Dưới đây là những chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian truân
với nghề chạm khắc tranh gỗ của anh Bùi Trọng Quân gửi tới bạn đọc
VnExpress.
Tôi năm nay 26 tuổi, sinh ra trong một gia đình không được êm ấm. Bố mẹ
ly thân từ khi tôi học lớp 4, còn anh trai lớp 6. Một mình mẹ bươn chải
lên Hà Giang mưu sinh, để hai anh em ở với bố. Kinh tế gia đình lúc đó
khó khăn nên anh trai vừa đi học ở trường, vừa phải học nghề chạm, đục
gỗ.
Sau khi mẹ kiếm được tiền, mua đất làm nhà thì về đón tôi lên ở cùng.
Học xong cấp 3, tôi về Hà Nội học trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch,
còn anh trai ở với bố. Lúc chuẩn bị đi thi trường Mỹ thuật Hà Nội, anh
không may bị ốm, đành gác lại việc học, sau đó ở nhà tiếp tục nghề điêu
khắc gỗ.
Bản thân tôi, khi học xong ra trường có đi làm cho các khách sạn. Đến
năm 2013 thì dành dụm được khoảng 100 triệu đồng. Sau đó, tôi dùng số
tiền này mở cửa hàng giày dép với mục tiêu kiếm được nhiều lợi nhuận hơn
để giúp gia đình. Thế nhưng, do non kinh nghiệm cùng nhiều nguyên nhân
khác, chỉ sau một năm, cửa hàng tôi thua lỗ, đóng cửa và số tiền vốn 100
triệu đồng cũng mất sạch.
Trước thất bại này, tôi bị sốc, nằm suy nghĩ nhiều đêm liền và cảm thấy
mọi thứ cứ mông lung, không biết sẽ làm gì. Nhưng rồi, tôi tự động viên
mình phải tiếp tục gượng dậy, phải làm một cái gì đó để không sống
trong những chuỗi ngày nhàm chán, buồn tủi.
Và rồi, tôi đã nghĩ đến anh trai - một người có kinh nghiệm đục, chạm
tranh gỗ gần 15 năm, lại có hoa tay vẽ nhưng chưa có điều kiện phát huy,
thành ra chỉ làm vài sản phẩm rồi bán nhỏ lẻ.
Sau khi bàn tính với anh, chúng tôi ngay lập tức bắt tay triển khai.
Tôi phụ trách đầu ra của sản phẩm, còn anh trai chịu về chuyên môn đục,
chạm. Thế nhưng, mọi chuyện thật không dễ dàng. Những ngày đầu đi chào
mời các showroom nội thất để kết hợp cùng làm, đến đâu người ta cũng lắc
đầu từ chối vì họ thiếu niềm tin ở chúng tôi.
Trọng Quân (bên trái) cùng anh trai.
|
Điều này cũng dễ hiểu, vì anh em tôi không tên tuổi, không có tư cách
pháp nhân... thì làm sao họ tin là có thể làm ra được những sản phẩm
chất lượng. Nếu mời về tận nơi xem thì quá xa, mất thời gian nên họ
không đi. Để giải quyết vấn đề, chúng tôi quyết định thành lập công ty
vào tháng 1/2015 để phần nào tăng thêm niềm tin cho đối tác. Tôi làm
giám đốc, còn anh trai là phó giám đốc. Mang tiếng là công ty, nhưng số
vốn ban đầu gần như bằng không. Do đó, chiến lược của chúng tôi là khi
khách đồng ý hợp tác làm sản phẩm thì họ sẽ ứng trước tiền để triển
khai.
Khi đã phần nào chính danh, tôi lên đường rong ruổi khắp nơi chào hàng.
Trong lúc tiếp thị, tôi trưng ra những tấm hình chụp sản phẩm mẫu, kèm
theo đó là những lời cam kết nếu phát hiện sản phẩm làm bằng máy công
nghiệp thì chúng tôi sẽ đền bù hợp đồng 200% giá trị sản phẩm. Song song
đó, tôi đưa ra mức giá thấp nhất có thể để cốt làm sao kiếm được những
hợp đồng đầu tiên.
Trời không phụ lòng người, sau nhiều tháng chạy khắp Hà Nội thì cuối
cùng đã có một showroom đồng ý làm một tác phẩm tranh điêu khắc nghệ
thuật "Mã đáo thành công" khá lớn. Tuy nhiên, do chưa thực sự tin tưởng
nên họ yêu cầu chúng tôi đục chạm trước một bức nhỏ để kiểm chứng tay
nghề. Sau đó, họ đã đồng ý ký hợp đồng. Nhận được đơn hàng đầu tiên này,
tôi và anh trai vui muốn rơi nước mắt.
