Việc đa số người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU chỉ là một trong chuỗi
diễn biến liên quan đến nhau, báo hiệu khả năng diễn ra một cuộc sắp xếp
lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và ý thức
hệ trên toàn cầu, theo New York Times.
Bình luận viên Jim Yardley đánh giá rằng tốc độ tăng
trưởng kinh tế toàn cầu chậm đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào
những học thuyết kinh tế tự do, đặc biệt khi họ phải đối mặt với những
chính sách kinh tế sai lầm và tình trạng nhập cư ngày càng gia tăng.
Chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến tại các quốc gia phương Tây.
Các đường biên giới ở Trung Đông bị xóa nhòa bởi các cuộc nội chiến và
xung đột phe phái. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong việc khẳng định vị thế, còn nước Nga thì có những hành động mạo hiểm hơn. Tất
cả những điều này đặt ra thách thức lớn chưa từng có đối với trật tự
thế giới do Mỹ và các đồng minh phương Tây thiết lập sau Thế chiến II.
Nước Anh là một trụ cột cũng như là quốc gia được hưởng nhiều lợi
ích trong trật tự thế giới đó. Quốc gia này có vị trí quan trọng tại
Liên Hiệp Quốc (LHQ), giữ vai trò nhất định trong quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Giờ đây, việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) đã biến nước này thành biểu tượng cho những rạn nứt của chính trật tự thế giới đó. Việc London lựa chọn rời khỏi
EU làm suy yếu vị thế của khối trên vai trò một thị trường chung lớn
nhất thế giới cũng như một thành trì của nền dân chủ toàn cầu.
Việc này cũng làm suy yếu sự thống nhất thời hậu chiến mà các liên minh
cần đến để duy trì sự ổn định cũng như kiềm chế chủ nghĩa dân tộc từng
đẩy châu Âu vào một cuộc xung đột đẫm máu, vào đúng thời điểm chủ nghĩa
này đang hồi sinh mạnh mẽ.
"Bản thân Brexit sẽ không xóa bỏ hoàn toàn trật tự quốc tế, nhưng
nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu, làm xói mòn niềm tin vào trật tự vốn được các
quốc gia đồng minh dày công tạo dựng", Ivo H. Daalder, cựu đại diện Mỹ
tại NATO nhận định.
Hai ngày sau sự kiện Brexit, ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu đã tổ
chức cuộc họp đầu tiên của 57 quốc gia thành viên. Ngân hàng này là cơ
hội để Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng từ WB và IMF trong thị trường
tài chính toàn cầu.
"Trong lịch sử, chưa bao giờ có đế chế nào có thể cai trị thế giới vĩnh viễn", tân chủ tịch của ngân hàng này, ông Jin Liqun, từng nhận định về Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 25/6. Ảnh: AP
|
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 25/6 tiến hành một loạt cuộc hội đàm để cân nhắc phản ứng trước sự ra đi của nước Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm ngắn cấp nhà nước tới Bắc Kinh.
Những năm gần đây, ông Putin cũng phải đối mặt với những rắc rối riêng
trước sự cô lập về kinh tế, chính trị của châu Âu. Theo giới phân tích,
cuộc bỏ phiếu Brexit của nước Anh là món quà bất ngờ cho ông chủ điện
Kremlin.
"Ông Putin sẽ xoa tay sung sướng", nhà sử học Anh Timothy Garton
Ash nhận định. "Một nước Anh buồn bực đã tung đòn vào phương Tây, vào
những lý tưởng của hợp tác quốc tế, trật tự tự do và xã hội mở mà Anh
từng cống hiến rất nhiều".
Sau lựa chọn ra đi của Anh, châu Âu đang phải đối diện với thách thức vừa củng cố đoàn kết vừa duy trì ảnh hưởng trên thế giới. Anh
là một thành viên quan trọng của NATO, song nếu nền kinh tế của nước
này bị suy yếu do quyết định rút khỏi EU, các thành viên khác trong khối
có thể chịu áp lực đòi cắt giảm chi tiêu quân sự từ người dân.
"Lựa chọn của đa số người dân Anh cho thấy nội bộ châu Âu đã tồn
tại nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết triệt để về bản chất. Những hệ
quả về kinh tế và an ninh quốc phòng có thể sẽ làm đảo lộn trật tự thế
giới đã tồn tại hơn 70 năm qua. Sự đảo lộn này là xu thế khó có thể đảo
ngược", Alison Smale, cựu tổng biên tập International Herald Tribune của New York Times, nhận định.
(Vnexpress)
Xem thêm: