gia đình danh tiếng và giàu có.

Và có lẽ, cuộc đời của Katherine Graham sẽ mãi chỉ là “một chiếc bóng rụt rè” nếu như không có một biến cố lớn xảy ra khi chồng bà mắc bệnh hoảng loạn về tinh thần. Tháng 8 năm 1963, ông đã dùng súng tự sát trong phòng làm việc. Từ một người nội trợ gia đình, Katherine biết rằng mình phải bước ra khỏi tính cách rụt rè của mình để thay chồng duy trì công ty, giữ lại gia sản cho con cái sau này. Tháng 09/1963, bà chính thức tiếp quản công việc điều hành Washington Post.

Một nhà bình luận lúc đó đã nhận định rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân để nói rằng Washington Post tại sao cần phải bán đi - một tờ báo kinh doanh không hiệu quả, một người chủ sản nghiệp lớn tuổi không có người kế nhiệm, chỉ có một quả phụ…”. Không một ai nhìn thấy được hi vọng gì từ người góa phụ 46 tuổi này, rất nhiều người dự đoán ngày mà tờ báo sẽ bị rao bán.


Xây dựng đế chế truyền thông Washington Post 

Trong xã hội lúc bấy giờ, số lượng phóng viên là nữ đã rất hiếm hoi chứ chưa nói đến một nhà lãnh đạo nữ của một công ty truyền thông. Chính vì vậy, khi Katherine tiếp nhận công việc quản lý Washington Post từ chồng mình, đã có nhiều lo ngại và hoài nghi về năng lực của bà. Điều này cũng không phải là vô lý khi họ biết bà vốn là một người nhút nhát và thiếu tự tin, hoàn toàn không phù hợp với công việc điều hành một tờ báo. Thậm chí ngay cả việc nói chuyện với phóng viên cũng làm bà cảm thấy lo âu. Khi công ty tổ chức tiệc giáng sinh, bà đã phải bỏ nhiều thời gian luyện tập chỉ để nói tốt một câu “Giáng sinh vui vẻ” đến nhân viên của mình.

Thế nhưng, người góa phụ ấy đã không bỏ cuộc. Katherine bắt đầu học những người khác xung quanh mình ngay cả với những người dưới quyền. Từ nghiệp vụ cơ bản của báo chí, cách điều hành một tờ báo, một công ty truyền thông như thế nào, đến các cách thức kinh doanh trong thương trường đều được bà hấp thụ rất nhanh chóng. Đặc biệt, bà đã dùng sự bao dung và vô tư trong đặc tính của phụ nữ để làm hạt nhân trong quản lí, một điều mà các đồng nghiệp nam không thể có được.

Khi bắt đầu nhận chức, điều đầu tiên mà Katherine quan tâm là phải tìm một tổng biên tập tài năng để quản lý nội dung của tờ báo. Tác gia nổi tiếng Lippmann nói với bà: “Ở News Week có một thiên tài, tên là Bradley”. Bà lập tức mời Bradley đi ăn trưa. Trong bữa ăn bà đã hỏi ông ta thích vị trí nào ở Washington Post. Bradley cho rằng đây là một câu chyện đùa nên cười và nói một cách hài ước : “Nếu là tổng biên tập, tôi sẽ đồng ý ngồi vào”. Bà ngay lập tức bổ nhiệm Bradley làm tổng biên tập và trao toàn bộ quyền hành cho ông.

Bradley là một nhà báo theo chủ nghĩa hiện đại, ông không thích cường điệu hóa trách nhiệm của báo chí, càng ghét hơn nữa những thông tin tầm thường, nhạt nhẽo. Ông thích chế độ nhà báo ngôi sao, tin tưởng vững chắc rằng những nhà báo tài năng và danh tiếng có thể khiến cho tờ báo nhanh nhất đạt được thành công. Ông mời về những nhà báo tài năng từ New York Times và News Week, tạo cho họ một môi trường tự do và chế độ đãi ngộ tương xứng. Từ đấy, diện mạo Washington Post dần thay đổi. Một hệ thống cổ hũ, lỗi thời lần lượt nhường chỗ cho sự hiện đại, sáng tạo và đầy tính chuyên nghiệp. Lập trường chính trị của tờ báo từ chỗ luôn phát ngôn cho chính trị, đứng cùng phía với chính trị chuyển sang lập trường của khuynh hướng tự do. Tờ báo dần dần hình thành một phong cách riêng biệt, đó lần theo dấu vết đến cùng trong các vụ điều tra, tin tức nhanh nhạy, tài liệu đáng tin cậy, văn phong sắc nhọn. Katherine đã hết lòng khuyến khích và ủng hộ những thay đổi và kế hoạch phát triển của Bradley. Kinh phí của biên tập từ 4 triệu USD được tăng lên 8 triệu USD mỗi năm.

