Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Chuyện đời Paul Trần Văn Thình (1)

(Bài viết trên báo Tuổi trẻ tháng 1/2007)
Ông Trần Văn Thình. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ông Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Dưới đây là câu chuyện ông kể về đời mình cho báo Tuổi Trẻ. 

Tôi chào đời ngày 5/2/1929 ở tỉnh An Giang, một vùng quê êm ả thanh bình. Cha tôi đặt tên cho tôi là Trần Văn Thìn, đơn giản bởi tôi cầm tinh con rồng. Thế nhưng lúc làm giấy khai sinh, người ta nói sao viết vậy theo kiểu phát âm miền Nam nên tên tôi bị ghi thành Trần Văn Thình. Vậy là tôi mang cái tên lạ vì sự nhầm lẫn đó.

Không biết từ bao giờ, trong gia đình tôi định ra một nguyên tắc: con cái không trở thành thương nhân mà phải trở thành công chức.
Ông bà thân sinh của ông Trần Văn Thình năm 1991 ở Geneva. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông bà thân sinh của ông Trần Văn Thình năm 1991 ở Geneva. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thuở thiếu thời, tôi không tỏ ra đặc biệt hay xuất chúng, cũng có đầy đủ thói hư tật xấu như những đứa trẻ khác. Nhưng một “sự cố” đã làm tôi biến đổi hoàn toàn. Đó là năm tôi được 8 tuổi. Tôi về quê nội ở Sa Đéc nghỉ hè. Ông nội tôi có tới ba bà vợ, trong đó bà nội tôi là người trẻ nhất. Bà thứ hai làm nghề bán thuốc bắc. Bà có tiền và là người rất nghiêm khắc. Nhà ông bà nội nhìn ra bờ sông mênh mông, thuyền bè đỗ giăng kín. Tối tối, người ta vẫn thường tổ chức đánh bạc trên các con thuyền ấy.

Có lần tôi đi theo mấy người lớn để xem đánh bạc. Tôi thấy mình cũng có khiếu đỏ đen vì thường đánh trúng. Ngặt một nỗi tôi không có tiền. Tôi để ý bà Hai có một hòm không bao giờ khóa, bên trong có rất nhiều túi vải nhỏ đựng tiền. Một hôm nhân lúc vắng người, tôi lẻn vào phòng lấy một túi. Làm một lần không bị ai phát hiện trong khi đánh bạc lại thua, tôi lấy tiếp lần hai. Rồi cứ thế tiếp diễn lần thứ ba và thứ tư. Đến lần thứ năm tôi bị bà Hai phát hiện. Bà Hai hỏi tôi ba bốn lần: “Bà nên xử sự thế nào đây?”. Tôi đáp: “Bà đánh cháu mấy roi cũng được, phạt sao cháu cũng chịu. Chỉ xin bà đừng mách ông nội”. Trong nhà, tôi sợ ông nội hơn cả vì lúc nào ông cũng nghiêm khắc với con cháu. Bà nói: “Bà sẽ cho cháu một cơ hội. Trong khi cháu suy nghĩ, bà sẽ chưa nói gì với ông. Nhưng cháu phải nghĩ ra một cách để sửa chữa lỗi lầm”.

"Cựu du kích Việt Nam trở thành quan chức hàng đầu của EC" - tít bài đăng trên tạp chí FEER năm 1993 về ông. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hôm sau, tôi còn nhớ là một buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống bên sông, các nhà đã thắp đèn dầu, bà Hai gọi tôi ra nói chuyện. Tôi thưa với bà: “Cháu xin hứa từ nay trở đi cháu không bao giờ ăn cắp nữa”. Bà Hai ngồi lặng thinh, không nói gì lâu lắm. Sau cùng bà bắt tôi phải kể hết cho bà nghe tất cả những lần tôi đã từng ăn cắp vặt. Tôi thành thật kể tôi từng trộm tiền của cha, thậm chí trộm cả tiền trong túi áo của khách khi họ đến nhà tôi chơi. Tôi cũng kể trong bộ sưu tập tem của cha tôi có hai con tem Hungary rất đẹp. Một hôm, tôi bóc trộm để đổi lấy mấy cái nắp chai chơi đánh đáo với bọn trẻ. Cha tôi phát hiện, triệu tập cả nhà vào đúng 18 giờ để chứng kiến hình phạt. Trước mặt bà nội, em trai và em gái tôi, cha tôi bắt tôi tuột quần, đánh đúng 10 roi vào mông. Bà nội tôi khóc hu hu vì thương tôi nhưng cha tôi không chịu ngừng tay. Thế nhưng tôi không khóc. Tôi chỉ cảm thấy ê mặt vì bị đòn giữa chốn đông người.

Sau buổi tối hôm đó, bà Hai gặp lại tôi, yêu cầu tôi nhắc lại lời hứa. Bà nghe rồi nói: “Cháu có chắc đây sẽ là lần cuối cùng không. Cháu đi ăn trộm mới phải nói dối, còn không làm gì sai thì không bao giờ phải nói dối. Làm điều xấu lúc nào cũng phải nghĩ cách đối phó, không bao giờ sống vui được. Điều thứ hai cháu phải nhớ câu “cờ gian bạc lận”. Họ giả vờ cho cháu thắng mấy lần đầu đấy, còn khi cháu mang tiền ra đánh rồi, cháu có thấy là mình toàn bị thua không?”. Cứ như thế ba ngày liền, chiều nào bà Hai cũng gọi tôi ra, bắt lặp đi lặp lại lời hứa không bao giờ ăn trộm nữa. Ngày cuối cùng, bà hỏi: “Sau những lần cháu hứa như vậy, từ giờ trở đi bà có thể tin cháu được chưa?”. Tôi trả lời: “Cháu xin hứa không bao giờ làm chuyện dại dột như thế nữa”.

