Từ
lâu Giám đốc Điều hành Gary Cohn đã được coi là người sẽ kế vị đương kim Chủ
tịch kiêm CEO của Tập đoàn Goldman Sachs, Lloyd Blankfein. Nhưng theo một
số “người trong nhà”, Blankfein chưa hề tỏ ý định “thoái vị”. Sau khi chèo lái
tập đoàn qua những khủng hoảng tài chính cùng các bê bối liên tiếp, nay có vẻ
Blankfein đang khá thảnh thơi. Ông trở thành “bậc lão làng” trong giới tài
chính, và vẫn rất sung sức vận hành cỗ máy kiếm tiền khủng nhất phố Wall. Không
như những người tiền nhiệm, chẳng ai nghĩ tới chuyện Blankfein sẽ từ bỏ “đứa
con” Goldman, tới Washington và nhận một ghế quan chức cấp cao trong chính
quyền

Ông trùm không muốn… thoái vị
Tờ New York Times gọi Gary Cohn là "thái tử" đang ngán ngẩm
trước cái sự lười nhác và "còn lâu mới về vườn" của "Chúa" Lloyd
Blankfein. Cả Cohn và Blankfein đều xuất thân là giao dịch viên. Cohn
khởi nghiệp tại Sở Giao dịch hàng hóa New York vào năm 1983. Hồi ấy ông
bị gọi là "anh chàng kẹo cao su" vì việc của ông là cầm kẹo cao su
chuyên làm êm họng các giao dịch viên cả ngày hò hét.
Không lâu sau, Cohn bắt đầu giao dịch bằng vốn riêng cho tới
khi vào Goldman Sachs năm 1990. Vào Goldman, thu nhập của Cohn tụt mạnh
nhưng lại làm thân được với Blankfein. Từ bấy đến nay, Cohn theo gót
Blankfein trên nấc thang lãnh đạo và trở thành đồng Chủ tịch và đồng
Giám đốc Điều hành (CEO) sau khi Blankfein lên chức Tổng giám đốc.
Vị CEO ngày càng tỏ ra nóng ruột được đặt chân vào vị trí cao
nhất tập đoàn tài chính mạnh nhất phố Wall, nhưng vẫn chưa thấy thời cơ
xuất hiện. Với Cohn, đây không phải chuyện đùa. Theo bạn bè và đồng
nghiệp, Cohn sẽ ra đi nếu Blankfein không sớm thoái vị ngai. Nếu thế,
chuyện kế vị ở Goldman sẽ bị đảo lộn, vì hiện không ai đủ tầm thay thế
Blankfein cả. "Anh chưa biết người điều hành Goldman quan trọng đến thế
nào đâu", cựu giao dịch viên cao cấp Michael J. Driscoll tại Bear Sterns
nói. "Đứng đầu Goldman là thực tế đã đứng đầu phố Wall".
Bước dập dìu của Cohn và Blankfein lại càng khó hiểu hơn khi
chưa ai thấy giữa họ có gì căng thẳng với nhau. Dù nhìn theo góc độ nào,
họ vẫn là bạn. Nhiều năm trời, hai gia đình đi nghỉ cùng nhau và Cohn
gần đây còn dự đám cưới của con trưởng Blankfein. Nhưng đây là Goldman
Sachs, tập đoàn nổi tiếng với sự quyết liệt trong từng giao dịch, nơi
tham vọng cũng vĩ đại như tiền lương. Chuyện đấu đá nội bộ chẳng phải xa
lạ: người tiền nhiệm của Blankfein, cựu Bộ trưởng Tài chính Hank
Paulson, trở thành CEO sau khi "đảo chính" lật đổ người đồng sự Jon
Corzine.
Dù Cohn vẫn là ứng cử viên hàng đầu, nhưng thời gian là kẻ thủ
của ông. Goldman vẫn tiếp tục cân nhắc các nhân sự khác, và quyền trượng
có thể rơi vào tay ai đó chứ chẳng phải Cohn. Nếu Cohn ra đi hoặc bị
loại bỏ, có thể kể đến một số tên tuổi sáng giá khác như Giám đốc Tài
chính Henry Schwartz hay đồng Giám đốc bộ phận Ngân hàng Đầu tư David
Solomon.
