Thị trường chứng khoán vừa có kỳ
nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, nên những phiên giao dịch đầu tiên
của năm Bính Thân sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo các ông, xu
hướng của thị trường trong tuần đầu tiên của năm mới sẽ như thế nào?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI
Mặc dù theo thống kê lịch sử của TTCK
Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đều chỉ rằng thị trường hồi phục tốt
sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhưng qua những gì chúng ta đã chứng kiến
những thông tin xấu từ sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán thế giới
và khu vực, cũng như giá dầu thô tiếp tục phá đáy, thì chúng ta có lý do
để tin rằng, năm nay sẽ không giống các năm trước là TTCK chắc chắn sẽ
phản ứng xấu trước bối cảnh vĩ mô bất lợi.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng khi nhìn
thị trường dưới góc độ phân tích kỹ thuật và cho rằng thị trường sẽ
không quá tệ trong tuần đầu tiên của năm mới và sẽ có xu hướng hồi phục
nhẹ nhàng với thanh khoản thấp trên cả 2 sàn. Hiện tượng phân hóa cổ
phiếu sẽ tiếp tục diễn ra ở 1 số ít cổ phiếu có thông tin cơ bản hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Thị trường những phiên cuối năm khá trầm
lắng và thanh khoản hạ thấp dần ứng với thông lệ hàng năm nhiều nhà đầu
tư vẫn muốn giữ tiền hơn là cổ phiếu trong những ngày lễ Tết. Ngoài lý
do bớt chịu lãi vay margin, còn có yếu tố an toàn và tránh lo nghĩ trước
các diễn biến khó lường của thị trường quốc tế.
Đợt giảm sâu vừa qua cũng là một yếu tố quan trọng khiến nhà đầu tư trở
nên thận trọng hơn trước thềm năm mới. Tuy nhiên, có thể thấy đợt giảm
mạnh vừa qua không hoàn toàn đến từ các kết quả hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp mà do các yếu tố ngoại vi nhiều hơn.
Các cổ phiếu đã trở nên rẻ và hấp dẫn
hơn sau các đợt đánh xuống sát 510 điểm. Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, dù
biến động thị trường quốc tế không mấy lạc quan, nhưng thị trường trong
nước vẫn khá hấp dẫn do mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đang ở mức thấp
tương ứng với ngưỡng trung bình 200 ngày. Có thể tuần đầu tiên vẫn còn
trong giai đoạn khởi động, nhưng sau đó thanh khoản có thể tăng lên dần
trong những tuần sau đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE
Thanh khoản sụt giảm liên tục những ngày
trước Tết mặc dù được lý giải là do những ngày cận Tết khiến thị trường
ảm đạm, nhưng theo dõi lịch sử những năm gần đây thì thông thường những
ngày gần Tết thanh khoản luôn ở mức cao. Tuy nhiên năm nay thanh khoản
giảm cũng là năm mà giai đoạn trước Tết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng
mạnh mẽ do ảnh hưởng của thị trường quốc tế trái với các năm trước họ
luôn mua ròng.
Điều này cho thấy hầu như chỉ có các nhà
đầu tư nội đang mua và rõ ràng thiếu dòng tiền khối ngoại cũng làm lực
đỡ thị trường yếu đi đồng thời tác động xấu đến tâm lý các nhà đầu tư
khác bất chấp thông tin kinh tế trong nước là khá tích cực.
Chính vì thế, những ngày đầu năm nếu
điều này không được cải thiện có thể tác động tiêu cực đến TTCK và ngược
lại sẽ giúp thị trường vượt qua được vùng kháng cự quan trọng 570-580.
TTCK Việt Nam thường phản ứng rất
nhạy cảm với các thông tin vĩ mô, cũng như chịu ảnh hưởng rất lớn từ
diễn biến của TTCK thế giới. Theo các ông, những yếu tố nào sẽ tác động
mạnh mẽ đến thị trường trong năm 2016?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI
Qua những gì mà các chuyên gia cũng như
các nhà đầu tư quan sát trong suốt năm 2015 và dự báo trong năm 2016,
tôi cho rằng, động thái điều chỉnh lãi suất của Fed, quá trình điều
chỉnh chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cũng như phản ứng của NHNN Việt
Nam thông qua việc điều chỉnh lãi suất, tỷ giá và điều quan trọng hơn
cả đó là một số nền kinh tế lớn thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản đang
có dấu hiệu suy thoái, cùng với việc giá dầu giảm sẽ là những yếu tố
quyết định ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK trong năm 2016.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Thị trường trong giai đoạn vừa qua dễ bị
tổn thương bởi khá nhiều nhân tố bên ngoài, đặc biệt là thị trường quốc
tế với giá dầu trồi sụt liên tục và cả biến động kinh tế Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc dù có
những phiên hồi phục xen kẽ, nhưng xu hướng chung vẫn là giảm và tình
hình là vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Việt Nam năm vừa qua đã chịu ảnh hưởng
khá nặng nề khi giá dầu liên tục mất giá và sau đó là áp lực tỷ giá từ
các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam hiện tại
tăng trưởng vẫn dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),
trong khi năng lực doanh nghiệp nội địa còn yếu, vì vậy đứng bên cạnh
nền kinh tế làng giềng lớn như Trung Quốc, thì sự ảnh hưởng là rất lớn ở
nhiều khía cạnh. Ngoài yếu tố này thì giá dầu, tình hình tỷ giá, lãi
suất cũng là những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến thị trường
Việt Nam trong năm nay.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE
Các yếu tố quốc tế vẫn sẽ tác động mạnh,
TTCK thế giới đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc được các nhà đầu tư trong và
ngoài nước rất quan tâm, cũng như ảnh hưởng đến dòng tiền khối ngoại.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm,
đồng CNY giảm giá, FED tăng lãi suất, giá dầu vẫn là những yếu tố quan
trọng tác động đến TTCK. Tuy nhiên, trong năm nay sẽ có thêm 1 yếu tố đó
chính là vàng.
