Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Rủi ro khi bắt bài ETF và bài học đắt giá từ BID

Xu hướng đón đầu, bắt bài các quỹ ETF vẫn thường diễn ra mỗi khi đến kỳ điều chỉnh. Tuy nhiên, trong cuộc chơi ETF này, không phải nhà đầu tư nào cũng thu được lợi nhuận mà thậm chí có thể thua lỗ.


Định kỳ 3 tháng 1 lần, 2 tổ chức FTSE và Market Vectors sẽ công bố điều chỉnh danh mục 2 chỉ số là FTSE Vietnam Index và Market Vectors Vietnam Index. Theo sau những điều chỉnh này, 2 quỹ ETF của Deutsche Bank và Van Eck sẽ lần lượt có 2 tuần và 1 tuần mua bán thêm bớt cổ phiếu theo đúng danh mục đã điều chỉnh.

Với số vốn lớn, tuần giao dịch của 2 quỹ ETF luôn khiến thị trường sôi động, đặc biệt nếu có các cổ phiếu được thêm mới. Do 2 quỹ thường chỉ tập trung giao dịch trong phiên cuối cùng của đợt tái cơ cấu danh mục, nên nhà đầu tư có xu hướng đón đầu, bắt bài ETF. Tuy nhiên, việc đón đầu này ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro từ dự đoán
Các tổ chức có kinh nghiệm như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... thường đưa ra dự đoán về ETF từ rất sớm. Dựa trên những dự đoán này, nhà đầu tư có thể mua hoặc bán cổ phiếu từ trước khi kết quả điều chỉnh được công bố. Nếu kết quả điều chỉnh là đúng so với dự đoán, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngắn hạn trong tuần ETF mua bán theo danh mục mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dự đoán của các tổ chức không phải lúc nào cũng chính xác và thường xuyên khác nhau. Điều này gây nên rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu quyết định đón đầu ETF có thể mua hoặc bán không chính xác. Thậm chí, nếu nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng phán đoán sai, khi đó lượng cung lớn trong ngắn hạn có thể khiến giá cổ phiếu giảm.
Rủi ro từ chính nhà đầu tư
Sau khi nhận được thông tin điều chỉnh của ETF, nhà đầu tư thường có xu hướng mua các cổ phiếu được thêm vào danh mục. Tuy nhiên, rủi ro sẽ xảy ra nếu lực cầu quá lớn, vượt quá con số mà các quỹ ETF cần mua.
Ví dụ điển hình là trường hợp cổ phiếu SSI trong kỳ điều chỉnh tháng 12/2014. Sau khi tích lũy các phiên trước, SSI được kỳ vọng tăng trần trong phiên cuối tuần nhờ lực cầu của các quỹ ETF. Thế nhưng, lượng cổ phiếu bán ra vượt quá sức mua của khối ngoại, dẫn đến việc SSI giảm gần 5%. Trong phiên này, SSI khớp lệnh tới 20 triệu cổ phiếu.

Hay như trường hợp của Masan được thêm vào danh mục trong tháng 3/2015 vừa qua tuy nhiên trong tuần giao dịch MSN không tăng nhiều, thậm chí trong phiên ATC cuối cùng mặc dù MSN khớp lệnh 8 triệu cổ phiếu nhưng vẫn chỉ giữ giá tham chiếu.
Rủi ro từ tổ chức điều hành chỉ số
Sáng 12/9 vừa qua, Market Vectors thông báo đưa cổ phiếu BID vào danh mục. Tuy nhiên, sang ngày 14/9, tổ chức này điều chỉnh số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của BID và gửi email thông báo vẫn giữ nguyên tỷ trọng BID. Bất ngờ đến cuối ngày 15/9, Van Ecks lại bất ngờ thông báo loại BID ra khỏi danh mục.
Việc Market Vectors công bố danh mục, sau đó lại sửa đổi vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên danh mục của Việt Nam bị điều chỉnh và sự điều chỉnh này diễn ra khi thị trường đã giao dịch 2 phiên với thông tin về BID.
Theo một nguồn tin của chúng tôi, nhiều khả năng trước đó phía Van Ecks đã tính sai lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) của BID dựa trên dữ liệu Bloomberg, và sau 2 ngày tính toán lại quỹ này đã quyết định không thêm BID vào trong danh mục.
Trong 2 phiên vừa qua, BID đều tăng trần, tổng khối lượng giao dịch hơn 10,4 triệu cổ phiếu. Giờ đây khi BID không còn được thêm vào danh mục, lượng cổ phiếu đua trần 2 phiên trước sẽ gặp nhiều rủi ro về giá.
Đón nhận thông tin này, những nhà đầu tư đua trần bám theo BID vào sáng 15/9 khá bức xúc và có cảm giác "bị lừa", tuy nhiên với đại đa số nhà đầu tư khác, việc "mua hụt" BID lại cảm thấy khá may mắn và cho rằng, nếu ETF không dồn tiền mua BID (trước đó dự kiến mua vào 30 triệu cổ phiếu BID, tương đương hơn 30 triệu USD) thì các cổ phiếu khác trong danh mục sẽ không bị bán nữa (dự tính ban đầu sẽ bán khoảng 1.000 tỷ các cổ phiếu khác để VNM mua vào BID, NT2 và HAG).

Dù sao, quyết định của mỗi nhà đầu tư là do khả năng chịu đựng rủi ro của mỗi người. Việc ETF thay đổi quyết định sẽ làm tăng cung của BID trong ngắn hạn, nhưng cổ đông của BID có thể hy vọng về một kịch bản không quá xấu khi FTSE vẫn tiếp tục giữ BID trong danh mục và mua vào khoảng 14 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, 2h sáng thứ 6 tuần này, FED công bố quyết định có nâng lãi suất hay không cũng tác động mạnh tới thị trường.
(Theo Vinanet)
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?