(ĐTCK) Dù có những lúc rung lắc, nhưng
VN-Index vẫn giữ được mốc điểm quan trọng 610 điểm và dường như mốc
kháng cự mạnh trước đây đang trở thành điểm tựa cho thị trường.
Các thông tin vĩ mô vẫn tiếp sức cho thị
trường như chỉ số PMI trong tháng 10 đã tăng từ mức 49,5 điểm lên 50,1
điểm, lạm phát trong tháng này tăng nhẹ trở lại ở mức 0,11% sau hai
tháng giảm liên tiếp, giá xăng tiếp tục có đợt điều chỉnh giảm gần 800
đồng/lít…, cùng những điểm nhấn tích cực về báo cáo kết quả kinh doanh
quý III/2015 của các doanh nghiệp như thông tin từ HNX cho biết, có
khoảng 85,7% doanh nghiệp niêm yết trên sàn báo lãi trong quý.
Nhờ những nền tảng hỗ trợ tốt này, thị
trường chứng khoán tiếp tục duy trì trạng thái tích cực và những phiên
điều chỉnh chỉ mang tính chất củng cố, lấy lại điểm cân bằng với độ rộng
không quá lớn.
Tuy vậy, sự tăng điểm của thị trường
trong các phiên vừa qua khá thận trọng. Chỉ có một điểm tích cực là dòng
tiền hoạt động khá mạnh, cả khối nội và ngoại đẩy mạnh giao dịch giúp
thanh khoản cải thiện đáng kể.
Điều
này cũng diễn ra tương tự trong nửa đầu phiên sáng nay (5/11), tâm lý
thận trọng cùng áp lực chốt lời tiếp tục được duy trì khiến cả hai chỉ
số đều mở cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc đợt 1,
Vn-Index giảm 1,11 điểm (-0,18%) xuống 609,49 điểm với tổng khối lượng
giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 81,4 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà
tăng trở lại của một số mã bluechup đã giúp thị trường dần hồi phục, chỉ
số VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 610 điểm. Tuy nhiên, đà tăng không
mấy chắc chắn khi độ rộng khá hạn chế.
Cũng giống phiên sáng qua, cặp đôi VNM
và FPT đang là điểm tựa chính của thị trường khi lần lượt tăng 1,63% và
1,92%, cùng sự hỗ trợ của một số mã bluechip với sắc xanh nhạt như VIC,
SSI, BID, GAS, HSG, HPG.
Nhóm cổ phiếu khoáng sản đang thắp lửa
cho thị trường. Sau phiên tăng mạnh hôm qua, dòng tiền đã hỗ trợ tích
cực tiếp tục đẩy các mã này lên cao. Cụ thể, BGM, KSA, DHG vẫn duy trì
sắc tím với lượng khớp lệnh tích cực đều đạt hơn 1 triệu đơn vị và dư
mua trần khá lớn.
Tương tự, các mã trong nhóm khoáng sản
trên HNX cũng có những điểm sáng như BAM và KSK tiếp tục duy trì sắc
tím, trong đó, BAM đã chuyển nhượng thành công 0,62 triệu đơn vị và dư
mua trần 0,64 triệu đơn vị.
Thị trường tiếp tục diễn biến khá thận
trọng, các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu với biên độ dao động
hẹp. Tuy nhiên, dư âm thông tin SCIC sẽ thoái vốn khỏi VNM tiếp tục kéo
cổ phiếu này bật cao và là điểm tựa chính giúp thị trường đóng cửa trong
sắc xanh.
Đóng cửa, sàn HOSE khá
cân bằng khi có 88 mã tăng và 94 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,06 điểm
(+0,17%) lên 611,66 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh so với phiên sáng
qua với khối lượng giao dịch đạt 43,79 triệu đơn vị, trị giá 905,89 tỷ
đồng. Trong đó, nguyên nhân do giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 1,33 triệu
đơn vị, trị giá 120,37 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, áp lực bán
đã chiếm ưu thế kéo thị trường đi xuống, trong đó, nhiều cổ phiếu
bluechip đảo chiều đỏ điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,15%)
xuống 81,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 25,11 triệu đơn vị,
trị giá 288,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực đạt 6,81
triệu đơn vị, trị giá 101,7 tỷ đồng. Riêng SDU thỏa thuận 6,6 triệu đơn
vị, trị giá 98,99 tỷ đồng.
Trong khi FPT đã chững lại với mức tăng 0,96% thì VNM tiếp tục đà tăng mạnh 2,44% đã hỗ trợ tốt cho thị trường.
Trái với diễn biến tăng nhẹ của các cổ
phiếu ngành chứng khoán khi HCM và SSI duy trì sắc xanh nhạt thì ở nhóm
ngân hàng, hều hết các mã đều đang giao dịch trong sắc đỏ như VCB, BID,
STB, EIB, ngoại trừ MBB nhích nhẹ 1 bước giá.
Bên cạnh sóng cổ phiếu khoáng sản, các
mã ngành dệt may cũng đang dần xác lập sóng khi đồng loạt TCM, GMC, TNG,
G20... đang gây bất ngờ khá lớn khi đồng loạt tăng giá trở lại. Trong
đó, TCM đang tăng mạnh 600 đồng (+1,7%); GMC tăng 2.700 đồng(+6,7%); TNG
và G20 cùng tăng 100 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ô tô vẫn chưa tìm lại
điểm hồi. Trong đó, HTL tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp
và lùi về mức giá 144.000 đồng/CP, còn lại các mã khác gồm TMT, HAX,
SVC vẫn trong xu thế giảm khá mạnh nhưng đã thoát mức sàn.
Dẫn đầu thanh khoản trên sàn vẫn thuộc
về BGM với lượng khớp 2,35 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,62 triệu
đơn vị. Tiếp đó, các cổ phiếu thị trường khác cũng giao dịch khá sôi
động như HQC (hơn 2 triệu đơn vị), DLG (1,79 triệu đơn vị)…
Thanh Thúy - ĐTCK