Điều mà những nhân viên của Washington Post thích nhất chính là sự khuyến khích và tôn trọng của Katherine Graham đối với phóng viên, biên tập. Bà thường nói: “Làm báo không nên chỉ đạo các phóng viên, biên tập phải làm như thế nào. Trách nhiệm của người làm báo chính là tận lực truyền tải toàn bộ tin tức một cách chân thực, toàn diện, công tâm và chất lượng nhất”. Bà luôn tin tưởng vào công việc của các phóng viên và biên tập viên, và luôn dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình. Dưới sự lãnh đạo của Katherine trong suốt 30 năm, Washington Post đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 1963, tổng thu nhập của công ty chỉ có 8,4 triệu USD bao gồm 2 tờ báo là Washington Post và News Week, cùng với hai hãng truyền hình. Đến 1993, khi bà nhường lại ghế chủ tịch và quyền điều hành cho người con trai, Washington Post đã trở thành một tập đoàn truyền thông bao gồm nhiều tờ báo, tạp chí, hãng truyền hình, hãng truyền thông và các dịch vụ giáo dục. Tổng thu nhập lên đến 1,4 tỉ USD, đứng vị trí 271 trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới.


Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn, trở ngại trong quá trình điều hành của người phụ nữ này. Năm 1975, nhân viên của Washington Post đình công. Lúc đó, vì để khống chế giá thành, bà đề ra một loạt các biện pháp để tăng thu giảm chi, nhưng bộ phận thực thi lại khiến cho nhân viên ngành in không vừa lòng. Khoảng giữa tháng 10, nhân viên xưởng in và cả bộ phận quảng cáo đã quyết định bãi công. Không những thế, họ còn đốt cả xưởng in, xô xát với các phóng viên, biên tập, dẫn đến tờ báo không xuất bản được. Ngay lập tức, Katherine Graham cho người tự động đi làm quảng cáo, thậm chí là dùng máy bay lên thẳng từ tòa soạn vận chuyển đến các xưởng in ở các nơi. Trải qua 5 tháng thương lượng, làn sóng đình công cuối cùng cũng được hóa giải.

Washington Post an toàn thoát khỏi nguy hiểm. Trong những ngày khó khăn nhất, bà cũng làm việc thâu đêm, quên mình như những nhân viên khác mà không một lời trách móc. Chính vì vậy, uy tín và vị trí của bà ngày càng được nâng cao trong con mắt của các nhân viên và cả các lãnh đạo nam giới. Thế nhưng, cái tên Katherine Graham và Thời báo Washington Post thực sự trở nên lừng lẫy và trở thành huyền thoại của giới truyền thông là sau sự kiện gây chấn động nước Mỹ - sự kiện Watergate năm 1972.

Người đàn bà đánh bại Tổng thống Mỹ 


Tháng 6 năm 1971, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, Thời báo New York đã cho đăng những tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam. Do nội dung của bài báo rất nhạy cảm nên chỉ đã nhận lệnh đình của tòa án tối cao chỉ mấy ngày sau. Lúc này, phóng viên của Washington Post cũng có được một tập tài liệu như thế. Nhưng cũng chính lúc này, công việc lên sàn chứng khoán của Washington Post đang triển khai ở giai đoạn gấp rút. Đăng hay không đăng? Lợi ích của doanh nghiệp hay trách nhiệm xã hội? Đây là câu hỏi khó khăn nhất đặt ra cho Katherine. Và bà đã chọn trách nhiệm xã hội khi quyết định đăng tải những tài liệu đó. Bà tin rằng những tài liệu này giúp cho người Mỹ hiểu một cách thấu đáo hơn tại sao người Mỹ lại lún sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Việc đăng các tài liệu này sẽ không làm tổn hại quốc gia mà nó sẽ là một cống hiến cho đất nước. Lập tức, Bộ Tư pháp ra lệnh cấm công bố các tài liệu tuyệt mật, Washington Post hợp sức cùng New York Times quyết định đưa sự việc lên Toà án tối cao Mỹ. Ngày 21/06/1971, toà án quyết định hai tờ báo đã chiến thắng, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử báo chí Mỹ.

