Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Thuật toán trên phố Wall: 'Thiên thần' hay 'ác quỷ'?

Đội ngũ đông đảo các nhà giao dịch bận rộn trên các sàn đã được thay thế bằng các chuyên gia toán học sử dụng siêu máy tính để đánh bại thị trường.


Hãy quên đi Gordon Gekko – nhà tài phiệt phố Wall thất thế vì giao dịch nội gián và đã trở thành hình mẫu cho tác phẩm điện ảnh nổi tiếng “Ma lực đồng tiền” (Wall Street: Money never sleeps).  Ngày nay, đội ngũ đông đảo các nhà giao dịch bận rộn trên các sàn đã được thay thế bằng các chuyên gia toán học sử dụng siêu máy tính để đánh bại thị trường. Trong bối cảnh ấy, một câu hỏi nổi lên: những thuật toán là “thiên thần” hay “ác quỷ”?  

Buổi chiều ngày 23/4 vừa qua, tài khoản Twitter của hãng tin AP cập nhật dòng thông tin: “Hai quả bom phát nổ tại Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama đã bị thương”. Đây không phải là sự thực. Tài khoản Twitter của AP đã bị hack bởi một nhóm tự xưng là The Syrian Electronic Army (Đội quân điện tử Syria). Chỉ sau vài mili giây, dòng tweet này thu hút được sự chú ý của các siêu máy tính trên phố Wall. 

Được lập trình để rà soát trên mạng và tìm kiếm các từ hoặc cụm từ có sức ảnh hưởng lớn đến TTCK, những chiếc máy tự động cập nhật thông tin trên ngay lập tức. Những từ khóa như “Obama”, “nổ”, “Nhà Trắng” ngay lập tức được “bắt sóng” và kéo theo đó là một “cơn mưa giao dịch”. Chỉ trong vài giây, chỉ số Dow Jones giảm 140 điểm và hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường bị thổi bay.

Một vài phút sau, thông tin được xác nhận là giả mạo và thị trường nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người, ý tưởng một dòng tweet giả mạo có thể có tác động khổng lồ trên thị trường tài chính là điều vượt xa trí tưởng tượng của họ. Thực tế thì ai đang điều khiển phố Wall? Con người hay máy móc?

Nếu đưa ra câu trả lời là con người, bạn là một người khá lạc hậu. Trong suốt thập kỷ vừa qua, công nghệ đã thực hiện một cuộc đảo chính trên sàn giao dịch. Hình mẫu Gordon Gekko với mái tóc chuốt ngược về sau thẳng mượt cùng bộ comple giá 5000 USD đã bị thay thế hoàn toàn bởi những chiếc máy tính cấu hình cao có khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ và thực hiện lệnh mua bán chỉ trong nháy mắt. 

Ngày nay, nếu bạn đến thăm một sàn giao dịch, thay vì va phải những người đàn ông với cà vạt xộc xệch đang la hét trên điện thoại, bạn sẽ nhìn thấy hàng dài những người (phần lớn vẫn là nam giới) đang chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, lặng lẽ thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống máy tính.

Khoảng 70% lệnh mua hoặc bán trên phố Wall được thực hiện bằng phần mềm. Và, những người xuất sắc về toán học chịu trách nhiệm viết nên những chương trình này mới chính là bộ phận làm chủ thị trường. Thời đại ngày nay là thời đại của thuật toán.

Các nhà toán học lần đầu tiên tham gia vào thế giới tài chính vào cuối những năm 1960. Edward Thorp, giáo sư toán học tại Đại học California, xuất bản một cuốn sách năm 1967 với tựa đề “Beat the Market” (Đánh bại thị trường). Trong cuốn sách này, ông mô tả cách kiếm tiền trên TTCK (tương tự như cách giành chiến thắng ở casino mà ông đã mô tả trong một cuốn sách được xuất bản trước đó). 

