Cùng nhìn lại tổng quan thị trường tài chính năm 2015 qua những con số.
Cổ phiếu
Sau khi trải qua một năm đầy biến động, chỉ số Shanghai Composite vẫn ghi nhận mức tăng 9,4% trong năm 2015. Nhờ đồng yên ổn định, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng tăng 9,1% (tương đương 8,5% khi quy đổi sang USD).
Chứng khoán châu Âu trong năm vừa qua biểu hiện khá tốt, FTSE MIB của Ý tăng 12,7% nhưng do đồng EUR giảm giá nên quy sang USD, chỉ số này chỉ tăng 1,1%. Thất bại tại thị trường hàng hóa khiến cho chỉ số FTSE London giảm 4,9%. Mã AAL của tập đoàn khai thác vàng Anglo American giảm 75%, mã GLEN của đại gia hàng hóa Glencore cũng giảm 70%. Trái lại, nhóm cổ phiếu tập trung trong nước FTSE 250 lại tăng 8,4%.
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 0,7% tính từ đầu năm, giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính (khi chỉ số này giảm tới 40%). Diễn biến tồi tệ của thị trường dầu mỏ và nguyên liệu là lý do chính kéo nhóm S&P 500 xuống gần 1%. Trong khi đó Nasdaq Composite tăng gần 6%, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu FANG là chữ viết tắt của các cổ phiếu Facebook, Amazon, Netflix, Google và nhóm “Nifty Nine” – gồm Priceline, eBay, Starbucks, Microsoft và Salesforce. Thời điểm phố Wall đảo chiều tăng điểm, nhóm công nghệ và công ty tiêu dùng đóng góp phần lớn số điểm tăng.
Trang web cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet đã tăng 134%, dẫn đầu nhóm FANG với số lượng người theo dõi không ngừng tăng mạnh. Facebook tăng 34% trong khi Amazon tăng 118%. Hôm thứ ba, cổ phiếu Amazon đóng cửa ở mức giá kỷ lục 693,97 USD.
Tiền tệ
Trong số 13 đồng tiền đáng chú ý trong năm, đồng real Brazil nổi lên là đồng tiền sụt giảm mạnh nhất với mức 33,1% giảm so với đồng US. Nền kinh tế nước này đang suy sụp và nước này đang phải đối mặt với những rủi ro chính trị mà điển hình là vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras.
Năm 2015 được cho là năm phát của đồng USD nhờ vào chính sách tiền tệ thắt chặt lần đầu tiên trong gần một thập kỷ của Fed, chỉ số Dollar index tăng 9%. Ngược lại, đồng EUR lại giảm gần 10%. Tỷ giá EUR/USD giảm từ 1,21 xuống còn 1,09.
Nợ công
Năm vừa qua, các quốc gia Nga, Ukraina và Hy Lạp là những nước có lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức cao nhất. Cả Ukraina và Hy Lạp đều mấp mé bên bờ vỡ nợ, giá trái phiếu chính phủ tại hai quốc gia này giảm mạnh. Tuy nhiên ngay khi đạt được thỏa thuận, giá trái phiếu tăng mạnh với mức lợi nhuận khổng lồ đủ để cho những người dũng cảm thấy hứng thú để nắm giữ nó.
Hàng hóa
Cầu từ Trung Quốc chậm lại và tình trạng dư cung ảnh hưởng mạnh đến thị trường hàng hóa với giá dầu giảm hơn 1/3. Giá dầu Brent giảm 35% so với thời điểm đầu năm, rơi từ mức 57,33 USD/thùng xuống dưới 37,28 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá vàng giao ngay cũng giảm 10%, giá đồng giảm 25%.
Chỉ số hàng hóa của Bloomberg giảm 25% so với đầu năm – rơi xuống mức thấp nhất sau 5 năm sụt giảm liên tiếp.
Theo Trí thức trẻ/FT