Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Bí quyết thành công của Paul Trần Văn Thình (phần cuối)

Người vợ đầu của tôi là một phụ nữ người Pháp tôi quen từ khi cô ấy còn rất trẻ ở Paris. Thời ấy, các kiến thức về tình dục và quan hệ luyến ái còn hạn chế. Có một lần hôn vào môi cô ấy, tôi cứ nghĩ đã hôn nhau rồi là phải lấy nhau nên tôi cầu hôn. Đó là năm 1952, tôi 23 tuổi.
Ông Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Nếu nói tôi có biệt tài gì thì chắc chắn câu trả lời là không. Tôi thường tâm niệm, như lời bà nội kế của tôi từng dạy khi tôi còn nhỏ, rằng không bao giờ nên nói dối vì sự trí trá là con dao hai lưỡi khiến có ngày chính mình sập bẫy của mình.
Cách thức tôi luôn áp dụng cho cả 82 hiệp định mà mình đàm phán cho Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) từ năm 1961-1994 là “lật bài ngửa”. Tôi nói chúng tôi có từng này, có lẽ chúng ta phân chia 51-49 để cùng “ăn bánh” cho ngon. Với nghệ thuật này, đôi khi tôi giành được đến 70-80% cho EEC. Tuy nhiên, không bao giờ tôi để đối tác cảm thấy thiệt thòi quá cả. Bởi nếu không để họ có phần “ăn”, chắc chắn họ không bao giờ thực thi thỏa thuận nghiêm túc.
Thế nhưng, nói thật không có nghĩa là nói toàn bộ sự thật. Trong một cuộc phỏng vấn, tôi nói rằng “không ai thoát y vũ khi đàm phán”. Có những sự thật mình cần giữ lại cho riêng mình. 

Tôi nghiệm ra chính những giá trị sống mà tôi theo đuổi đã giúp tôi thành công chứ không phải tài năng thiên bẩm nào. Để ra một quyết định, tôi thường tuân theo bốn giai đoạn. Ban đầu là sự chỉ dẫn có tính bản năng, rằng điều này là nên hay không nên. Giai đoạn thứ hai là phán đoán các tình huống, các chiều hướng và xu thế có thể diễn ra. Giai đoạn thứ ba là phân tích các mặt được và không được, các mặt lợi và bất lợi. Và cuối cùng là lắng nghe trái tim của mình mách bảo có nên làm điều ấy, tức là để chữ tâm lên tiếng. Thỉnh thoảng tôi cũng phạm những sai lầm, nghiệm ra là bởi vội vàng bỏ qua một trong các giai đoạn trên.

Điều thứ hai, tôi rất muốn chia sẻ với các bạn trẻ, đó là không nên tự ái vặt. Tôi đã chứng kiến nhiều người trẻ tuổi vừa bị phê bình đôi chút liền nhảy dựng lên ra sức bảo vệ mình. Trong 15 năm làm việc tại Geneva (Thụy Sĩ), tôi luôn duy trì cuộc họp vào sáng thứ ba hằng tuần. Tôi tập trung toàn bộ nhân viên và nói: “Tuần qua tôi đã làm những gì không vừa lòng quí vị, xin phê bình tôi thẳng thắn”. Cách làm ấy khiến những người xung quanh tôi cảm thấy thoải mái, vì họ được giãi bày và biết rằng tôi không bao giờ để bụng những góp ý chân thành của họ.

Có lần tôi đi dự một cuộc chiêu đãi ở Nhật Bản, một quan chức người Nhật trong bữa tiệc bỗng đứng dậy cảm ơn tôi đã đào tạo ông trở thành một chuyên gia thương mại. Lần khác, tôi đi công tác tại Venice (Italy) thì nhận được một món quà từ một phụ nữ không quen biết. Thư viết: “Thưa đại sứ, nhà tôi trước khi mất dặn đi dặn lại tôi phải tìm mọi cách để cảm ơn đại sứ, người mà nhà tôi kính phục và hàm ơn. Nhà tôi nói rằng đại sứ đã cho nhà tôi một lượng kiến thức rất lớn, qua đó góp phần tạo dựng sự nghiệp của nhà tôi”. 