Lời hứa ấy theo tôi đi suốt những năm tháng sau này. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ tham gia bất kỳ một trò chơi đỏ đen nào nữa. Lớn lên, tôi ngẫm nghĩ mãi không biết vì sao một bà già ở vùng quê VN lại có cách giáo dục tài tình vậy. Rồi tôi ngộ ra: tất cả phải do tự giác. Bà tôi không thể bắt ép tôi không được nói dối nữa, không được ăn trộm vặt nữa. Mà chính tôi, sau những cuộc đối thoại với bà, tự cảm thấy đó là điều xấu xa không nên lặp lại. Tôi ghi sâu trong lòng hình ảnh cuộc đối thoại cuối cùng, bà nhìn tôi với con mắt âu yếm. Tôi đã khóc không phải vì xấu hổ mà vì cảm động. 

Năm 1945, sau khi phát xít Nhật bị đánh bại ở VN, tôi tham gia kháng chiến. Lúc ấy, thành thật mà nói tôi chưa hiểu lắm về lòng yêu nước. Gia đình tôi vốn có quan hệ khá thân thiết với người Pháp, thậm chí khi người Nhật tạm chiếm miền Nam, cha tôi còn giúp người Pháp cất giấu vũ khí và thuốc men. Việc làm này xuất phát từ lòng tin vào tuyên bố của tướng De Gaulle tháng 1-1944 tại Brazzaville (Congo bây giờ) rằng các nước thuộc địa giúp Pháp chống phát xít Đức sẽ được trả độc lập. Nhưng sau đó, những người Pháp thực dân đã không giữ lời hứa. Tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi đạo Khổng, từ bé đã thuộc làu làu Tam Quốc. Tôi thích nhất là Quan Công, nhân vật trung thành đến tận xương tủy. Vì vậy, khi thực dân Pháp quay trở lại VN, tôi quyết định tham gia các hoạt động kháng Pháp. Tôi còn rất ghét cha tôi vì ông từng giúp đỡ người Pháp.

Lúc ấy tôi học Trường Pétrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong). Các học sinh trong trường có phong trào làm lựu đạn tự tạo. Tôi cũng tham gia và giúp một số học sinh cất giữ lựu đạn. Một kỷ niệm ở Trường Pétrus Ký là các học sinh người VN phải tham gia thi tuyển để được vào học. Tôi nhớ khóa năm 1939, năm tôi lên 10, tôi thi vào lớp 6 cùng 3.000 thí sinh khác và đậu thứ ba. Cha tôi làm một bữa tiệc nhẹ, gồm có phó mát, sandwich và rượu vang. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nếm một ly rượu vang đỏ chát.

Đầu năm 1946, tôi trốn nhà, bỏ học để tham gia lực lượng vũ trang bộ đội Hoàng Diệu thuộc Tỉnh bộ Đồ Chiểu (Bến Tre). Một ngày nọ trên đường hành quân, tôi gặp lại một anh bạn học ở Pétrus Ký. Anh ấy quí tôi, gặp lại tôi liền lôi chai rượu Bordeaux anh ấy cất giấu rất kỹ ra mời. Tôi không uống một mình mà mời cả tỉnh đội uống. Chúng tôi được một buổi thư giãn. Không ngờ khi trung đội trưởng biết chuyện, ông ấy nổi trận lôi đình và ra quyết định hành quyết bạn tôi. Tôi lên tiếng bênh vực thì ông ấy đòi xử tử luôn cả tôi nữa. Tôi đành im lặng. Anh bạn tôi bị bỏ rọ trôi sông. Khi chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi quyết định bỏ đi. Tôi nghĩ cách hành xử như vậy là không cao thượng và không công bằng.

Tôi đi lang thang nơi này nơi nọ. Một hôm, tôi nhớ là một ngày nắng hè tháng 6-1946, đang lang thang ở chợ thì bỗng đâu mấy người lính Pháp ập tới. Hóa ra mẹ tôi đã nhờ lính đến bắt đưa tôi về. Mẹ thuyết phục tôi về Sài Gòn học lại, nếu không sẽ cho lính bắt bỏ tù luôn. Vậy là tôi về nhập học ở Trường trung học Chasseloup-Laubat, nay là Trường Lê Quý Đôn.

Trong gần bảy tháng theo kháng chiến ấy, người làm tôi cảm động nhất là người vợ thứ ba của cha tôi. Mỗi khi gặp chuyện gì, tôi hay chạy về nhà bà Ba ở Bến Tre để lánh nạn. Tôi quí bà bởi bà che chở và lo lắng cho tôi không khác gì con ruột. 

Trở về Sài Gòn, những tưởng tôi sẽ tu chí ăn học, nhưng những rắc rối mới thật sự bắt đầu.

>> Những năm đầu ở Pháp của Paul Trần Văn Thình (2)

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?