Cuốn sách về sóng bạc đã thành công đến nỗi các casino buộc phải thay đổi luật chơi. Và, Beat the Market được cho là còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Năm 1974,  Thorp thành lập quỹ đầu cơ có tên gọi Princeton/Newport Partners với tham vọng “giết chết” thị trường. 

Cùng lúc đó, triển vọng nghề nghiệp cho các nhà khoa học cũng trở nên mờ mịt. Sau sự kiện con người đặt chân đến mặt trăng năm 1969, chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách dành cho nghiên cứu.  Để kiếm sống, và cũng đã chứng kiến lợi nhuận khổng lồ được tạo ra trên phố Wall, nhiều nhà khoa học quyết định chuyển hướng sang tài chính. 

Những nhà khoa học này mang theo phương pháp nghiên cứu mới đến thị trường tài chính.. Họ cũng mang đến niềm tin cho rằng sức mạnh của máy tính có thể giúp tiên đoán về thị trường. 

"Huyền thoại sống" ở Renaissance Technologies

Các nhà toán học bước vào thị trường tài chính với những phương pháp luận mới và mở ra một chương mới cho thị trường: phân tích định lượng. Và, nhà phân tích nổi tiếng nhất chính là người được tờ Financial Times đánh giá là “tỷ phú thông minh nhất”: Jim Simons. 

Không ít người coi Simons là một huyền thoại sống. Cùng với Shiing-Shen Chern, ông là tác giả của lý thuyết  Chern-Simons (thuyết này được coi là quan trọng vì tỏ ra hữu hiệu để giải thích những khía cạnh của một lĩnh vực khác: lý thuyết dây (string theory) trong Vật lý. 

Chỉ nghiên cứu những vấn đề hàn lâm, tưởng chừng như Simons sẽ không bao giờ xuất hiện trên phố Wall. Tuy nhiên, năm 1982, ông thành lập Renaissance Technologies – một công ty quản lý quỹ đầu cơ xuất sắc.  Quỹ Medallion do Renaissance Technologies quản lý có lợi suất lên tới 2.478,6% trong 10 năm đầu tiên – vượt trội so với mọi quỹ đầu cơ trên thế giới (trong đó có cả Quantum Fund của ông trùm George Soros). 

Thành công của Renaissance Technologies dựa trên một thuật toán hết sức phức tạp và luôn được giữ bí mật. Medallion đã giúp Simons lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh với tài sản ròng trên 10 tỷ USD. 

Trong số 200 nhân viên của Renaissance Technologies, 1/3 có bằng tiến sĩ nhưng không phải trong ngành tài chính. Họ là tiến sĩ vật lý, toán học và thống kê.  Renaissance được coi là “phòng vật lý và toán học tốt nhất trên thế giới”. Những người có bằng tiến sĩ tài chính, hoặc các nhà giao dịch đã từng làm việc ở các ngân hàng đầu tư hoặc thậm chí là các quỹ đầu cơ khác cũng không lọt vào danh sách tuyển dụng. 

Không có gì đáng ngạc nhiên, các nhà giao dịch truyền thống ghét những nhà toán học. Không chỉ đẩy họ ra khỏi top đầu, các nhà toán học cũng có văn hóa hoàn toàn khác. Thậm chí, một nhân viên kinh doanh phần mềm đã mô tả về các nhà toán học trên blog: “Họ không nói những chuyện tầm phào. Khi bạn nói về thời tiết, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang cố gắng truyền đạt điều gì đó rất quan trọng về thiên văn học”. 

Giao dịch cao tần

Chính xác thì các chuyên gia phân tích định lượng làm gì? Patrick Boyle và Jesse McDougall điều hành một quỹ đầu cơ. Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi bước vào văn phòng làm việc của họ. “Chúng tôi đặt màn hình máy tính ở cả trong bếp và phòng khách để có thể theo dõi sát sao thị trường kể cả trong bữa ăn”, Boyle nói. Hai người làm việc liên tục từ 7h sáng đến khoảng 11h đêm. Lợi suất mà quỹ này mang lại không hề suy giảm khi thị trường suy giảm và tăng mạnh hơn chỉ số FTSE. 