Việc đầu năm 2016, dòng tiền trên thị
trường tài chính quốc tế có xu hướng chảy vào vàng (vàng là sản phẩm gần
như duy nhất tăng giá trong tháng 1) sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền các
kênh khác đặc biệt là chứng khoán. Nếu giá vàng tiếp tục nhận được dòng
tiền và tăng giá TTCK sẽ có thể xấu hơn và ngược lại TTCK sẽ chinh phục
những tầm cao mới. Mặc dù vậy, TTCK vẫn luôn là một kênh đầu tư tốt,
nhưng nếu tiền bị hút sang các kênh khác, thì những nhóm cổ phiếu
bluechips sẽ không được hỗ trợ, mà thay vào đó là thời của pennies có
thể sẽ quay lại.
Năm 2015 được coi là năm thành
công của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm DN tài chính-ngân hàng,
bất động sản, logistic, vật liệu xây dựng… Các ông dự báo ra sao về
triển vọng của các nhóm ngành này trong năm nay?
Mặc dù duy trì quan điểm thận trọng và
dự báo TTCK năm 2016 sẽ có nhiều diễn biến bất ổn, cơ hội đầu tư vào một
số ngành nghề cơ bản gắn liền với chu kỳ nền kinh tế, cơ hội đối với
từng cổ phiếu riêng lẻ “có câu chuyện” được sự hỗ trợ của dòng tiền đầu
cơ cũng như đầu tư vẫn luôn xuất hiện. Điều quan trọng là nhà đầu tư có
nhanh nhạy và nắm bắt được không vẫn phụ thuộc vào trình độ cũng như
kinh nghiệm đầu tư.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nhóm cổ
phiếu bảo hiểm - ngân hàng và xây dựng, cũng như vận tải biển sẽ là nhóm
cổ phiếu sẽ thu hút dòng tiền trong năm nay, mặc dù TTCK sẽ khó bước
vào giai đoạn tăng trưởng mạnh về điểm số nhưng một số mã cổ phiếu “đặc
biệt” trong các nhóm ngành kể trên sẽ trở thành siêu cổ phiếu của năm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Với các ngành bất động sản chỉ vừa mới
tạm hồi phục trong gần 1 năm nay sau một giai đoạn dài khủng hoảng. Có
khá nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp đang được khởi động lại và dự
báo năm nay tiếp tục là năm sôi động cho nhóm ngành bất động sản.
Các chính sách gần đây vẫn tiếp tục hỗ
trợ cho ngành bất động sản phát triển mà mục tiêu là cũng để khai thông
khó khăn cho nhiều ngành khác. Việc ấm lên của thị trường bất động sản
cũng có liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng mà phần
lớn đến từ lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, năm nay các nhóm ngành
logistic dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng do cơ cấu chuyển đổi mục
tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới và cả việc ngành logistic
hưởng lợi từ giá đầu vào rẻ hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE
Nhóm tài chính-ngân hàng vốn là nhóm
quan trọng của nền kinh tế, nên với xu hướng tăng trưởng của kinh tế, từ
các hiệp định thương mại hay các chính sách hỗ trợ thì nhóm này cùng
với bất động sản, logistic và vật liệu xây dựng cũng được được hưởng
lợi. Tuy nhiên, có sự phân hóa khá rõ trong những doanh nghiệp thuộc các
ngành này như bất động sản năm 2015 có VIC, BCI... tăng giá, nhưng HAR,
PPI... giảm giá. Bởi thế, chọn cổ phiếu là một điểm quan trọng sau khi
chọn được ngành tiềm năng.
Ngoài ra, tôi bổ sung thêm nhóm khoáng
sản đang có xu hướng hút được dòng tiền một số mã đã tăng mạnh như TNT,
KSB, hay vừa chớm tăng như DHM. Bởi thế, các nhà đầu tư cũng nên chú ý
ngành này trong năm 2016.
Bên cạnh đó, nhóm công nghệ, năng lượng
mới đang có sức hút từ xu hướng tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhu
cầu xã hội nên nhóm này khá tiềm năng cũng nên được các nhà đầu tư quan
tâm.
Hải Vân - ĐTCK