Tháng 6 năm 1972, có 5 người đàn ông xông thẳng vào trụ sở của Đảng Dân Chủ trên toàn quốc. Đại đa số các phương tiện truyền thông lúc đó đều đưa sự việc này vào mục tin vắn hàng ngày, nhưng Washington Post lại tiến hành điều tra, cuối cùng phát hiện ra hành động lắp đặt máy nghe trộm của Đảng Cộng Hòa cầm quyền nhằm phá hoại các hoạt động tổ chức tranh cử của Đảng Đối Lập. Chính phủ cầm quyền Nixon để che giấu hành vi sai trái của mình, không ngừng hăm dọa, cảnh cáo ngầm Washington Post. Trong cái không khí khủng bố trắng đó, đối diện với áp lực rất lớn từ phía tổng thống, Katherine luôn khuyến khích, bảo vệ các biên tập viên của mình. Bà nói: “Chúng ta đã bơi đến chỗ sâu nhất của dòng sông, không có đường rút lui nữa”. Vụ điều tra của Washington Post không chỉ phanh khui vụ bê bối tồi tệ nhất của chính phủ Mỹ (còn gọi là vụ Watergate) mà còn thức tỉnh những hãng truyền thông lớn của Mỹ, cùng nhau chiến đấu đã khiến cho Tổng thống Richard Nixson phải từ chức. Từ đây, một bước thay đổi lớn trong lịch sử truyền thông, khi các tờ báo có thể tự do bày tỏ những chính kiến khác nhau của mình mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Một năm sau, Wasington Post giành được giải thưởng Pulitzer, xác lập được địa vị của một tờ báo lớn ở nước Mỹ. Bản thân bà cũng giành được giải thưởng này cho cuốn tự truyện “Lịch sử cá nhân” của mình năm 1998.

Năm 1974, Katherine Graham trở thành nữ Ủy viên đầu tiên của Hiệp hội báo chí Mỹ trong lịch sử và đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong nhiệm kì 9 năm. Đồng thời, bà còn là Chủ tịch Hiệp hội xuất bản Báo chí Mỹ. Thành công của bà thậm chí còn vượt lên trên thành công của bất kì một người đàn ông nào trong giới báo chí, được Hiệp hội Báo chí Quốc tế bình chọn là một trong 50 nhân vật tinh anh nhất của báo chí toàn cầu. Những người có quyền lực, các tổng thống và nguyên thủ quốc gia đều nhờ bà cố vấn. Người ta ví bà như một nhân vật khổng lồ và là “người phụ nữ có quyền thế nhất thế giới”. Tổng thống George W. Bush đã bình luận: “Bà là một người lãnh đạo thực sự, một thục nữ, và là một huyền thoại”.

Ngày 17 tháng 07 năm 2005, Katharine Graham đột ngột qua đời ở tuổi 84, để lại cho giới truyền thông một sự tiếc thương của mọi người. Tất cả mọi người đều đánh giá cao Katharine Graham, không chỉ bởi vì bà là một người phụ nữ có quyền thế, mà quan trọng hơn bà là vì người phụ nữ đại diện cho thời đại đã không còn. Trong thời đại đó, phẩm chất cao quý nhất của người phụ nữ chính là dũng cảm và chính trực, và bà đã biểu hiện điều đó một cách rực rỡ nhất. Nói như Arthur Sulzberger, Chủ tịch danh dự Tập đoàn New York Times: "Trong suốt nửa sau thế kỷ 20, bà đã sử dụng sự thông minh, lòng can đảm và sự mưu trí của mình để thay đổi nền báo chí Mỹ. Tất cả những ai mong muốn một nền báo chí tự do và vô tư đều sẽ tưởng nhớ bà”.

( Tiểu sử những người nổi tiếng)
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?