Cuối tháng 1/2016 tới đây, Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 (Sài Gòn 5) trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn –TNHH Một Thành Viên, sẽ bán đấu giá hơn 38,2 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo bản công bố thông tin của Sài Gòn 5, có 2 tài sản doanh nghiệp này không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa rất đáng chú ý. Điều này được thực hiện theo Quyết định số 5823/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND Tp.HCM, về việc xác định giá trị doanh nghiệp, Sài Gòn 5 phải thực hiện bàn giao tài sản không cần dùng về cho Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (Công ty mẹ) theo quy định của pháp luật.
Theo công bố của Sài Gòn 5 về 2 tài sản này, đáng chú ý là thương vụ bán Khu thương mại Dịch vụ An Đông 2 do Sài Gòn 5 làm đầu tư cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Năm 2003, Sài Gòn 5 đã ký Hợp đồng chuyển nhượng dự án này cho Vạn Thịnh Phát. Công trình được chia thành 2 phần:
- Khu thương mại-dịch vụ (từ tầng hầm đến tầng 7), được chuyển nhượng có thời hạn 42 năm tính từ ngày 10/6/2003 theo Quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của Tp.HCM. Do Sài Gòn 5 đã chuyển nhượng quyền khai thác khu thương mại dịch vụ này cho Vạn Thịnh Phát, nên giá trị quyền khai thác không được thể hiện trong giá trị sổ sách của công ty này.
Như vậy, sau khi kết thúc thời hạn chuyển nhượng, Vạn Thịnh Phát sẽ phải bàn giao lại quyền khai thác khu thương mại dịch vụ này cho Sài Gòn 5 (năm 2045), tài sản hình thành trong tương lai này, Sài Gòn 5 sẽ phải bàn giao lại cho Công ty Mẹ theo dõi và quản lý.
- Khu nhà ở chung cư (từ tầng 8 đến tầng 22): Sài Gòn 5 đã chuyển nhượng không thời hạn cho Vạn Thịnh Phát, nên tập đoàn này có quyền sở hữu về nhà ở theo quy định.
Bên cạnh đó, cũng theo công bố thông tin của Sài Gòn 5, tại thời điểm 31/12/2014 Công ty này còn có tài sản bất động sản đầu tư là Khu TTTM Hùng Vương (khu A&B). Đây là dự án do Sài Gòn 5 hợp tác đầu tư với Công ty CP Hùng Vương.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, Hùng Vương bỏ toàn bộ chi phí xây dựng dự án và có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Đồng thời, Hùng Vương cũng bao thuê toàn bộ phần diện tích thương mại được chia của Sài Gòn 5 theo phương thức thanh toán trước tiền thuê đất 1 lần đến hết 31/01/2016, sau thời hạn này Hùng Vương phải bàn giao lại mặt bằng cho Sài Gòn 5.
Toàn bộ giá trị tài sản của Khu TTTM Hùng Vương (khu A&B) là hơn 446,3 tỉ đồng được Sài Gòn 5 ghi nhận trên sổ sách tại thời điểm 31/12/2014, và thực hiện bàn giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.
Ngoài ra, ở dự án này còn một phần tài sản mà Sài Gòn 5 được chia từ hạng mục phát sinh thêm của Dự án, đó là căn hộ Penthouse P.02A. Nhưng do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chưa hoàn công và thủ tục khác nên Sài Gòn 5 chưa đủ cơ sở ghi nhận, hạch toán. Do đó, Sài Gòn 5 cho biết sẽ hạch toán và bàn giao về Công ty mẹ trong giai đoạn quyết toán doanh nghiệp nhà nước.
Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan
được biết đến là một gia tốc giàu có ở Việt Nam, hiện tập đoàn này đang
sở hữu hàng loạt dự án “khủng”. Đơn cử như Union Square nằm trên 4 mặt
tiền phố Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn và Lê Lợi, Sherwood
Residence, trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát, Khách sạn Windsor
– An Đông Plaza, Thuận Kiều Plaza, dự án Saigon Peninsula, Saigon Times
Square… Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản Đặc điểm chung của hệ thống Vạn Thịnh Phát là có vốn điều lệ đăng ký “siêu khủng”: VTP Groups Holdings: 6.000 tỷ đồng; VTP Group: 12.000 tỷ; An Đông: 9.000 tỷ; Saigon Peninsula: 12.000 tỷ. Trong đó, An Đông cũng là đối tác đầu tư vào dự án An Đông Plaza. theo số liệu chúng tôi có được, tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Đông đạt lần lượt là 21.700 tỷ và 9.200 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm của công ty mẹ Đầu tư An Đông đạt gần 500 tỷ và lợi nhuận hơn 70 tỷ đồng. |
(Theo Trí thức trẻ)