Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Paul Trần Văn Thình trở lại Việt Nam (5)

Khi biết tôi có ý định trở lại VN, nhiều người trong gia đình tôi phản đối dữ lắm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm về. Tôi nghĩ: đất nước nào cũng có các chương lịch sử nhưng dân tộc và nhân dân vẫn vượt lên tất cả. 

>> Chuyện đời Paul Trần Văn Thình (1)
 
>> Những năm đầu ở Pháp của Paul Trần Văn Thình (2)
>> Paul Trần Văn Thình vào nghề đàm phán thương mại (3)
>> Paul Trần Văn Thình thay châu Âu đàm phán với châu Á (4)
Ông Trần Văn Thình và vợ trong một lần về thăm quê năm 1992. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Trần Văn Thình và vợ - bà Brigitte - trong một lần về thăm quê năm 1992. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sau chuyến trở về VN lần đầu tiên năm 1988, một sự gắn bó máu thịt với VN bền chặt thúc giục chúng tôi tiến hành những chuyến trở về khác. Chúng tôi về VN bất cứ khi nào có thể, mỗi năm một hai lần.

Năm 1947, lúc còn học ở thị trấn Chambon sur Lignon, tôi không quản đường xa xin đi nhờ ôtô từng đoạn đến Paris để được gặp Cụ Hồ Chí Minh khi Người sang Pháp dự hội nghị Fontainbleau. Tôi có một người cậu kết nghĩa tên Nguyễn Văn Chỉ, đảng viên đảng Cộng sản Pháp, là bạn học của cha tôi, từng tham gia kháng chiến chống phát xít Đức. Vợ cậu, Francois Corest, phóng viên báo Humanité, quen biết và có thiện cảm đặc biệt với ông Phạm Văn Đồng. Bà kể với tôi về ông Đồng: “Ông ấy là người tuyệt vời, nói tiếng Pháp rất chuẩn và trau chuốt. Đặc biệt, ông ấy rất đẹp trai”. Chính bà đã đưa tôi tham gia đoàn Việt kiều đến Fontainbleau gặp Cụ Hồ. 

Vào khoảng năm 1986, Bộ Thương mại VN thông qua phái đoàn thường trực VN bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) chuyển lời mời tôi về VN để đánh giá tình hình kinh tế và tư vấn cho các chính sách đổi mới kinh tế đang manh nha bắt đầu. Có lời mời này là bởi ông Lê Đình Cận, tham tán công sứ của VN lúc đó, có báo cáo về nước trường hợp của tôi. Khi đó, tôi cũng đã triển khai một vài hoạt động trợ giúp phái đoàn của VN tại Geneva. Ông Phạm Văn Đồng, trong vai trò cố vấn, lập tức chỉ thị Bộ Thương mại mời tôi về. 

Nhận được lời mời, tôi hơi lưỡng lự vì quả thật thông tin về VN hồi đó còn hạn chế. Do đó tôi còn vài điều e ngại. Hai năm sau, một lần nữa lời mời về VN lại được chuyển tới tôi, lần này là do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đích thân đề xuất theo gợi ý của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Claude Cheysson, một người bạn của tôi. 

Khi biết tôi có ý định trở lại VN, nhiều người trong gia đình tôi phản đối dữ lắm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm về. Tôi nghĩ: đất nước nào cũng có các chương lịch sử nhưng dân tộc và nhân dân vẫn vượt lên tất cả.

Vậy là mùa hè năm 1988, tôi về thăm lại quê hương VN thân thương sau 41 năm xa cách. Tôi và vợ tôi - Brigitte - bước lên máy bay với nhiều cảm xúc trộn lẫn trong lòng, vừa mừng vui vừa hồi hộp.
Về VN theo lời mời của Chính phủ VN nhưng tôi và vợ tự lo liệu chi phí chuyến đi. Hiểu tình hình khó khăn của đất nước, tôi không về tay không. Hành lý của chúng tôi gồm năm chiếc máy vi tính nhỏ đời đầu của Pháp. TP.HCM lúc ấy đang có ý định thành lập thư viện điện tử nên tôi mang máy tính về tặng để giúp mọi người làm công việc thống kê. 
Ông Trần Văn Thình (phải) đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Trần Văn Thình (phải) đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trong thời gian ở VN, tôi cũng không gặp gỡ bất cứ đại sứ châu Âu nào tại Hà Nội theo như phép tắc ngoại giao thông thường. Điều này khiến chuyến đi của tôi bị nhiều người chỉ trích. Nhiều đại sứ châu Âu gửi điện đến Bộ Ngoại giao Pháp đặt dấu hỏi về chuyến đi của tôi. Ông Claude Cheysson, bộ trưởng ngoại giao, trả lời: “Ông ấy là một công chức. Ông ấy có quyền tự do đi nghỉ hè”. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng trả lời tương tự đối với những thắc mắc từ phía VN.

