Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Bị 'ném đá' dữ dội nhưng Donald Trump vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao vút, vì sao?

Đôi khi, tính logic của vấn đề không quan trọng bằng cách bạn nêu lên vấn đề đó như thế nào.

http://www.blogchungkhoan.com/2015/09/mo-tai-khoan-tu-van-au-tu-chung-khoan.html#.Vnel_U-fesV

Tuyên bố ngày 7/12/2015 của ứng cử viên tổng thống Donald Trump về chính sách cấm người nhập cư Hồi giáo đã gây chú ý trên toàn thế giới. Gần 500.000 người Anh đã ký vào đơn yêu cầu chính phủ cấm nhập cảnh đối với tỷ phú Trump.

Trong khi đó, làn sóng tranh luận về quan điểm này đang bùng phát tại cả Đảng Dân chủ, Cộng Hòa lẫn giới truyền thông Mỹ cũng như các tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là cuộc thăm dò sau đó cho thấy 37% số cử tri ủng hộ ứng cử viên Trump, đứng đầu trong số các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Điều này đồng nghĩa rằng số cử tri này đồng ý với quan điểm “cấm tạm thời” người nhập cư Hồi giáo đến Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia, tỷ phú Trump sở hữu một phong cách kiêu ngạo và khó dự đoán. Vậy nguyên nhân nào khiến vị tỷ phú này dẫn đầu cuộc thăm dò ứng cử viên đảng Cộng hòa và vẫn được ủng hộ dù nhiều người gọi ông là kẻ mị dân hay đồ phát xít?

Những nghiên cứu về ngôn ngữ cho thấy vị tỷ phú 69 tuổi này có nhiều điểm tương đồng với George Wallace, Joseph McCarthy hay thậm chí Hitler. Cụ thể, kỹ năng hùng biện trước đám đông đã đem lại lợi thế vô cùng to lớn cho ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kẻ mị dân?

Từ mị dân (demagogue) hiểu theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “nhà lãnh đạo của nhân dân”. Tuy nhiên, ngày nay người ta sử dụng từ này để chỉ những nhà lãnh đạo tận dụng cảm xúc hay thành kiến của đám đông để đưa ra những lời hứa viển vông. Nói cách khác, những nhà lãnh đạo này đánh vào tâm lý đám đông và chơi chữ hơn là sử dụng các lý lẽ thực tế.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Trump liên tục mô tả nước Mỹ đang gặp nhiều nguy cơ và ông là người duy nhất có thể giải quyết những rắc rối này, đồng thời đưa nước Mỹ trở lại thời hoàng kim.

Mặc dù tỷ phú Trump ít đề cập đến việc ông sẽ làm thế nào để hoàn thành mục tiêu trên, nhưng tài hùng biện và sự tự tin đã thuyết phục được rất nhiều cử tri. Những bài phát biểu của Trump liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cử tri hãy tin tưởng vào ông, rằng vị tỷ phú này có đủ khả năng lãnh đạo nước Mỹ với dẫn chứng là những thành quả kinh doanh trước đây.

Thông thường, những lời phát biểu trên sẽ khiến cử tri liên tưởng đến sự ngạo mạn, nhưng tỷ phú Trump đã rất thông minh khi gắn kết hình ảnh ngạo mạn của mình với nước Mỹ. Tất cả sự vĩ đại, những thành công hay sự ngạo mạn của ông cũng là những gì mà nước Mỹ đáng có. Rõ ràng, quan điểm này đã thu hút được không ít cử tri Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ phú Trump là một kẻ mị dân bởi ông không hề đưa ra được những kế hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, khác với các ứng cử viên khác, những phát biểu của tỷ phú Trump không bị ước thúc bởi đảng Cộng hòa, các chuyên gia hay giới truyền thông. Ứng cử viên này sẵn sàng nhận chỉ trích của mọi người để cho thấy mình là một nhà lãnh đạo “không thể kiểm soát”.

Ý tưởng này có thể thu hút nhiều cử tri với quan điểm chính trị bảo thủ, nhưng những chính trị gia khác lại lo ngại việc lãnh đạo mất kiểm soát có thể khiến Mỹ rơi vào tình trạng như Đức dưới thời Hitler.

Dùng ngôn từ làm vũ khí

Tất nhiên, một lượng lớn cử tri không muốn nhà lãnh đạo của họ là người không thể kiểm soát. Vậy làm thế nào tỷ phú Trump lôi kéo được những cử tri này?

Đầu tiên, ứng cử viên Trump gợi nhớ lại về “Giấc mơ Mỹ”. Trong đó, Mỹ được mô tả là “niềm hy vọng” lớn nhất của thế giới và tổng thống sẽ phải là người lãnh đạo quốc gia này ngày càng phát triển hơn nữa. Sau đó, ông Trump cho rằng bản thân mình có năng lực vượt trội so với các ứng cử viên khác, rằng những người khác quá ngốc hoặc quá nhu nhược.

Việc đặt vấn đề như vậy khiến nhiều người khó phản đối bởi điều này đồng nghĩa phủ nhận “sự vĩ đại” của nước Mỹ.

Trong các cuộc tranh luận hay phát biểu, tỷ phú Trump thường sử dụng những thông tin không được kiểm chứng như “khảo sát cho thấy”, “chúng ta đang có lợi thế trên nhiều lĩnh vực”.
Tại Phương Tây, các thông tin thường được dẫn chứng với nguồn rõ ràng hoặc số liệu cụ thể để tăng tính chân thực. Tuy nhiên, tỷ phú Trump lại dùng thủ pháp công kích đối thủ khi bị tranh cãi về những thông tin trên thay vì tranh luận như thông thường.
Đặc biệt, khi ứng cử viên Carly Fiorina bắt đầu nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri, tỷ phú Trump đã thốt lên: “Hãy nhìn vào mặt cô ta. Liệu sẽ có ai bỏ phiếu cho bộ mặt đó chứ? Bạn có thể tưởng tượng được đây sẽ là bộ mặt của vị tổng thống tiếp theo của chúng ta?”

Việc tranh luận để chạy đua tổng thống không yêu cầu các ứng cử viên chỉ được đưa những thông tin có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, những buổi thảo luận hay phát biểu của các ứng cử viên thường mang nặng cảm xúc hơn lý lẽ thực tế hay các số liệu khô khan, và đây là một lợi thế rất lớn cho những người như ông Trump.

Bên cạnh đó, ứng cử viên Trump cũng hay sử dụng câu nói tu từ cho những vấn đề ông không đủ khả năng giải thích nhưng vẫn muốn nhấn mạnh.

Ví dụ, vị tỷ phú này cho biết những ứng cử viên khác là nhu nhược và yếu kém, sau đó nói rằng ông không muốn nói thêm về vấn đề này vì không muốn gây tranh cãi. Với cách phát biểu như vậy, tỷ phú Trump vẫn nhấn mạnh sự chế giễu với các ứng viên khác mà không cần phải giải thích thêm.

Rõ ràng, tỷ phú Donald Trump đang có những bước đi khác thường trong chiến dịch tranh cử của mình.

Hiện vẫn chưa rõ chiến lược này có đem lại chiếc ghế tổng thống cho ứng cử viên này hay không nhưng nhiều cử tri có vẻ bị thuyết phục trước những lời tuyên bố đầy ngạo mạn của tỷ phú Trump.

Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?