Tháng 5/2003, tôi nhận được thư của Jonathan Scheele - trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Romania. Ông Scheele gửi cho tôi tờ báo, trong đó khi phóng viên hỏi thần tượng của ông là ai và ông trả lời bằng một cái tên VN: Trần Văn Thình. Tôi vui vui xen lẫn chút tự hào.

Trong khi các nước Nhật Bản, Mỹ thay tới ba, bốn đại sứ, tôi là đại sứ duy nhất của châu Âu tham gia từ đầu đến cuối vòng đàm phán Uruguay nhằm thành lập WTO. Có lần một quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Mỹ gặp tôi tại Tokyo và ngỏ ý mời tôi nhập quốc tịch Mỹ để đi đàm phán cho Washington. Tôi nhã nhặn trả lời: “Cảm ơn ông, nhưng tôi không phải là một lính đánh thuê”. Tôi cũng từng được mời làm đại sứ của Ủy ban châu Âu tại Mỹ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn hoàn tất vòng đàm phán Uruguay, hoàn tất những mục tiêu của mình về thiết lập các luật lệ thương mại đa phương hiệu quả và công bằng. Vòng đàm phán này có mầm mống từ năm 1982, chính thức bắt đầu từ tháng 9/1986 và kết thúc vào ngày 15/4/1994 với thỏa thuận ký tại Marrakech, Marốc. 

Đó cũng là thời điểm tôi về hưu, ở tuổi 65, giã từ đấu trường thương mại toàn cầu mà mình từng can dự và góp phần kiến tạo một vài mốc lịch sử.
Ông Trần Văn Thình cùng vợ và hai con ở Venise tháng 6/2006. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Trần Văn Thình cùng vợ và hai con ở Venise tháng 6/2006. Ảnh: Tuổi Trẻ.

“Đừng nói dối” - lời dặn của bà nội tôi năm nào còn giúp tôi giải quyết nhiều vướng mắc của cuộc sống tình cảm riêng tư. Người vợ đầu của tôi là một phụ nữ người Pháp tôi quen từ khi cô ấy còn rất trẻ ở Paris. Thời ấy, các kiến thức về tình dục và quan hệ luyến ái còn hạn chế. Có một lần hôn vào môi cô ấy, tôi cứ nghĩ đã hôn nhau rồi là phải lấy nhau nên tôi cầu hôn. Đó là năm 1952, tôi 23 tuổi. Cha mẹ tôi không đồng ý cuộc hôn nhân này vì mẹ tôi đã nhắm một cô vợ ở Việt Nam cho tôi. Khi đó tôi còn nghèo, cuộc sống của cả hai đều vất vả. Tôi hứa sẽ che chở vợ tôi đến cuối cuộc đời. Tôi từng nói với bà ấy: “Anh sẽ lo cho em đến phút cuối cùng”.

Tôi đã làm như vậy. Cuộc sống gia đình sau này xảy ra sự bất hòa, chúng tôi đành chọn giải pháp chia tay. Nhưng giữ nguyên lời hứa năm nào, tôi không ra tòa ly dị. 

Khi tôi quen biết Brigitte - người vợ hiện giờ - tôi tâm sự hết mọi chuyện với cô ấy. Tôi nói tôi không thể làm giá thú với Brigitte vì không thể phá vỡ lời hứa với người vợ thứ nhất. Kể cả khi đã sống chung với Brigitte, lương tháng của tôi được chia đôi, một nửa để dành cho người vợ đầu. Mãi đến năm 2000, hai năm sau khi người vợ đầu qua đời, tôi và Brigitte (lúc ấy tôi 71, Brigitte 52 tuổi) mới đưa nhau đến tòa thị chính ở Annemasse, một thành phố thuộc Pháp sát biên giới với Geneva, làm thủ tục đăng ký kết hôn. Brigitte hiểu tôi. Cô ấy nói: “Nếu anh không đàng hoàng với người vợ đầu rồi anh cũng có thể không tốt với người vợ thứ hai”. 

Thi thoảng tôi nói đùa với Brigitte rằng tôi thương cô ấy quá chừng vì cô ấy tốt như một nàng dâu Việt chính cống. Lúc đó, cô ấy tròn xoe mắt vì tôi nói câu “nịnh đầm” ấy bằng giọng miền Nam đặc sệt mà cô ấy chẳng hiểu gì.
(Tuổi Trẻ - tháng 01/2007)

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?