Trong chuyến về thăm đất nước đầu tiên này, tôi có dịp gặp gỡ nhiều lãnh đạo cao cấp. Tôi gặp ông Phạm Văn Đồng và có nhiều cuộc đàm đạo với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại Hà Nội. Tại TP.HCM, thông qua sự thu xếp của chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Vĩnh Nghiệp, tôi có một cuộc tiếp xúc không chính thức với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi nhớ ông Nghiệp chiêu đãi vợ chồng tôi món bánh xèo Nam bộ. Vợ tôi rất thích món này. Qua tiếp xúc với vợ tôi, ông ấy liền phong cho vợ tôi là “Nàng dâu Việt”. 

Trong một lần gặp gỡ với ông Võ Văn Kiệt, tôi trình bày với ông về tầm quan trọng của việc tiến hành hội nhập kinh tế. Lúc ấy, việc gia nhập Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) còn khá dễ dàng. Tôi, với tư cách là đại sứ của phái đoàn Ủy ban châu Âu tại GATT, có thể góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán của VN. Tôi gợi ý rằng VN nên gia nhập GATT trước khi gia nhập ASEAN. Tôi cũng nói về việc cần phải đi tắt đón đầu để phát triển công nghệ. Tôi lấy ví dụ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà máy tại Đức được tháo ra đưa sang Pháp sử dụng để bồi thường chiến tranh. Nhờ việc này mà Đức có điều kiện thành lập các nhà máy mới, và do vậy công nghệ của Đức giờ tiên tiến hơn hẳn Pháp. Tôi không muốn VN phạm phải sai lầm nhập những công nghệ cũ, lạc hậu về.

Ông Võ Văn Kiệt ủng hộ những điều tôi nói. Nhưng ông cũng giãi bày: “Những ý tưởng của ông rất hay. Nhưng trong nước còn nhiều việc phải làm. Chắc ít nhất mười năm nữa VN mới áp dụng những chính sách ông gợi ý”.

Ngoài các cuộc gặp tại Hà Nội, tôi còn có dịp đón tiếp ông Võ Văn Kiệt tại nhà riêng của tôi ở Geneva khi ông tới Davos (Thụy Sĩ) dự Diễn đàn kinh tế thế giới. Trong lần ăn trưa đó, tôi cũng mời cả ông Jean - Claude Trichet, lúc đó là bộ trưởng ngân khố Pháp (hiện nay là chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu). Phiên dịch cho cuộc gặp gỡ này là một người phụ nữ VN duyên dáng, lịch thiệp và nói tiếng Pháp chuẩn không chê vào đâu được: bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Về VN, tôi thường được mời đi thuyết trình ở các trường đại học và một số cơ quan. Tôi nói nhiều về softomics, nền kinh tế mềm, uyển chuyển với nền công nghiệp mà nguyên liệu là “chất xám”, nhất là ngành công nghiệp phần mềm. Tôi nghĩ đi theo hướng này VN hoàn toàn có thể thành công bởi tố chất người Việt là linh hoạt, khéo léo và học hỏi nhanh. Những bài phát biểu của tôi thời cuối những năm 1980 ở VN trở thành một hiện tượng. Một số người ghi âm lại, dịch ra tiếng Việt rồi chuyền tay nhau các bài phát biểu này. 

Một ngày, tôi nhận được một lá thư. Thư viết ngắn gọn như một mệnh lệnh với nét chữ rắn rỏi: “Những điều ông nói về softomics hay lắm. Tôi muốn gặp ông”. Ký tên: Võ Nguyên Giáp. Lá thư ấy mở đầu cho tình bạn thân thiết của tôi và đại tướng Giáp. Kể từ đó, mỗi lần về VN là tôi lại ghé thăm ông. Chúng tôi trao tặng nhau các cuốn sách, ngồi đàm đạo chuyện đời. Chị Hà, vợ ông, cũng nói tiếng Pháp thành thạo và là một người phụ nữ rất cởi mở. Sau này, sức khỏe Đại tướng Giáp không còn dồi dào như trước nữa, nhưng mỗi khi tôi ngỏ lời ông dành thời gian để tiếp những người bạn Pháp có nguyện vọng gặp gỡ ông, gia đình đều đồng ý thu xếp ngay. Cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard, bạn đồng môn với tôi thời sinh viên, sau khi thăm Đại tướng Giáp đã nhận xét: “Tướng Giáp như một pháo đài cổ không phai tàn theo năm tháng”.
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?