Để đáp ứng được chất lượng và thời gian hoàn tất, anh em tôi đèo nhau
đi quanh làng thuyết phục một số thợ về làm cho mình. Nhưng có lẽ vì
không mấy tin tưởng vào khả năng của chúng tôi nên hầu hết đều từ chối.
Với sự quyết tâm cao, anh em tôi thuyết phục họ không được thì gặp bố mẹ
họ để nói chuyện thêm. Có lẽ, vì thấy chúng tôi quá tâm huyết nên cuối
cùng các thợ lành nghề này cũng đồng ý về làm chung.
|
Sản phẩm tranh gỗ điêu khắc thủ công của anh em Trọng Quân.
|
Sau thời gian dài ròng rã làm việc không ngưng nghỉ, bức tranh dài 3,6m
rộng 1,7m dày 11cm, nặng đến cả tấn cũng đã hoàn tất. Chúng tôi mời chủ
showroom đến nghiệm thu để bàn giao sản phẩm. Nhưng để lấy được đồng
tiền người khác quả rất nhiêu khê. Dù đã rất tỉ mỉ với từng đường nét
chạm trỗ, nhưng họ vẫn tìm đủ lý do để không hài lòng và có những lời
nói khó nghe, thậm chí xúc phạm.
Nếu làm vì số tiền họ trả thì chắc chắn lòng tự trọng của chúng tôi cao
hơn thế rất nhiều và đã huỷ ngay hợp đồng. Nhưng vì làm với một sự
quyết tâm đặt chữ tín lên hàng đầu nên hai anh em đành nhẫn nhịn hết sức
có thể và chấp nhận điều chỉnh mọi thứ theo ý họ.
Tuy nhiên, cũng vì quá thật thà nên chúng tôi phải chịu thiệt thòi. Sau
khi giao hàng đâu vào đấy, khách hàng chỉ trả một phần và tìm cách làm
khó dễ để ăn chặn luôn 5 triệu đồng. Do vậy, tổng kết đơn hàng, chúng
tôi chỉ đủ trả tiền công thợ còn hai anh em coi như "làm không công".
Tuy nhiên, chúng tôi không buồn, vì dù sao đó cũng là hợp đồng đầu tay
của công ty và phần nào giúp anh em thấy tự tin hơn về khả năng có thể
tạo ra những sản phẩm chất lượng. Sau đó, một vài hợp đồng khác được ký
kết. Nhưng do vốn không có nên khách đặt đến đâu chúng tôi đi mua gỗ đến
đó. Có những lúc phải mất 2-3 ngày đi tìm mới mua được gỗ. Điều này
khiến cho hiệu suất làm việc không cao.
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc thiếu thốn do nơi đặt cơ sở được anh em
tôi mượn nhờ tại nhà người thân nên khá chật hẹp. Những ngày nắng nóng,
thợ hay bị mệt phải nghỉ để dưỡng sức nên ảnh hưởng không nhỏ tới tiến
độ công việc. Để đúng hợp đồng, chúng tôi phải làm thêm cả buổi đêm cho
kịp yêu cầu của khách.
Sau những chặng đường ban đầu vất vả, đến nay công ty tôi cũng phần nào
đi vào ổn định. Tuy nhiên, doanh thu mang về chủ yếu đủ trả tiền công
thợ và một số chi phí khác chứ chưa có lợi nhuận nhiều. Chúng tôi vẫn
đang ra sức tìm nhà đầu tư có tâm huyết với nghề này để mong có thể mở
rộng cơ sở sản xuất và nguồn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy bán
hàng để có tiền quay vòng vốn.
Trường hợp không tìm được người "chung chí hướng" để hỗ trợ vốn thì anh
em tôi đã đặt mục tiêu trong vòng 3 năm phải có đủ tiền để mở rộng nhà
xưởng và sau đó tiến hành phát triển các cửa hàng tranh gỗ tại Hà Nội,
TP HCM... để phân phối sản phẩm do công ty làm ra. Còn lâu dài là hướng
tới xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
Ngoài ra, ước mơ sâu xa của chúng tôi là làm sao có thể tạo ra được
những tác phẩm để đời, và mỗi khi nói đến tranh gỗ đục tay thì ai cũng
sẽ nói đến tranh gỗ của người Việt.
Trọng Quân