
Những khó khăn, thách thức
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK),
ngành quỹ Việt Nam hiện có tổng cộng 30 quỹ đầu tư, trong đó có 17 quỹ
mở (2 quỹ ra đời trong năm 2015 là Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom và Quỹ
đầu tư trái phiếu Techcom).
Nhìn lại năm 2015, Công ty TNHH Quản lý
quỹ SSI (SSIAM) đáng giá, đó là một năm có nhiều khó khăn đối với ngành
quỹ khi các công ty quản lý quỹ nội địa vẫn chưa thu hút được sự tham
gia mạnh mẽ của các NĐT trong nước, trong khi huy động vốn ngoại đang
ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các công ty quản lý quỹ nước
ngoài. Đặc biệt, với hệ thống quỹ mở, trong năm qua, các công ty quản lý
quỹ chưa thành công trong việc tăng quy mô của các quỹ thông qua huy
động thêm dòng tiền mới, cũng như chưa tăng đáng kể số lượng NĐT cá nhân
góp vốn vào quỹ.
Khó khăn của hệ thống quỹ mở, theo sự
nhìn nhận của CTCP Quản lý quỹ VinaWealth, là các kênh phân phối chứng
chỉ quỹ chưa phát triển rộng rãi, tài sản đầu tư của các quỹ thiếu đa
dạng và kết quả đầu tư của nhiều quỹ mở không cao, nên khó tạo ra sức
hấp dẫn NĐT.
Về phía cầu, hiểu biết của NĐT về sản
phẩm đầu tư và quỹ đầu tư còn hạn chế. NĐT chưa mặn mà tham gia quỹ mở
còn do tâm lý ngại rủi ro, muốn tự mình đầu tư và ưa thích đầu tư ngắn
hạn.
Ngoài ra, nhiều NĐT ưa chuộng các sản
phẩm đầu tư truyền thống như: bất động sản, ngoại tệ, gửi tiết kiệm. Bên
cạnh đó, GDP/đầu người tại Việt Nam còn thấp, các công ty quản lý quỹ
không có nhiều lựa chọn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ như dịch vụ
ngân hàng lưu ký…
Giải pháp “tiếp sức”
Năm 2016 được dự báo vẫn là một năm khó
khăn đối với hệ thống quỹ mở, nên các thành viên ngành quỹ đã đưa ra
nhiều kiến nghị, đề xuất lên nhà quản lý, để hỗ trợ sản phẩm quỹ này
phát triển.
Cụ thể, SSIAM đề xuất Trung tâm Lưu ký
chứng khoán (VSD) nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch online để sẵn
sàng triển khai khi hành lang pháp lý cho phép.
Hiện tại, giao dịch online hầu như chưa
có, nên NĐT giao dịch chứng chỉ quỹ mở chưa thuận tiện. Công ty quản lý
quỹ có thể phát triển dịch vụ này, nhưng chi phí khá lớn và đây cũng
không phải là chuyên môn chính mà các đơn vị này mong muốn cung cấp.
Một hệ thống online do VSD cung cấp sẽ
mang lại lợi ích cho toàn thị trường. Nhà quản lý cũng cần xem xét ban
hành các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế cho NĐT, để tạo thêm động
lực thu hút họ đầu tư vào quỹ mở. Cũng cần khuyến khích thêm nhiều đơn
vị tham gia cung cấp các dịch vụ lưu lý, quản trị, đại lý chuyển nhượng
cho các quỹ mở.
Theo ông Nguyễn Quang Thương, Phó vụ
trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK, để tạo cơ chế hỗ trợ mới cho quỹ mở, đồng
thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập như phản ánh của các thành viên thị
trường, trên cơ sở đề xuất của UBCK, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư
15/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và
quản lý quỹ mở, với nhiều nội dung mới, có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.
Theo đó, điểm mới của Thông tư 15 là bổ
sung đại lý phân phối chứng chỉ quỹ là tổ chức kinh tế khác, bên cạnh
các đại lý phân phối hiện tại gồm: CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng
lưu ký…
“Việc bổ sung nội dung trên sẽ giúp các
công ty quản lý quỹ có thêm kênh tiếp cận với khách hàng, từ đó cải
thiện khả năng huy động vốn cho thành lập các quỹ mở mới”, ông Thương
nói.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho
các công ty quản lý quỹ, Thông tư 15 quy định, trong hồ sơ đăng ký chào
bán chứng chỉ các quỹ tiếp theo, nếu không phát sinh nội dung và thông
tin mới, thì công ty quản lý quỹ không cần nộp các tài liệu chứng minh
ngân hàng giám sát, tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan, người điều
hành quỹ đáp ứng điều kiện theo quy định mà công ty đã nộp trong hồ sơ
đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ trước đó...
Để giải quyết bất cập của quy định hiện
hành về trách nhiệm của ngân hàng giám sát, Thông tư 15 quy định: ngân
hàng giám sát, tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan được nêu rõ tại bản
cáo bạch và các tài liệu quảng cáo thông tin về quỹ mở, chỉ xác nhận các
thông tin có liên quan đến ngân hàng giám sát, tổ chức cung cấp dịch vụ
có liên quan và chịu trách nhiệm trong phạm vi liên quan đến hoạt động
của ngân hàng giám sát, tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan trên cơ sở
hợp đồng ký với công ty quản lý quỹ, phù hợp với quy định pháp luật.
Hữu Đạo - ĐTCK