Phát ngôn viên Goldman cho biết: "Chúng tôi muốn có một đội ngũ
lãnh đạo ổn định và hùng mạnh với nhiều chục năm gắn bó cùng công ty.
18/30 thành viên ban lãnh đạo đã làm việc ở Goldman từ 20 năm trở lên".
Với một người từng công khai tuyên bố "muốn chiếc ghế của
Blankfein" như Cohn, chuyện này lại càng khó. Dù đã kiếm được gần 128
triệu USD kể từ năm 2007 nhưng chắc chắn Cohn có thể còn kiếm được nhiều
hơn nếu làm việc tại một quỹ đầu tư. Tiền bạc hấp dẫn thật, nhưng làm
sao ông có thể đánh bại Blankfein để thâu tóm thêm nhiều quyền lực ở
Goldman Sachs. Do đó, sẽ hợp lý nếu cho rằng Gary Cohn chưa tính tới
chuyện rời công ty, mà buộc phải ở lại tiếp tục các chiến lược riêng
nhằm tìm thời cơ trở thành một Lloyd Blankfein thứ hai ở phố Wall.
Trong khi Cohn có vẻ sốt ruột, thì Blankfein lại tỏ ra thảnh
thơi vì chẳng có lý do gì phải ra đi. Một số cựu lãnh đạo cao cấp của
Goldman như Hankn Paulson, Jon Corzine và Robert Rubin từng giữ chức vụ
cao cấp trong chính quyền như Thống đốc bang hay Bộ trưởng. Tuy vậy, bản
thân Blankfein cũng hiểu ông không có chỗ ở Washington, nhất là sau
hàng loạt các bê bối của giới ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính.
Thế nên, trong suy nghĩ ông luôn muốn ở lại Godman Sachs với
bất cứ lý do nào, mà thiết thực và đáng tin nhất vẫn là: "Tôi quá ham
thích công việc điều hành kinh doanh này tới mức không bao giờ muốn từ
bỏ nó cho người khác. Tôi sẽ chết trên bàn làm việc đấy thôi!".
Cách đây không lâu, người ta đã nghĩ Blankfein "khó trụ được
trên ngai vàng". Goldman Sachs, có tiếng thích tiến hành các thương vụ
sinh lời một cách kín đáo, tức ở trong bóng tối, từng bị buộc tội lừa
đảo nhà đầu tư và phải nộp 550 triệu USD phí dàn xếp. Tập đoàn này cũng
bị các chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương tấn công dồn dập, gần đây
nhất là Tiểu ban Điều tra Thượng viện Mỹ.
Giới truyền thông tin rằng vụ kiện chống lại Ngân hàng Goldman
Sachs của Tập đoàn Goldman Sachs (kiếm lời từ thiệt hại của khách hàng
khi đặt cược vào việc giá bất động sản giảm, trong khi lại bán các khoản
đầu tư sinh lời khi thị trường lên giá) đã động tới phong cách điều
hành kinh doanh của Lloyd Blankfein. Ông sợ rằng Goldaman Sachs sẽ kẹt
vào sự chia rẽ giữa mảng môi giới và các mảng kinh doanh chính, tức để
mảng tư vấn khách hàng và quản lý tài sản độc lập với việc đầu tư bằng
vốn của chính mình, sau đó sẽ bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua. Do đó,
ông cố tình chủ động khuyến khích việc xung đột lợi ích vì ông nghĩ
điều đó là cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của ngân hàng.
Dù các nhà điều tra có kiên quyết đi sâu vào vụ việc tới mức
nào, thì Blankfein cũng đủ thông minh để che đậy hoàn hảo và "nhờn
thuốc" với những chiêu trò bẩn của các đối thủ nhằm hạ gục tập đoàn.