Họ làm như thế nào? Boyle cho biết tất cả đều được tính toán bằng các phép toán. Họ mua dữ liệu về TTCK và phân tích chúng. Các quy tắc của môn xác suất thống kê được tận dụng triệt để một cách khôn ngoan.  

Boyle cũng tự viết ra phần mềm giao dịch. Mặc dù phải mất một thời gian khá lâu để hoàn thành, tốc độ giao dịch là siêu nhanh. Một số người tập trung nghiên cứu Giao dịch cao tần (HFT). “Trong 1 milli giây, giá có thể tăng khoảng 1 penny. Bạn thực hiện hàng nghìn lần thao tác mua bán đối với vài tram cổ phiếu và chắc chắn sẽ lời”, McDougall nói. 

Simon Jones, 36 tuổi, là một nhà toán học đang làm việc tại một ngân hàng lớn. Jones cho biết những người làm việc cùng anh đến từ Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và họ là những người xuất sắc nhất. 

Trong cuộc chơi này, tốc độ là điều rất quan trọng và đang là nhân tố quyết định cuộc đua giữa các hãng. Thậm chí, họ còn di chuyển máy chủ đến gần các sở giao dịch để đẩy nhanh thời gian kết nối.
Năm 2010, một công ty có tên Spread Networks lắp đặt đường cáp nối trực tiếp từ New York đến Chicago. Để sử dụng đường cáp này, ngân hàng của Jones phải trả tới 50 triệu USD với mục đích có thông tin sớm hơn chỉ vài milli giây so với các ngân hàng khác. 

Trong khi Warren Buffett quyết định mua cổ phiếu Coca-Cola khi giá xuống bởi ông cho rằng cổ phiếu này sẽ hồi phục trong tương lai, các nhà toán học chỉ quan tâm đến milli giây tiếp theo. Và, khi có quá nhiều người lo lắng về milli giây tiếp theo, thị trường bị gián đoạn. 

"Ác quỷ" ?

Ngày 6/10/2010, có quá nhiều giao dịch trực tuyến được thực hiện trong phiên, khiến sàn NYSE “đóng băng” tạm thời trong 30 phút. Chỉ số Dow Jones lao dốc và sau đó lại phục hồi với mức biến động lên tới 1.000 tỷ USD. 19,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch. 

Vấn đề đặt ra là liệu có phải hệ thống này đang tạo ra quá nhiều biến động và chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ các quỹ đầu cơ. Charlie Munger – một đối tác của Warren Buffett – đã mô tả hệ thống giao dịch tần số cao là “một con quỷ”. Munger cho rằng thật ngu ngốc khi cho phép một hệ thống chi phối thị trường. 

Một số nhà toán học cũng tỏ ra hoài nghi. Boyle cho rằng một số người bước vào thị trường tài chính từ khoa học thuần túy, nơi họ quen với việc toán học có thể giải quyết vấn đề. Họ nghĩ rằng có thể tìm ra công thức mô tả hoàn hảo cách thức hoạt động của thị trường. Tuy nhiên, đó là điều không thể.

16 năm sau khi bước chân vào phố Wall, Simon Jones đang lên kế hoạch đi du lịch. Boyle chia sẻ rằng: “Một nhà phân tích định lượng có thể kiếm được tỷ đô, nhưng đôi khi tôi tự hỏi mình liệu đó có phải là một đóng góp tích cực cho xã hội”.  

“Nếu ngành hóa học, vật lý và y tế có cấu trúc lương thưởng tương tự như ngành tài chính, có lẽ chúng ta đã tìm ra được thuốc chữa ung thư. Con người chỉ đang tìm ra một cách mới để trở nên tham lam”, Boyle nói.
 
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?