Lloyd Blankfein vẫn chắc tay lái đến kỳ lạ, đưa cả tập đoàn cùng các
hoạt động kinh doanh vượt qua mọi giông tố để vẫn tiếp tục tồn tại, sinh
lời cực khủng ở phố Wall. Bởi lẽ, con người này có quá nhiều điểm đáng
ngưỡng mộ và tạo ra một cái bóng quá lớn bao trùm cả Goldman Sachs,
không ai trong thời điểm hiện tại đủ năng lực để thế chỗ ông.
Ông có vô số "tay trong", trở nên nổi tiếng vì những thư thoại
ông gửi đi nhằm củng cố tinh thần nhân viên. Trong một thư thoại gần đây
mà giới báo chí có được, dường như ông rất lạc quan trước các cáo buộc
chống lại Goldman Sachs. Người ta cũng nói rằng ông đã gõ cửa nhiều nhân
vật trong mạng lưới quyền lực nổi tiếng của Goldman để nhờ trợ giúp khi
gặp khó khăn.
Tờ New York Times nhận định: "họ" là những tay trong siêu hạng
nhờ sự thông minh và các vị trí thâu tóm quá nhiều quyền lực trong chính
quyền. Mạng lưới của Lloyd Blankfein rất hùng mạnh, không chỉ ở
Washington, mà trải khắp thế giới. Thế nên, bất kỳ khi nào ông cần đến
"tình bằng hữu", chỉ cần một cú điện thoại là xong!--PageBreak--
Cái bóng quá lớn ở phố Wall
Chính Lloyd Blankfein không thể nhớ nổi từ lúc nào sự nghiệp
của ông lên tầm cao mới. Chia sẻ với phóng viên New York Times, ông cho
biết bí quyết thành công tại Goldman Sachs đơn giản nằm ở khả năng thích
nghi với tình hình, hoàn cảnh mới và người mới, thế nhưng theo cách
thức giao tiếp mới. Blankfein tin vào khả năng xét đoán tình hình và con
người, không bao giờ chịu áp lực quá lớn từ những lời thuyết phục không
đáng tin.
Ông có tài kiếm tiền cực giỏi. Ông lấy lợi nhuận làm mục tiêu
cũng giống như phần lớn các nhà đầu tư ở phố Wall nói chung và Goldman
nói riêng. Tất nhiên giới lãnh đạo cao cấp nhất của Goldman Sachs không
thể không chú ý đến tính cách trên của ông. Ông không muốn đặt nặng mục
tiêu vào việc kiếm tiền dù nhiều người trong tập đoàn cho rằng ông quá
quan tâm đến lương thưởng và muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt do ám
ảnh bởi tuổi thơ khốn khó.
Giám đốc cũ của bộ phận quan hệ chính phủ ở Goldman Sachs cho
rằng, Blankfein thăng tiến nhanh ở Goldman nhờ cả "chỉ số EQ cao" cũng
như "trí lực bẩm sinh". Quả thực, ông là người thú vị, mê lịch sử nhưng
lại rất vui nhộn khi làm việc cùng, luôn sẵn sàng pha một câu chuyện
cười bất cứ khi nào bầu không khí trở nên căng thẳng. Nếu mọi người sẵn
sàng thức khuya vì một cuộc gọi từ nước ngoài, ông cũng như thế. Nếu cha
của một ai đó qua đời, ông cũng cảm thông cho người đó một ngày nghỉ
phép.
Tuy nhiên, ít ai hiểu rằng ông từng muốn làm một người bình
thường, thay vì luôn cố gắng trở nên "hài hước và giải trí". Khi còn là
một đứa trẻ, Blankfein khá mũm mĩm và tỏ ra vô cùng mặc cảm với bạn bè.
Ông đã cố che giấu điều này bằng cách biến bản thân thành một anh hề,
chuyên pha trò gây cười cho bạn bè và trở nên nổi tiếng khắp Trường
trung học Thomas Jefferson nhờ phong cách hài hước, thân thiện. Chính
điều này đã tạo nên một phong cách rất độc đáo cho Blankfein, làm cầu
nối với nhân viên và xây dựng môi trường làm việc thoải mái, tự do và
sáng tạo.
Lloyd Blankfein luôn bị ám ảnh bởi quá khứ nghèo khổ, thế nên
trong thâm tâm ông vẫn rất căng thẳng và đặt áp lực cho bản thân phải
kiếm thật nhiều tiền. Vì thế, điều ông thực sự mong mỏi là được thư giãn
đầu óc. "Tôi không được yên tĩnh một chút nào, thành thật mà nói. Tôi
phải chịu sự ồn ào từ những cuộc điều tra và những yêu cầu, hay sự ồn ào
của đám đông la hét ngoài kia, hay báo chí với những người luôn muốn
kiếm được thứ gì đó để viết. Áp lực tài chính luôn ám ảnh tôi trong từng
giấc ngủ" - ông nói.

Một trong số các dinh cơ của Blankfein - minh chứng cho khối tài sản khổng lồ hàng tỉ USD.
Giờ đây, ông đã có cuộc sống giàu sang. Ông mới chi 26 triệu
USD mua căn hộ kép đối diện với công viên trung tâm. Ông còn dành 41
triệu USD mua căn nhà 13 phòng ngủ tại Southampton. Thế nhưng, khi thông
tin về các vụ mua nhà của ông đến tai giới truyền thông, công chúng lại
có dịp soi mói. Blankfein và gia đình quyết định không bán căn nhà của
họ tại Sagaponack, trước đó đã được rao bán vào năm 2007 với giá chưa
đầy 14 triệu USD.
Dư luận cũng chĩa mũi dùi vào gia đình ông hồi năm ngoái, khiến
Blankfein phải yêu cầu các nhân viên Goldman Sachs tránh mua sắm các
khoản lớn. Khi ấy, vợ ông và vợ một chuyên gia điều hành cao cấp khác
tại Goldman đã bị New York Times coi như kẻ làm gián đoạn và gây quá
nhiều sự ồn ào tại một sự kiện mua sắm quy mô lớn ở Hamptons, thuộc bang
Virginia.
Bỏ qua một vài chuyện vụn vặt cá nhân, đến thời điểm hiện tại,
Ban lãnh đạo Goldman Sachs đã quá ấn tượng với tính bền bỉ, tham vọng và
khả năng điều hành công việc kinh doanh của Blankfein. Một quản lý cấp
cao của Goldman Sachs kể: "Tôi thực sự ngưỡng mộ cách ông ăn uống, ngủ
và thư giãn với chính công việc kinh doanh, quản lý thị trường mà vẫn
kiếm được những khoản tiền lớn". Truyền thông cũng lần lượt khen ngợi
Blankfein - "chuyên gia phản ứng nhanh nhạy và sắc bén" của phố Wall.
Lloyd Blankfein khác biệt, bởi ở con người ông chẳng có chút tự phụ nào.
Ông nhận thức rõ về yếu điểm của mình và muốn làm tốt hơn. Khi
nhìn vào một số người và chứng kiến con đường họ đi trong khoảng từ 15
đến khoảng 20 năm và đạt đến cấp cao nhất định, thành công của họ nhiều
hơn, nhưng yếu điểm cũng bộc lộ rõ ràng hơn. Lãnh đạo tốt cần khả năng
nhận ra yếu điểm cả họ và khả năng tự phát triển.
Và Goldman Sachs nhìn thấy tất cả các đức tính trên ở
Blankfein, nên chẳng dễ gì để ông ra đi khi vẫn còn đủ sức khỏe đảm
trách cỗ máy kiếm tiền ở phố Wall. Còn riêng với Lloyd Blankfein, ông ở
lại để tiếp tục hành trình đi tìm thành công của một cậu bé nghèo bán
nước giải khát ở sân vận động. Từ cửa sổ văn phòng nhìn về khu Đông New
York, quang cảnh ấy nhắc ông rằng: giấc mơ Mỹ ngày nào hiện vẫn còn dang
dở…
(Theo CAND/New York Times)